Thứ Năm, 12/07/2012 06:29

DN lỗ, ban điều hành phải chịu trách nhiệm

Dù doanh nghiệp thua lỗ, nhiều tổng giám đốc điều hành vẫn thoát được trách nhiệm bồi thường nhờ chỉ ký hợp đồng sử dụng lao động.

Do sai phạm của người quản lý nên hiện nay có nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết trên sàn thua lỗ đến hàng ngàn tỉ đồng, có nơi giải tán hội đồng quản trị (HĐQT), có nơi cho ban điều hành nghỉ việc.

“Sao để lỗ dữ vậy?”

Nổi đình đám trên ở thị trường chứng khoán hiện nay là vụ việc Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) thua lỗ lũy kế hơn 1.445 tỉ đồng. Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) SBS ngày 16-6, cổ đông biểu quyết thống nhất cho ba cấp, gồm HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát phải ra đi. Vậy nhưng mức lỗ quá lớn, hơn 100 tỉ đồng/tháng, vẫn gây bức xúc trong cổ đông. Có ý kiến cho rằng ban điều hành DN phải bồi thường thiệt hại chứ không thể từ nhiệm là xong.

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán ngày 28-6, ông Võ Duy Đạo, tân Tổng Giám đốc SBS, cho biết ban điều hành mới đang làm rõ nhiều vấn đề về hoạt động của SBS: Có hay không việc giấu lỗ, nếu có thì con số cụ thể bao nhiêu, sự việc có từ khi nào, ai đã chỉ đạo việc này và thiệt hại ra sao…

Theo nội dung văn bản, từ ngày 1-7, ban điều hành mới đã thuê Công ty Ernst & Young kiểm toán nhằm phân tích, đánh giá thực trạng tài chính SBS.

Tuy nhiên, bà TL, một cổ đông mua cổ phiếu SBS, bức xúc: “Chúng tôi đề nghị ban điều hành mới làm rõ trách nhiệm của ban điều hành trước. Họ có ưu ái khách hàng VIP, có thực hiện giao dịch tự doanh đúng quy định hay không. Nếu họ gây thiệt hại cho công ty, cổ đông thì họ phải bồi thường”.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) kiện nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Trung ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian ông Trung lãnh đạo công ty. Nội dung kiện là yêu cầu ông bồi thường thiệt hại 26 tỉ đồng liên quan đến các hợp đồng mua hàng; yêu cầu hoàn trả các khoản tiền tạm ứng, tiền nợ mua hàng chưa thanh toán…

Theo luật thì níu áo được

Khoản 4 Điều 116 Luật DN quy định: Giám đốc hoặc tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định pháp luật, điều lệ, hợp đồng lao động và quyết định của HĐQT. Nếu điều hành trái với các quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì giám đốc, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường cho công ty.

Điều 120 luật này còn quy định chặt hơn bằng các điều kiện buộc người quản lý công ty khi ký hợp đồng, thực hiện giao dịch với một số đối tượng cụ thể phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại TP.HCM, cho biết theo luật thì cổ đông, nhóm cổ đông có quyền yều cầu ban điều hành DN phải bồi thường thiệt hại cho công ty. Cổ đông có thể xem các báo cáo tài chính, thuê công ty kiểm toán đánh giá, soát xét những hợp đồng, quyết định của người điều hành DN để tìm bằng chứng vi phạm. “Với các trường hợp người điều hành vi phạm pháp luật, bị bắt tạm giam thì cổ đông vẫn có quyền đề nghị cơ quan điều tra đưa thêm phần bồi thường dân sự vào hồ sơ để yêu cầu bị can (là người lãnh đạo DN) phải chịu trách nhiệm bồi thường các hậu quả gây ra cho DN” - ông Hậu phân tích.

Nhưng thực tế thì khó

Tuy nhiên, nhiều luật sư vẫn cho rằng quy định các vấn đề quy trách nhiệm bồi thường của người quản lý tại Luật DN chỉ là luật khung, không rõ ràng.

Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, cho biết thực tế chưa có tổng giám đốc nào bị cổ đông kiện đòi bồi thường.

“Hiện nay, DN thuê tổng giám đốc bằng hợp đồng lao động chứ không ký hợp đồng thuê quản lý. Vì vậy, nếu việc điều hành có gây thất thoát, sai phạm thì họ chỉ có thể kiện nhau ra tòa vì quan hệ lao động chứ không thể kiện vì quan hệ kinh tế. Theo tôi đây là một kẽ hở trong pháp lý về DN vì thực tế pháp luật cũng không có hướng dẫn DN thuộc loại hình TNHH, cổ phần về hợp đồng thuê quản lý. Đó là chưa nói người lãnh đạo là thành viên góp vốn thì việc kiện hay không còn phải đưa ra ĐHCĐ và phải đạt tỉ lệ 75% cổ đông biểu quyết. Rơi vào trường hợp này thì còn khó hơn vì lúc đó người lãnh đạo có cổ phần chi phối thì chưa chắc ĐHCĐ thông qua được” - ông Tiền phân tích thêm.

Từ nhiệm vẫn không thoát trách nhiệm

Đầu tháng 6, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS), ông Hoàng Xuân Quyến, bị bắt dù đã đã từ nhiệm một năm. Trong thời gian còn tại chức, ông Quyến đã ký kết trái phép một số hợp đồng nhận thế chấp cổ phiếu OTC để khách hàng vay tiền với giá trị lớn, vượt quá quyền hạn HĐQT cho phép. Sau vụ việc, LVS đã miễn nhiệm đối với ông Quyến, thay thế toàn bộ ban điều hành. Thông tin nội bộ cho biết dù ông Quyến đã bỏ tiền túi bồi thường cho công ty một phần thiệt hại, tuy nhiên vẫn bị bắt theo đơn tố cáo của HĐQT Công ty LVS.

M.THẢO


BÙI NHƠN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   BGM: Hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 (11/07/2012)

>   STG: Tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2012 (11/07/2012)

>   HU3: Lấy ý kiến cổ đông đầu tư dự án thứ phát tại Bắc Ninh (11/07/2012)

>   AAM: Giải trình việc chậm công bố Nghị quyết HĐQT (11/07/2012)

>   VCBS thay đổi trưởng văn phòng đại diện tại An Giang (11/07/2012)

>   HBC trúng thầu ba công trình trị giá 420 tỷ đồng (11/07/2012)

>   HRC: Chọn AVA để kiểm toán BCTC (11/07/2012)

>   NHA: Nghị quyết HĐQT chọn đơn vị kiểm toán (11/07/2012)

>   TTG: 17/07 GDKHQ dự ĐHĐCĐ bất thường 2012 (11/07/2012)

>   TNA: 6 tháng đạt 53% kế hoạch lợi nhuận năm (11/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật