Phân vân việc lập bộ mới quản lý tập đoàn
Sai phạm, thất thoát tiền và tài sản nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty khiến dư luận đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách thức quản lý vốn và quyền chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết việc thành lập cơ quan ngang bộ để quản lý tập đoàn, tổng công ty có một số điểm bất lợi.
Câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6 vào ngày 3-7 đặt ra cho ông Đam là vấn đề sửa đổi Nghị định 132/CP “về tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác” tiến trình đã đến đâu và có gì mới hơn nghị định cũ vốn không quản lý nổi các tập đoàn, tổng công ty.
Ông Đam cho biết nội dung nghị định sửa đổi yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, thoái vốn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm nhất ở nghị định sửa đổi là liệu có thành lập cơ quan ngang bộ để quản lý các tập đoàn, tổng công ty hay không, theo ông Đam: “làm như thế có một số điểm bất lợi”.
Ông phân tích rằng, quan điểm của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý khi Chính phủ lấy ý kiến về việc này cho thấy việc thành lập bộ hay cơ quan ngang bộ để quản lý thì dễ nhưng các doanh nghiệp lại hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Một cơ quan quản lý các tập đoàn từ viễn thông đến hàng không... thì khó có thể bao quát và hiểu biết hết các lĩnh vực này vì tính chuyên biệt của nó. “Việc Bộ Giao thông Vận tải quản lý hàng không vẫn là chắc nhất”, ông ví dụ.
Ông Đam nói trong tình hình hiện nay nếu chưa có phương án tốt hơn thì việc bộ chủ quản hiện quản lý các tập đoàn, tổng công ty vẫn là phương án được sử dụng. Bổ sung cho nó là việc tăng cường chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ của bộ đó và Bộ Tài chính.
Phía Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ thành lập Tổng cục Quản lý và giám sát tài chính doanh nghiệp trên cơ sở nâng cấp Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp hiện có thuộc bộ để quản lý việc sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn.
Ông Đam cho biết hướng sắp tới Bộ Tài chính sẽ cử người giám sát việc quản lý tài chính tại các tập đoàn, tổng công ty nhưng ăn lương của bộ thay vì ăn lương của doanh nghiệp.
Ngọc Lan
tbktsg
|