Đủ cơ sở thu đất “vàng” của Vietcombank
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, khẳng định có đủ cơ sở để thu hồi hơn 5.000 m2 đất của Vietcombank do để hoang hóa quá 12 tháng.
Danh sách kiểm kê mới nhất về các khu đất “vàng” để hoang hóa của UBND TP Hà Nội đã nêu đích danh Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) với mảnh đất rộng hơn 5.000 m2 được quây tôn “trồng cỏ” tại khu đô thị mới Cầu Giấy, từ năm 2008.
Mua hơn 265 tỉ đồng rồi bỏ hoang
Mới đây, trong văn bản chỉ đạo các sở - ngành chức năng, UBND TP Hà Nội khẳng định lô đất rộng hơn 5.000 m2 tại khu đô thị mới Cầu Giấy của Vietcombank được quây tôn để hoang hóa từ năm 2008 là vi phạm khoản 12, điều 38 của Luật Đất đai. UBND TP Hà Nội đề nghị UBND quận Cầu Giấy rà soát quy chế đấu giá và biên bản bàn giao đất tại thực địa đối với đơn vị trúng đấu giá để lập hồ sơ thu hồi theo quy định.
Lô đất “vàng” hơn 5.000 m2 của Vietcombank
Điều đáng nói là lô đất này nằm ở vị trí đắt địa tại khu đô thị mới Cầu Giấy với 4 mặt đường, trong đó có một mặt là đường Trần Thái Tông - trục đường lớn nhất khu đô thị. Theo tài liệu phóng viên Báo Người Lao Động thu thập được, thời điểm tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối năm 2008, lô đất có mật độ xây dựng 54%, tầng cao trung bình cho phép là 15, chức năng sử dụng là “thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc”.
Theo quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa ký, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 52,5 triệu đồng/m2, gấp 3,5 lần giá sàn (15 triệu đồng/m2). Để trở thành chủ của lô đất này, Vietcombank đã bỏ ra hơn 265 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều 19 của quy chế đấu giá quyền sử dụng đất nêu rõ: “Nhà đầu tư trúng đấu giá đã được bàn giao đất mà trong thời hạn 12 tháng không tiến hành xây dựng theo quy định thì bị thu hồi để đấu giá lại. Trong trường hợp này, nhà đầu tư được hoàn số tiền đã nộp và không được tính lãi, trượt giá, đồng thời bị phạt tiền (bằng số tiền bảo lãnh dự đấu giá) sung vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nhà đầu tư còn phải hoàn trả mặt bằng nguyên trạng như khi nhận bàn giao đất trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền”.
Hà Nội toàn quyền quyết định
GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng UBND TP Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để thu hồi diện tích đất trên của Vietcombank do chủ đầu tư vi phạm khoản 12, điều 38 của Luật Đất đai. Theo ông Võ, việc thu hồi đất hiện chưa có quy trình cụ thể mà sẽ do UBND TP Hà Nội chủ động thực hiện theo luật định, với mục tiêu cuối cùng là thu hồi được diện tích đất để hoang phí nhiều năm. “Các diện tích đất qua đấu giá quyền sử dụng về bản chất cũng là một hình thức giao đất nên không có nghĩa là bất khả xâm phạm” - ông Võ khẳng định.
Phó chủ tịch UBND một quận nội thành Hà Nội cũng cho rằng dựa vào quy chế đấu giá và pháp luật hiện hành, hoàn toàn đủ cơ sở để thu hồi khu đất hơn 5.000 m2 của Vietcombank. Vì lô đất đã được cấp sổ đỏ nên cơ quan chức năng sẽ phải làm thủ tục thu hồi sổ đỏ. “Sổ đỏ là chứng thư pháp lý quan trọng nhất. Vì vậy, nếu muốn thu hồi đất bỏ hoang vi phạm Luật Đất đai, việc đầu tiên là phải thu hồi sổ đỏ đã cấp” - vị phó chủ tịch nói.
Nhiều “đại gia” có nguy cơ mất đất
Ngoài Vietcombank, trong danh sách lập kế hoạch thu hồi đất do để hoang hóa nhiều năm của UBND TP Hà Nội còn có một số “đại gia” như: Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị (HUD), Công ty CP Hacinco, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội, Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà, Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội…
|
Thế Dũng
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|