Mỹ có nên sợ nhân dân tệ?
Có 3 nhân tố lý giải cho mức thặng dư của Trung Quốc đó là: sức mua của Mỹ tăng đã khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu tăng lên; sự phát triển và bành trướng của mạng lưới sản xuất tại khu vực Đông Á mà tập trung là tại Trung Quốc và cuối cùng là tác dụng của lượng dự trữ khổng lồ của Trung Quốc.
Cuộc bầu cử TTh Mỹ đang đến gần và một trong những chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các ứng cử viên là quan hệ thương mại Mỹ - Trung với khoản thâm hụt cán cân thương mại đã lên tới 295 tỷ USD vào năm ngoái. Hơn lúc nào hết Mỹ đang cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và đòi hỏi nước này phải định giá lại đồng NDT. Những cáo buộc đó liệu có phải hoàn toàn là sự thật?
Bài viết của cựu Giám đốc WB tại Trung Quốc, đề cập tới việc tại sao Mỹ nên bỏ qua vấn đề thao túng tiền tệ của Trung Quốc.
Quan điểm của Mỹ
Dưới góc nhìn của Trung Quốc, những phàn nàn của nhiều nước về giá trị quá thấp của đồng NDT có gì đó thiếu logic. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm từ 10% GDP 5 năm trước xuống còn 3% vào năm ngoái. Hơn nữa, Bắc Kinh cảm thấy khó hiểu tại sao năm 2005, các chuyên gia kinh tế quốc tế đã đánh giá đồng NDT có phản ánh được 40% giá trị thực của nó nhưng nay lại cho rằng đồng tiền này được định giá thấp hơn và chỉ phản ánh 20% giá trị thực như thể không có chuyện gì xảy ra trong suốt 7 năm qua.
Một trong những lý do khác khiến Mỹ lên án Trung Quốc gay gắt về vấn đề tiền tệ lại sự mất cân bằng lớn trong trao đổi thương mại giữa hai nước. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho rằng Mỹ đã có cách tiếp cận tương tự về đồng NDT như đối với đồng Yen hơn 10 năm về trước khi Nhật Bản nổi lên thành một thế lực kinh tế mới và liên tục có thặng dư thương mại với Mỹ. Sau đó, Nhật đã phải định giá lại đồng tiền từ tỷ lệ 240 Yen ăn 1 USD lên 80-1 theo một thỏa thuận vào năm 1985 song nước này vẫn duy trì được mức thặng dư cho tới tận cuộc thảm họa hạt nhân gần đây. Điều đó khiến Bắc Kinh lập luận rằng vấn đề tỷ giá hối đoái không chiếm vai trò quan trọng trong việc cân bằng cán cân thương mại.
Thực tế là thặng dư của Trung Quốc không là nguyên nhân dẫn tới mức thâm hụt của Mỹ. Bằng chứng là thâm hụt thương mại của Mỹ bắt đầu tăng nhanh vào giai đoạn 1998 và đạt đỉnh vào năm 2005. Điều này phản ánh sự lên xuống của dòng chảy thương mại toàn cầu hơn là mối liên hệ thương mại của hai quốc gia. Sự thao túng giá trị đồng NDT không có ảnh hưởng nhiều tới thặng dư thương mại của nền kinh tế thứ hai thế giới bởi đồng NDT đã được ghim chặt vào đồng đô la từ năm 2005 và chỉ khi mà đồng NDT được định giá cao thì thặng dư của Trung Quốc mới bắt đầu tăng mạnh.
Một số người lập luận rằng Trung Quốc đã miễn cưỡng cho phép đồng NDT được tăng giá sau khi thặng dư thương mại tăng nhanh sau năm 2005. Tuy nhiên, việc tăng giá đồng tiền này đã không cải thiện được nhiều những thâm hụt mà Mỹ phải chịu mà chỉ chuyển mức thặng dư từ Trung Quốc sang một số quốc gia châu Á khác.
Đâu là nguyên nhân thực sự?
Yếu tố chi phối đằng sau sự thâm hụt của Mỹ và thặng dư của Trung Quốc không phải là vấn đề tỷ giá mà là những nhân tố thuộc về cơ cấu được hình thành từ nhiều năm qua. Có 3 nhân tố lý giải cho mức thặng dư của Trung Quốc đó là: sức mua của Mỹ tăng đã khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu tăng lên; sự phát triển và bành trướng của mạng lưới sản xuất tại khu vực Đông Á mà tập trung là tại Trung Quốc và cuối cùng là tác dụng của lượng dự trữ khổng lồ của Trung Quốc.
Mạng lưới sản xuất của châu Á bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong cán cân thương mại toàn cầu từ giữa những năm 2000 nhưng thực ra đã bắt đầu sớm hơn cả thập kỷ trước, khi Nhật Bản chuyển một phần hoạt động sản xuất sang khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc chỉ thực sự nắm giữ vai trò công xưởng thế giới từ khi gia nhập vào WTO năm 2001, giúp nước này tiếp cận dễ hơn với thị trường châu Âu. Điều này lại được hỗ trợ bởi một loạt chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường.
Dù mức lương thực tế hàng năm gia tăng đáng kể với tốc độ trung bình 12%, nhưng năng suất lao động của Trung Quốc lại tăng với tốc độ cao hơn, từ 15%-20%, khiến các tập đoàn đa quốc gia thu lợi khi khai thác Trung Quốc như một đại công xưởng của thế giới. Vì thế, cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mang tính chất khu vực hơn là vấn đề quan hệ thương mại song phương. Sản phẩm gia công xuất khẩu chiếm khoảng một nửa giá trị thương mại của Trung Quốc và đó là nguồn chính để tạo ra thặng dư. Rất nhiều trong số các sản phẩm đó là do các tập đoàn của Mỹ, như Wal-Mart hay điển hình là Apple với các iPads, iPhone được xuất trở lại Mỹ. Giá trị thương mại của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu các thành phẩm công nghệ cao được sản xuất ở nơi khác và đem tới Trung Quốc để lắp ráp và xuất trở về châu Âu hay Mỹ. Thống kê cho biết 8% giá trị gia tăng của các thành phẩm này được tạo ra từ nơi khác và Trung Quốc chỉ đóng góp các thành phẩm dạng giản đơn và sức lao động rẻ.
200 tỷ là tổng giá trị thặng dư thương mại mà Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đạt được trong trao đổi mậu dịch gia công với Trung Quốc, đây là một sự nhảy vọt so với con số 30 tỷ USD của 10 năm trước đó. Khi Tổng thống Obama đón người đồng cấp Hàn Quốc tại Washington năm ngoái, ông hài lòng về sự cân đối trong trao đổi thương mại giữa hai nước. Nhưng lại quên không "chúc mừng" Hàn Quốc đã tránh được những chỉ trích từ dư luận Mỹ khi đã khéo léo dấu đi mức thặng dư thương mại với nền kinh tế số 1 thế giới đằng sau những giao dịch với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia về kế toán, mức cân bằng trao đổi thương mại của một nền kinh tế là do chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế đó. Do vậy, ảnh hưởng lớn nhất đối với cân bằng cán cân thương mại chính là sự gia tăng của mức tiết kiệm và điều đó lý giải cho mức thặng dư khổng lồ mà nước này có được trong giai đoạn 2005-2008.
Rất nhiều nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình của Trung Quốc tăng mạnh là nhờ yếu tố dân số và sự gia tăng thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa chóng mặt của Trung Quốc và sự di chuyển của 250 triệu lao động tới các thành phố duyên hải để làm việc trong các khu công nghiệp đã làm thay đổi bản đồ tiết kiệm nước này. Những chính sách quản lý hộ khẩu chặt chẽ của chính quyền đã không cho phép họ có quyền cư trú đầy đủ và do đó đã kiềm chế sức chi tiêu của đội ngũ lao động xa nhà. Thống kê cho biết tỷ lệ tiết kiệm của lực lượng này cao gấp đôi so với những người dân bình thường khác. Và khi mức lương cơ bản của họ tăng đã kéo theo sự tăng vọt của lượng tiền tiết kiệm trong dân chúng và giúp Trung Quốc gia tăng được mức thặng dư thương mại.
Mức thặng dư này chỉ suy giảm khi chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc sau năm 2008 đã khuyến khích mạnh hoạt động đầu tư. Nhưng làn sóng kích thích đầu tư không được duy trì ổn định và do vậy tiêu dùng nội địa vẫn cần phải mạnh hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP. Trong hai năm trở lại đây, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đã bắt đầu tăng khi thu nhập ở khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị. Điều đó khiến tạo ra sự đảo chiều trong tiêu dùng giữa hai khu vực này, nhất là khi các lao động có xu hướng di chuyển vào sâu trong nội địa, nơi có nhiều cơ hội việc làm hơn và chi phí sinh hoạt lại thấp hơn.
Việc gia tăng tiêu dùng sẽ làm thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ giảm xuống trong những năm tới. Thị trường tài chính hiện nay quá để ý tới tỷ giá hối đoái của đồng NDT khi phân tích tăng trưởng và triển vọng thương mại của nước này mà quên đi các yếu tố thuộc về cơ cấu kể trên. Chính những nhân tố đó làm mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và tạo ra những tranh cãi chính trị giữa hai nước.
A Vũ (Theo FT)
diễn đàn kinh tế việt nam
|