Thứ Sáu, 27/07/2012 10:09

Làm sổ đỏ: Chủ đầu tư sốt sắng, dân nghi ngờ

Xưa nay, người dân sốt sắng, thúc giục thậm chí lạy lục chủ đầu tư sớm hoàn thiện công trình, bàn giao nhà và làm làm sổ đỏ. Nhưng nay lại có chuyện ngược đời, khi nhiều chủ đầu tư nhiệt tình mời mọc, đôn đốc, các cư dân làm sổ đỏ khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ. Vì đơn giản, chủ đầu tư BĐS chỉ có tìm cách làm khó, moi tiền người dân chứ mấy khi có ý tốt với dân.

Rỗi rãi, quay sang làm sổ đỏ?

Cư dân tại Khu đô thị Đại Kim - Định Công (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh, khu đô thị được xây dựng từ hơn chục năm nay, nhưng trong thời gian dài chủ đầu tư gần như không quan tâm, đả động đến vấn đề cấp sổ đỏ cho dân. Không ít trường hợp vì cần kíp, phải tự chạy vạy nhờ cậy chủ đầu tư để làm sổ đỏ với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng.

Nhưng bất ngờ là đầu tháng 6 vừa qua, nhiều hộ dân nhất loạt được gửi thông báo đến tận nhà mang nội dung, công ty (chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) sẽ chính thức làm sổ đỏ cho bà con; mời các hộ chuẩn bị 14 loại giấy tờ có liên quan đến làm sổ đỏ.

Anh Mạnh Hùng - chủ một căn liền kề tại đây cho hay, sau thông tin đáng mừng như "từ trên trời rơi xuống" của chủ đầu tư, nhiều hộ gia đình lại nảy sinh băn khoăn, hồ nghi căn nguyên của sự nhiệt tình đột xuất nói trên. Tìm gặp phía công ty thì chỉ nhận được câu trả lời nôm na: "hiện có chủ trương và thời điểm thuận lợi nên chủ đầu tư có thời gian tranh thủ làm cho dân".

Một nguyên nhân khác nữa, theo liên hệ của anh Hùng, đó là khả năng xuất phát từ lợi ích mà chủ đầu tư được hưởng trong giai đoạn ưu đãi giãn thuế, giãn nộp tiền sử dụng đất cho các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn theo Nghị quyết 13 của Chính phủ.

Chị Mai Loan - chủ một căn liền kề tại Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) cũng không ngừng tự hỏi khi chủ đầu tư tự nhiên "tốt đột xuất" qua việc giục giã các hộ hoàn tất 5% tiền thuế đất, hoàn thiện thủ tục giấy tờ để được cấp sổ đỏ.

Số là đáng lẽ căn nhà của chị phải được cấp sổ đỏ từ lâu. Liền kề Văn Khê do công ty xây dựng của chủ đầu tư xây thô cùng đợt đã được cấp sổ đỏ từ 1,5 năm trước. Trong khi những căn liền kề do các công ty liên kết và người dân tự xây, mặc dù phía chủ đầu tư đã thu giấy tờ từ trước Tết mà đến giờ vẫn chưa thấy xử lý.

"Làm sổ đỏ cho người dân chắc chắn sẽ tạo thanh khoản chung cho bất động sản. Tuy nhiên động lực để chủ đầu tư làm nhanh sổ đỏ cho khách hàng, khác hẳn thái độ hờ hững né tránh trước đây mới là chuyện lạ" - chị Loan thắc mắc.

Chính quyền vào cuộc

Lý giải hiện tượng này, một sàn kinh doanh BĐS tại Hà Đông cho rằng, thời buổi khó khăn của kinh tế cũng như thị trường nhà đất hiện nay, việc chủ đầu tư "đánh" vào việc làm sổ đỏ cho dân ngay khi nhận đất hay căn hộ, góp phần nâng tầm uy tín của chủ đầu tư.

"Dân mua nhà lo lắng thứ nhất là hạn nhận bàn giao nhà và thứ hai là thời điểm nhận sổ đỏ. Việc bàn giao nhà mà không có sổ đỏ thì rủi ro ở chỗ, nhỡ chủ đầu tư phá sản thì hiệu lực chủ quyền của người mua không được thực hiện. Trước kia thị trường đang lên, chỉ cần có hàng ra, không cần uy tín, chủ đầu tư vẫn bán được hàng. Còn giờ đây, uy tín là cái phải được nâng lên hàng đầu" - vị này nói.

Theo những người chuyên môn trong lĩnh vực làm sổ đỏ, sở dĩ trước đây chủ đầu tư dây dưa, chậm chạp trong vấn đề này một phần do thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng của dự án chưa xong hoặc chủ đầu tư còn mải mê bán hàng. Về chủ quan, đây là lỗi của chủ đầu tư cũng chính là việc gây khó dễ cho người dân. Bây giờ cơ chế thoáng hơn và dự án đã hoàn thiện, lại trong cảnh thị trường eo xèo, chủ đầu tư phải sốt sắng làm cho dân để thu tiền về.

Đại diện một văn phòng luật sư có trụ sở tại đường Đê La Thành, quận Đống Đa mô tả, thông thường để làm sổ đỏ cho cư dân, chủ đầu tư phải liên hệ, làm thủ tục với UBND các quận huyện. Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, người làm thủ tục xin cấp sổ đỏ phải nộp thuế trước bạ 0,5% và lệ phí cấp sổ dao động từ 120.000-530.000 đồng. Hoàn tất các thủ tục và lệ phí nên trên, thời điểm ra sổ rất nhanh, chỉ chậm nhất 30-40 ngày tùy từng quận huyện.

Chưa thấy liên hệ từ việc Nhà nước vừa qua gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư khó khăn về tài chính với việc đẩy nhanh làm sổ đỏ của các chủ đầu tư như suy luận của một số người. Bởi lẽ, các dự án được cấp sổ đỏ thì đều là những dự án đã đưa vào bàn giao sử dụng, đã hoàn thành xong nghĩa vụ nộp thuế.

Ngược lại, những dự án trong diện được chậm nộp thuế thì đa số là dự án lớn, đang triển khai, còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc giãn thuế chỉ giúp các chủ đầu tư này đỡ khó khăn, áp lực tài chính trong hiện tại khi nộp thuế đất chậm mà không bị tính tiền lãi hay tiền phạt theo quy định.

Giữa bối cảnh đó, một động thái rõ ràng hiện nay là nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đốc thúc tiến độ cấp sổ đỏ cho dân của chính quyền và các cấp quản lý của Hà Nội, để cơ bản hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội khóa XII.

Trong một văn bản mới đây, UBND TP vừa yêu cầu các quận, huyện xác định rõ tồn đọng và đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) của hộ gia đình, cá nhân.

Cụ thể, các quận, huyện, thị xã phải rà soát, thống kê, phận loại các trường hợp chưa cấp, xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, có biện pháp tháo gỡ các trường hợp thuộc thẩm quyền và đề xuất xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền. Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm giao chỉ tiêu xét duyệt, thông qua hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho từng xã, phường, thị trấn trong các tháng còn lại của năm 2012 và 2013. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn chậm cấp giấy chứng nhận.

Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn hướng dẫn hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận nhà đất tại các dự án bất động sản. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2011, công tác cấp giấy chứng nhận đối với đất ở đô thị của cả nước chỉ mới đạt 63,5%, mới có 15 tỉnh hoàn thành trên 90%, còn 13 tỉnh đạt dưới 50%. Đặc biệt khu vực mới phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có tỷ lệ cấp đạt 19,3% tổng số căn hộ được duyệt. Hà Nội chỉ đạt 9,3%, Tp.HCM đạt 30%.

Theo hướng dẫn của Bộ, đối với các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu đang có vướng mắc, vi phạm thì cơ quan chức năng địa phương phải kiểm tra, thanh tra, xử lý, giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Dự án phát triển nhà ở mà chủ đầu tư chưa nộp xong tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất trước khi cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở. Trong trường hợp vướng mắc, vi phạm pháp luật không do lỗi của người mua nhà ở thì phải bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà ở đó.

Thành Dũng

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   'Chây ỳ' giao đất, Quốc Cường Gia Lai bị kiện (27/07/2012)

>   Ngân hàng đổ vốn cho BĐS: Cứu người để cứu mình (26/07/2012)

>   Bất động sản: Vì sao "mỡ treo" "mèo" chưa ngó? (26/07/2012)

>   Choáng với mức giá “ảo” nhà mặt phố Hà Nội (26/07/2012)

>   Kích cầu bất động sản bắt đầu “ngấm” (26/07/2012)

>   BĐS và cái giá của hội chứng đám đông (25/07/2012)

>   Bất động sản giá rẻ rục rịch bung hàng (25/07/2012)

>   Bất động sản quốc lộ 32: Con đường mất giá (25/07/2012)

>   Doanh nghiệp bất động sản bao giờ “thoát hiểm”? (25/07/2012)

>   Đầu tư sân bay quốc tế: Bỏ ra ngàn tỉ thu về chẳng bao nhiêu (25/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật