Không được mang vàng miếng khi xuất nhập cảnh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn việc mang vàng của cá nhân khi xuất nhập cảnh. Dự thảo này có nhiều điểm thay đổi so với quy định hiện hành.
Theo đó, các đối tượng là cá nhân cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Chỉ được mang theo vàng trang sức đeo trên người, nếu quá 300 gram thì phải khai báo với Hải quan và nộp thuế theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đối với trường hợp xuất, nhập cảnh trong trường hợp định cư. Cá nhân nước ngoài được phép được phép định cư ở Việt Nam không được phép mang theo vàng miếng khi nhập cảnh. Chỉ được phép mang theo vàng nguyên liệu, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300 g (ba trăm gram) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan và phải nộp thuế theo quy định hiện hành của pháp luật.
Trong trường hợp cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 01kg (Một kilôgam) trở lên phải có Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú cấp, đồng thời phải khai báo với cơ quan Hải quan và nộp thuế theo quy định pháp luật.
So với Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN ngày 12/9/2001 của Thống đốc NHNN (Quyết định 1165), dự thảo Thông tư này có sự điều chỉnh, trong đó có quy định giảm mức mang vàng cá nhân Việt Nam đi định cư ở nước ngoài cần xin phép NHNN Chi nhánh từ 3Kg xuống 1Kg so với quy định trước đây. Mức giảm này tương ứng với mức giảm ngoại tệ mặt của cá nhân xuất, nhập cảnh cần khai báo Hải quan theo quy định mới tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN (giảm từ 7.000 USD xuống 5.000USD so với quy định trước đây).
|
Các nội dung thay đổi chính của dự thảo thông tư hướng dẫn việc cá nhân mang vàng xuất, nhập cảnh.
|
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, vàng miếng không được mang khi xuất nhập cảnh là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác. Ngoài ra, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác, hay loại đã đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí mỹ thuật, như các loại: khung ảnh, tượng và các loại khác.
Cũng theo NHNN, hiện nay, việc cá nhân mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh đang được điều chỉnh bởi Quyết định số 1165. Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành văn bản mới thay thế Quyết định 1165 là cần thiết, bởi hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan ra đời từ những năm 1998, 1999 nay đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi: Luật NHNN năm 2010, Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005, Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối và Nghị định 24.
Trong khi đó, Nghị định 24 thể hiện thay đổi lớn trong định hướng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có khẳng định, "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".
Ngoài ra, theo Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 hướng dẫn thi hành Nghị định 24, sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư 16 có hiệu lực thi hành, việc mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại các TCTD và doanh nghiệp được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Do vậy, cần có thay đổi trong việc cho phép cá nhân đem vàng khi xuất nhập cảnh để thực hiện chủ trương kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động liên quan đến vàng miếng và vàng nguyên liệu.
Đinh Bách
Vnmedia
|