Thứ Hai, 09/07/2012 16:46

Hơn 23.000 tỷ đồng trả cổ tức trong 6 tháng

23.162 tỷ đồng đã được các DN chốt chi trả cổ tức trong hơn 6 tháng đầu năm với tỷ lệ chia cổ tức bình quân trên vốn điều lệ là 11,23%.

Trong bối cảnh gần 70% số DN trên cả nước bị thua lỗ trong quý I/2012, mức chia cổ tức ấn tượng của DN niêm yết đã thổi một luồng gió tích cực vào niềm tin của thị trường, công chúng đầu tư.

Mức chia cổ tức vẫn ấn tượng

Thiếu thanh khoản, khó khăn, thua lỗ… đó là những gì công chúng đầu tư đã và đang cảm nhận về nền kinh tế của Việt Nam nói chung, DN niêm yết nói riêng. TTCK vẫn được đánh đồng với thị trường niêm yết cổ phiếu của các DN ngành bất động sản, tài chính, chứng khoán, ngân hàng. Đó là lý do khiến NĐT có cái nhìn khá bi quan về TTCK khi các DN ngành bất động sản, chứng khoán trở nên khó khăn.

Nhưng số liệu thống kê gần 500 lượt DN niêm yết chốt danh sách chia cổ tức bằng tiền trong khoảng thời gian từ 1/1/2012 tới nay lại cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn rất nhiều so với những gì thị trường quan ngại trước đó. Tổng số tiền chia cổ tức tạm tính trong 6 tháng đầu năm đã lên tới hơn 23.000 tỷ đồng. Nhiều DN trong số này đã chia cổ tức tới lần thứ 3 cho năm tài chính 2011, với tổng mức chi trả cổ tức lên tới 40 - 50% vốn điều lệ như: TRC (50%), MEF (40%), CNG (60%), CAP (52%) …

Đóng góp lớn nhất cho con số cổ tức bằng tiền mặt ấn tượng này chính là các ngân hàng thương mại. Trong đó, ACB chia cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền, giá trị lên tới hơn 1.875 tỷ đồng; VCB chia cổ tức tỷ lệ 12%, tổng giá trị hơn 2.780 tỷ đồng; EIB trả cổ tức 19,3%, giá trị hơn 2.384 tỷ đồng. Ngoài ra, phải kể đến các DN lớn như GAS với khoản trả cổ tức trị giá 2.274 tỷ đồng…

Thống kê dữ liệu các DN thực hiện chia cổ tức từ đầu năm đến nay, một lần nữa cho thấy thực trạng khó khăn tài chính của nhóm DN ngành bất động sản, DN ngành cà phê, thủy sản. Các DN thuộc nhóm ngành này hầu như không chia cổ tức bằng tiền hoặc giữ tỷ lệ cổ tức rất thấp. Đối với các DN trong nhóm trên, việc chia cổ tức thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2012 chủ yếu là chia cổ phiếu, cách chia cổ tức không xuất phát dòng tiền ra. Trong khi đó, giống như nhóm ngân hàng, nhóm DN ngành cao su, nông nghiệp, lương thực – thực phẩm… tiếp tục duy trì mức chia cổ tức ổn định.

Xét trong bối cảnh có tới gần 70% các DN trên toàn quốc bị lỗ trong quý I/2012, với tình trạng thiếu vốn, đình trệ sản xuất ở nhiều nơi, thì sự cố gắng của các DN niêm yết là điều đáng ghi nhận. Đây có thể được coi là thành quả của quá trình tăng năng lực tài chính do huy động vốn được từ các giai đoạn trước và việc minh bạch hóa trong quản trị, điều hành DN.

Vẫn còn nhiều e ngại

Đầu tư vào TTCK để hy vọng kiếm lời là điều đương nhiên, nên khi dòng tiền chi trả cổ tức của các DN lớn sẽ là tín hiệu tốt để thu hút NĐT tới thị trường. Với bối cảnh nền kinh tế hiện tại, những nỗ lực của các DN niêm yết trong việc thu xếp dòng tiền chi trả cổ tức, nhằm thực hiện quyền lợi chính đáng của cổ đông trong 6 tháng qua đã góp phần rất lớn trong việc củng cố niềm tin của NĐT đối với DN, với TTCK. Đặt trong bối cảnh hiện tại, khi việc huy động vốn trên TTCK trong thời gian qua rất khó khăn, nhưng lại phải dành khoản tiền khá lớn để chi trả cổ tức, thì rõ ràng, DN niêm yết đã không được hưởng lợi từ thị trường ở phương diện này.

Theo số liệu thống kê của UBCK, 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng chứng khoán chào bán ra công chúng được cơ quan này cấp phép chỉ tương đương giá trị hơn 5.468 tỷ đồng. Giả định, mức độ thành công của các đợt chào bán này là 100%, thì con số này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với tổng số tiền mà các DN niêm yết chi ra trên thị trường, và càng nhỏ hơn so với nhu cầu vốn của các DN niêm yết.

Thêm vào đó, nhiều DN niêm yết dù đã chốt kế hoạch trả cổ tức bằng tiền, nhưng lại quá khó khăn trong việc thu xếp tiền mặt cho thấy tình trạng một số DN chạy đua với việc trả cổ tức bằng mọi giá. Hiếm có năm nào mà số lượng DN xin thay đổi thời gian chi trả cổ tức lại tăng cao như nửa đầu năm nay, khi có tới gần 20 DN xin lùi thời gian chi trả cổ tức. Thậm chí, theo ghi nhận của ĐTCK, một DN ngành may mặc từ cuối năm 2011 tới nay liên tục phải đối diện với tình trạng hàng tồn kho tăng cao, không có khả năng thanh toán các khoản lãi vay và nợ đến hạn… nhưng vẫn cố gắng chi trả cổ tức tỷ lệ 6%/năm, do kế hoạch này đã được đại hội đồng cổ đông thông qua từ trước. Một trường hợp khác là DN ngành bất động sản, tiền mặt không sẵn sàng, nguồn thu tiền khó khăn nhưng vẫn chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền nên đã đẩy Công ty vào tình huống chạy vạy thanh khoản.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TBT: Dời ngày trả cổ tức 2011 thêm 3 tháng (10/07/2012)

>   DL1: 12/07 GDKHQ nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:2 (06/07/2012)

>   JVC đã phát hành hơn 3.2 triệu cp trả cổ tức 2011 (06/07/2012)

>   CMV: Tạm hoãn trả cổ tức 15% do vướng thủ tục (06/07/2012)

>   APP: Tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 tỷ lệ 5% tiền mặt (06/07/2012)

>   ALV: 10/07 GDKHQ nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu (06/07/2012)

>   SMA trả 5% cổ tức đợt 3/2010 và 14% cổ tức 2011 (05/07/2012)

>   Nhầm lẫn lạ ở APP: Thiệt hại lớn (05/07/2012)

>   BSC: 11/07 GDKHQ nhận 3% cổ tức đợt 3/2011 bằng tiền (05/07/2012)

>   DC2: 16/07 GDKHQ nhận 15% cổ tức 2011 bằng tiền (05/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật