Khép, mở quanh việc Mekophar quyết rời sàn
Hôm nay (11/7), là ngày giao dịch cuối cùng của hơn 10 triệu cổ phiếu MKP. Ngày mai, MKP sẽ rời sàn, chính thức khép lại những ồn ã, tranh luận về MKP hơn một năm qua.
Toại nguyện
Hôm nay (11/7), là ngày giao dịch cuối cùng của hơn 10 triệu cổ phiếu MKP. Ngày mai, MKP sẽ rời sàn, chính thức khép lại những ồn ã, tranh luận về MKP hơn một năm qua. Đây có lẽ cũng là trường hợp hủy niêm yết cá biệt, khi MKP rời sàn giữa lúc kinh doanh tăng trưởng và cổ phiếu MKP có giá tương đối cao (45.000 đồng/cp, ngày 9/7).
Thực tế, chuyện MKP muốn rời sàn đã xuất hiện từ hơn 1 năm trước. Đó là khi lãnh đạo MKP tiến hành đăng ký lại giấy phép kinh doanh và không được chấp thuận cho “bán buôn bán lẻ” dược phẩm, vì MKP là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm 4,7% vốn.
Khi đó, bà Huỳnh Thị Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MKP đã thực sự lo âu, vì không được phân phối thuốc đồng nghĩa với việc sản xuất, kinh doanh của Mekophar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do không được xét công nhận thực hành tốt nhà thuốc, thực hành tốt phân phối thuốc...
Cầu cứu khắp nơi không được, một đại hội cổ đông bất thường được tiến hành ngay giữa năm 2011. Có tới 99% cổ đông đồng ý với giải pháp xin khóa room ngoại và hủy niêm yết để giải quyết vướng mắc này. Tháng 8/2011, MKP đã đưa được room ngoại về 0%.
Tuy nhiên, để hủy niêm yết, theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), MKP phải mua 30% vốn làm cổ phiếu quỹ để đảm bảo quyền thoái vốn của cổ đông. Từ ngày 17/5 đến ngày 18/6/2012, MKP chào mua công khai 2,87 triệu cổ phiếu, tương đương 28,4% vốn ở MKP với giá 49.000 đồng/cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Theo dự tính, số cổ phiếu quỹ gom trong lần mua này cộng với số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó sẽ đủ tỷ lệ 30%, đủ điều kiện để MKP rời sàn. Thế nhưng, hết thời hạn đăng ký, MKP chỉ mua được hơn 109.400 cổ phiếu, do không cổ đông nào chịu bán.
Dù MKP không mua được số cổ phiếu quỹ như yêu cầu, nhưng HOSE vẫn cho phép MKP được rút niêm yết, bởi như phía doanh nghiệp chia sẻ, MKP đã làm đúng yêu cầu về đảm bảo quyền cổ đông. Việc cổ đông không bán cổ phiếu là lựa chọn của cổ đông, chứ không phải lỗi ở doanh nghiệp.
Câu hỏi hậu hủy niêm yết
Sau ngày 12/7, cổ phiếu MKP sẽ không còn được giao dịch trên sàn HOSE. Thanh khoản cổ phiếu MKP vốn chỉ vài ngàn cổ phiếu/phiên, sau hủy niêm yết sẽ càng yếu hơn. Tuy nhiên, có vẻ cổ đông chấp nhận tình cảnh này, như khi họ chấp nhận giữ cổ phiếu không chịu bán ra, dù MKP đã chào mua với giá cao hơn giá thị trường. Chỉ riêng động thái này của cổ đông cũng gợi ra không ít thắc mắc.
Thực ra, MKP có thể giúp cổ đông giao dịch cổ phiếu được thuận lợi hơn, nếu chuyển sang sàn UpCoM. Tuy nhiên, đại diện MKP cho biết, Công ty chưa nghĩ đến phương án này.
Có thể MKP có lý do riêng, chẳng hạn như cần “đóng cửa” để ngăn sự xâm lấn của nhà đầu tư ngoại. Nhưng ngay cả khi như vậy, ở phương diện là công ty đại chúng - MKP cũng không thể ngăn cản các giao dịch giữa các nhà đầu tư. Họ có thể chọn đối tác chuyển nhượng là trong nước hoặc nước ngoài. Rõ ràng, giải pháp rời sàn của MKP không thể giúp MKP triệt để tái cơ cấu vốn.
Trong khi đó, mới đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì khảo sát, đánh giá các cam kết bảo lưu với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở nội dung không mở cửa dịch vụ phân phối dược phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài, và đề xuất hướng xử lý. Như vậy, vướng mắc của MKP nói riêng và của 21 doanh nghiệp dược trên sàn nói chung không phải là bế tắc. Vậy nhưng, MKP vẫn quyết chí rời sàn.
Một số nhà đầu tư tin rằng, có ẩn tình trong câu chuyện rời sàn ở MKP. Giả thiết được nghiêng về khả năng, MKP muốn thoát khỏi sự nhìn ngó của thị trường, để toan tính những đường hướng phát triển mới. Phải chăng vì nhìn thấy phần nào nước cờ đó, cổ đông cũng không muốn trở thành người ngoài cuộc?
Ngọc Thùy
ĐẦU TƯ
|