Thứ Sáu, 27/07/2012 19:12

Chứng khoán Tuần 23 - 27/07: KQKD tiêu cực lộ diện, đà tăng bị chặn đứng

Thị trường đã có tuần giao dịch khá tiêu tực khi các chỉ số giảm điểm mạnh trở lại, thanh khoản sụt giảm, khối ngoại cũng tỏ ra e dè. Điểm tích cực duy nhất là hoạt động tự doanh CTCK tiếp tục thu gom cổ phiếu.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 23 - 27.07.2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm khá mạnh 2.66% và đang ở mức 413.16 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh 3.93% xuống 69.35 điểm. VS 100 giảm 2.47% đang ở 67.42 điểm và VN 30 giảm 1.57% đứng tại 489.61 điểm.

VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 3.74%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 3.44%, VS-Micro Cap giảm 2.87% và VS-Large Cap giảm điểm nhẹ nhất 2.15%.

Thanh khoản trên hai sàn tính cả tuần sụt giảm mạnh; trên HOSE giảm 24.1% so với tuần trước đó, tổng khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng giảm mạnh 18.7%.

Áp lực xả hàng gia tăng mạnh trên cả hai sàn ngay trong phiên giao dịch đầu tuần và kéo dài trong hầu hết các phiên giao dịch còn lại. Nguyên nhân chính là do:

(1) Thị trường vẫn đang nằm trong vùng ”đệm” và chưa thể vượt ngưỡng kháng cự. Do đó, giới đầu tư vẫn tiếp tục lựa chọn việc bán ra nhằm đảm bảo sự an toàn.

(2) Kết quả kinh doanh (KQKD) quý 2 tiêu cực lộ diện ở một số mã cổ phiếu khiến áp lực xả hàng gia tăng và có tác động rất xấu đến thị trường.

(3) Khối ngoại bán ròng mạnh những mã trụ cột như VIC, BVH khiến chỉ số dễ dàng lùi sâu và giới đầu tư đã hoang mang trong một vài phiên.

Áp lực thoát hàng vẫn diễn ra mạnh nhất ở các cổ phiếu đầu cơ, thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của các nhóm cổ phiếu ”hot” như Khai khoáng, Xây dựng, Chứng khoán, Bất động sản.

Việc dòng tiền đầu cơ chùn bước đã khiến đà hưng phấn sụt giảm và sự thận trọng bao trùm trở lại trên toàn thị trường. Hoạt động mua vào chỉ dừng ở mức thăm dò, giao dịch lình xình và  thanh khoản giảm mạnh.

Những phiên giao dịch cuối tuần, hoạt động dò đáy và dòng tiền đầu cơ luân chuyển nhẹ giúp duy trì sự lạc quan nhất định cho thị trường. Đây cũng là yếu tố chính giúp thu hẹp đà giảm điểm và tăng nhẹ ở một số phiên, giúp giới đầu tư mở ra hy vọng thị trường hồi phục trong phiên cuối tuần. Tuy vậy, dấu hiệu này là không đủ để vực dậy đà hưng phấn, áp lực xả hàng bất ngờ gia tăng mạnh kéo thị trường giảm điểm trở lại trong phiên cuối tuần.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã trở lại thận trong khi quay đầu bán ròng trong tuần giao dịch qua. Diễn biến giao dịch của họ cũng cho thấy sự phân vân khi tổng giá trị giao dịch mua và bán sụt giảm khá mạnh. Việc khối ngoại tập trung bán mạnh ở các mã trụ cột trên HOSE đã ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý giới đầu tư trong nước.

Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 40.7 tỷ đồng nhưng chủ yếu do giao dịch mua ròng hơn 1.85 triệu đơn vị FPT, trong đó có 1.82 triệu cổ phiếu thỏa thuận. Nếu loại bỏ giao dịch này thì khối ngoại đã bán ròng 54.7 tỷ đồng trong tuần.

Ngoài FPT thì lực mua ròng của khối ngoại tập trung khá mạnh vào MBB với 15.3 tỷ đồng, HAG với 10.9 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất các mã trụ cột như VIC với 48.4 tỷ đồng, tiếp theo là BVH với 20.8 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng bán ròng nhẹ trên HNX với giá trị bán ròng đạt 2.1 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất PVS với 6.6 tỷ đồng, và PVX với gần 4.2 tỷ đồng; trong khi mua ròng mạnh nhất VND với 5.1 tỷ đồng, và VNR với gần 2.5 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Mặc dù thị trường giằng co khá mạnh trong tuần nhưng tính đến hết ngày 26/07 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK vẫn tiếp tục bỏ tiền gia tăng gom vào cổ phiếu. Khối này mua ròng với tổng khối lượng đạt gần 1.8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 30.4 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý: Chỉ còn 3/24 ngành tăng điểm trong một tuần thị trường giảm điểm mạnh. Dược phẩm dẫn đầu mức tăng trong tuần qua khi tăng 1.08%, tiếp theo là Nông- Lâm-Ngư tăng 1.04% và Thương mại tăng nhẹ 0.31%.

Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 10.51% chủ yếu do sự sụt giảm của BVH; mức giảm mạnh của cổ phiếu này cũng làm hoang mang tâm lý giới đầu tư. Khai khoáng, Xây dựng và Chứng khoán là những ngành giảm mạnh tiếp theo lần lượt 7.72%, 5.08% và 4.88%. Bất động sản và Ngân hàng cũng không tránh khỏi tuần giảm điểm mạnh với mức giảm tương ứng 4.29% và 1.38%.

Giảm điểm: Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua trên HOSE gồm có: PTC giảm 16.19%, BGM giảm 15.15%, VHG giảm 14.29%; trên HNX gồm có: THV giảm 21.74%, PFL giảm 17.65%, HDO giảm 17.07%.

PTC giảm mạnh 16.19% chủ yếu do việc thoát hàng của dòng tiền đâu cơ, khi không có thông tin chính thức nào về cổ phiếu này trong tuần giao dịch qua.

BGM giảm 15.15% khi có thông tin bị cảnh cáo do tạm ngừng hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân dừng sản xuất là do nhà máy gặp trục trặc, dây chuyền không đồng bộ chưa đủ điều kiện sản xuất. Đáng chú ý là tình trạng này đã kéo dài từ quý 4/2011 đến nay.

Theo đó, BGM không phát sinh doanh thu trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2012. Mặc dù vậy, công ty vẫn có lãi 1.7 tỷ đồng trong quý 2 và lũy kế 6 tháng đạt 1.3 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng nợ khó đòi.

VHG giảm 14.29% trong tuần qua chủ yếu do KQKD quý 2 không mấy khả quan. VHG tiếp tục lỗ 9.8 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế trong 6 tháng đầu năm lên 15.8 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp công ty báo lỗ.

THV giảm mạnh 21.74%. Kỳ vọng về việc cải thiện KQKD từ những hợp đồng mới ký đã tan tành khi THV thông báo tiếp tục lỗ thêm 31.2 tỷ đồng trong quý 2/2012, nâng tổng mức lỗ luỹ kế 6 tháng đầu năm lên gần 120 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 4 liên tiếp THV báo lỗ.

PFL giảm mạnh 17.65% cũng xuất phát từ KQKD không mấy nổi bật, khi doanh thu chỉ có vỏn vẹn 67 triệu động, và ghi nhận lỗ 3.4 tỷ đồng trong quý 2. Tính tổng cộng 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của PFL là 134 triệu đồng và lỗ 3.346 tỷ đồng.

HDO giảm mạnh 17.07%. Trái với những thảo luận của giới đầu tư về KQKD quý 2 tích cực hơn; thực tế cho thấy hoạt động của HDO vẫn chưa cải thiện khi doanh thu quý 2 chỉ đạt 33.6 tỷ đồng giảm mạnh 34.5% cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.6 tỷ đồng giảm 42.8%.

Tăng điểm: Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua trên HOSE có: LGC tăng 18.75%, SBS tăng 14.71%; trên HNX không có cổ phiếu tăng nào nổi bật.

LGC tăng mạnh 18.75% xuất phát từ thông tin CII mong muốn thâu tóm doanh nghiệp này. Theo đó, HĐQT CII đã đồng ý chủ trương sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này lên 80.24%, trong khi đó tỷ lệ nắm giữ hiện tại chỉ có 44.79%. Như vậy, CII sẽ phải mua thêm hơn 2.98 triệu cổ phiếu LGC nữa để đạt mục tiêu đề ra.

SBS tăng mạnh 14.71%. Mặc dù chỉ được giao dịch 15 phút cuối phiên nhưng SBS vẫn tăng mạnh trong tuần qua. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hoạt động tái cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ tại CTCK này, khiến cho giới đầu tư kỳ vọng về một sự khởi sắc trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng dòng tiền đầu cơ đang hoạt động mạnh tại mã cổ phiếu này như chúng ta đã từng thấy trong quá khứ.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật