Thứ Ba, 31/07/2012 10:55

Nỗi buồn của cánh đồng mẫu lớn

Phía sau cánh đồng lúa trĩu bông và niềm vui của người nông dân là một cuộc chiến gay gắt giữa ban lãnh đạo AGPPS và nhóm cổ đông lớn nước ngoài.

Nhiều bài báo ngợi ca, nhiều đoàn quan khách đến tham quan mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo được coi là thành công nhất Việt Nam với tên gọi cánh đồng mẫu lớn của CTCP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS). Nhưng ít người biết được, phía sau cây lúa trĩu bông và niềm vui của người nông dân là một cuộc chiến gay gắt giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và nhóm cổ đông lớn nước ngoài, mà lời giải đến tận bây giờ vẫn để ngỏ.

Cổ đông lớn ra đòn hiểm

Là doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam trong ngành thuốc bảo vệ thực vật, AGPPS có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Năm 2011, Công ty đạt doanh thu thuần 4.869 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 4,5% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 569 tỷ đồng, tăng 58,9% so với năm 2010 và tăng 37,4% so với kế hoạch. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2011 tỷ lệ 30%. Trong cơ cấu cổ đông lớn của AGPPS có những tên tuổi như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (sở hữu 26,12%), Mekong Capital, VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton; trong đó, 3 cổ đông nước ngoài liên kết, trừ Mekong Capital, sở hữu 37,67% cổ phần.

Kết quả kinh doanh tốt như vậy, nhưng ĐHCĐ thường niên 2011 (lần 1) của AGPPS tổ chức ngày 29/4/2012 tại Hội trường Thống Nhất TP. HCM không thành công, do 4 cổ đông lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài không đến dự. Đại hội lần 2 được tổ chức tại An Giang tiếp tục thất bại với diễn biến ít người có thể ngờ: nhóm cổ đông lớn (gồm VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton) bỏ phiếu phủ quyết toàn bộ các nội dung mà HĐQT và Ban kiểm soát trình Đại hội, trong đó có cả những nội dung như BCTC đã được kiểm toán, tờ trình lựa chọn công ty kiểm toán trong nhóm Big 4 (đây là nội dung do chính nhóm cổ đông trên đề nghị đưa vào cuộc họp). Trong đại hội, mặc cho các cổ đông khác tỏ thái độ bức xúc về cách hành xử như trên và yêu cầu những cổ đông lớn bỏ phiếu phủ quyết lên tiếng giải thích lý do hành động của mình, đại diện 3 quỹ trên đều im lặng. Tham dự đại hội, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã thất vọng ra mặt.

Tại sao sự việc hy hữu trên lại xảy ra? Có 2 lý do được đưa ra giải thích cho động thái thiếu tính xây dựng của nhóm cổ đông lớn: phản đối việc đầu tư cho cánh đồng mẫu lớn và không chấp nhận việc lùi niêm yết cổ phiếu của Ban lãnh đạo Công ty.

Cánh đồng mẫu lớn: Tội hay công?

Từ năm 2010, AGPPS triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn và tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo. Suốt vụ sản xuất, nông dân được cung ứng giống, vật tư nông nghiệp (cho nợ không tính lãi 120 ngày), được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của Công ty xuống hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác. Sau khi thu hoạch xong, nông dân được Công ty hỗ trợ đóng gói, vận chuyển, sấy và lưu kho miễn phí trong vòng 30 ngày. Ưu điểm của mô hình giúp giảm chi phí sản xuất (từ 3.302 đồng/kg xuống còn 2.581 đồng/kg), đồng thời giúp thay đổi vị thế của người nông dân khi họ có thể chủ động được giá bán và thời điểm bán lúa cho Công ty. Mô hình thành công cả về năng suất, chất lượng, giá thành sản xuất cho đến bài toán thu mua, tiêu thụ nông sản. Theo đó, lợi nhuận của nông dân đã tăng thêm so với khu vực sản xuất ngoài mô hình từ 2,5 - 3 triệu đồng/héc-ta.

Đến thời điểm này, Công ty đã xây dựng được 4 trên kế hoạch 12 nhà máy. Tính đến năm 2012, diện tích vùng nguyên liệu của Công ty đạt 34.400 héc-ta. Kế hoạch của AGPPS là đến năm 2018 sẽ phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn phủ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 360.000 héc-ta, nâng công suất hoạt động các nhà máy chế biến nguyên liệu lên 2,4 triệu tấn lúa/năm.

Tham gia thị trường lúa gạo là một bước đi chiến lược của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch AGPPS. Hiện nhu cầu trên thị trường thuốc bảo vệ thực vật tăng chậm, AGPPS chiếm 25% thị phần, hơn 100 doanh nghiệp khác chiếm 75% thị phần. Để giữ và tăng thị phần không dễ nếu không có kế hoạch lớn như trên, đó là chưa kể ý nghĩa xã hội của chiến lược khi làm lợi cho người nông dân vốn luôn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp là một bước đi dài hơi, cần một lộ trình 5 - 7 năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cũng không thể ở mức rất cao như 2 - 3 năm gần đây AGPPS đạt được. Bên cạnh đó, để duy trì sự ổn định cần thiết nhằm thực hiện được chiến lược trên, Ban lãnh đạo AGPPS đã không hiện thực hóa lời hứa niêm yết cổ phiếu chậm nhất vào năm 2012. Các quỹ đầu tư tài chính vào doanh nghiệp thì không có thời gian để chờ đợi, họ cần một chiếc xe chạy thật nhanh, hết tốc lực để sớm về đích trong thời gian ngắn nhất, sau đó chiếc xe có vận hành tốt nữa hay không, đó không phải là câu chuyện quan trọng. Yêu cầu DN sớm lên sàn, niêm yết cổ phiếu có lẽ là một trong những cách để làm tăng giá trị cổ phiếu nhanh nhất và thoái vốn dễ nhất. Mâu thuẫn phát sinh từ đây. Những cổ đông lớn, những tiếng nói lớn, nhưng tấm lòng không lớn nên không thể hòa hợp với nhau.

Tìm một lối ra

Trước thềm ĐHCĐ lần 2, nhóm cổ đông lớn yêu cầu AGPPS phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2012 từ bằng so với năm 2011 (dự kiến của HĐQT) lên tăng ít nhất 30%. Tuy nhiên, đề nghị không được Ban lãnh đạo Công ty chấp thuận. “Làm như thế có thể dẫn đến những chính sách tiêu cực, ảnh hưởng đến việc phát triển dài hạn, trong vấn đề giá mua vào và giá bán ra”, ông Ngô Viết Sơn, đại diện SCIC phát biểu tại ĐHCĐ.

Sau lần ĐHCĐ thứ hai thất bại hồi cuối tháng 5, Công ty và các nhóm cổ đông lớn chưa gặp lại nhau. Tuy nhiên, do ý nghĩa đặc biệt của một doanh nghiệp đang gắn với mô hình kinh doanh mang nhiều ý nghĩa xã hội, mới đây Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với tỉnh An Giang về vấn đề này. Kết luận sau buổi làm việc sẽ sớm được công bố.

Một điều dễ nhận thấy là trước thềm Đại hội bất thường, Ban lãnh đạo AGPPS và nhóm cổ đông lớn sẽ phải có thỏa thuận. Một sự đối đầu sẽ chẳng đem lại lợi ích nào cho cả hai bên. Tuy nhiên, một thông điệp đã được chính quyền địa phương đưa ra: AGPPS sẽ có những điều kiện để có thể tiếp nối các hoạt động mà lâu nay Công ty đã gây dựng bằng lòng tin của nông dân, cũng như lòng tin của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôn ngữ của thương trường là các quy định của luật pháp và hợp đồng, song lợi ích của số đông, nhất là những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” phải được tôn trọng hàng đầu.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SDB: Giải trình chênh lệch KQKD QII/2012 (31/07/2012)

>   PGBank: 6 tháng đầu năm nợ xấu tăng lên 3% (31/07/2012)

>   EIB: Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2012 (31/07/2012)

>   Sacombank trước 5 thách thức (31/07/2012)

>   Ngân hàng của bầu Hiển 'giải cứu' Công ty Bình An (31/07/2012)

>   ASA: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (30/07/2012)

>   BCC: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (30/07/2012)

>   BBS: Báo cáo tài chính quý 2 năm 2012 (30/07/2012)

>   VT1: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2012 (30/07/2012)

>   ACE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (30/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật