Chính phủ Nhật có thể hết sạch tiền mặt vào tháng 10
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Jun Azumi, cho biết Chính phủ nước này có thể không còn tiền để tài trợ cho ngân sách của năm tài khóa hiện tại vào cuối tháng 10 vì sự bế tắc của dự luật tài trợ thâm hụt ngân sách tại Quốc hội.
Dự luật tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ cho phép Chính phủ bán trái phiếu để tài trợ cho gần 50% nguồn ngân sách nhưng hiện đang bị bế tắc tại Quốc hội vì sự mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và các đảng đối lập. Được biết, các đảng đối lập có thể sử dụng quyền kiểm soát Thượng viện để phản đối dự luật trên.
Ngày 06/07, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi đã khẩn cầu hai đảng đối lập lớn nhất là Đảng Dân chủ Tự do và Đảng New Komeito thông qua dự luật vì nếu không có dự luật này hoạt động chi tiêu công sẽ tạm dừng, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm và Nhật Bản có thể bị hạ bậc tín nhiệm.
Ông nói: “Tôi thực sự hy vọng rằng chúng ta có thể đạt được thỏa thuận đa đảng về dự luật thâm hụt ngân sách. Điều quan trọng không phải là đảng nào cầm quyền mà là nếu không có dự luật này, ngân sách sẽ cạn kiệt”.
Được biết, tổng ngân sách năm tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng 4/2012 của Nhật Bản là 90.3 ngàn tỷ JPY.
Dự luật tài trợ thâm hụt ngân sách sẽ cho phép Nhật Bản bán 38.3 ngàn tỷ JPY trái phiếu Chính phủ để tài trợ cho ngân sách. Phần còn lại sẽ đến từ doanh thu thuế, các khoản doanh thu ngoài thuế và số tiền thu được từ việc bán trái phiếu cho các dự án công.
Theo ông Azumi, chi tiêu công có thể chạm 43.9 ngàn tỷ JPY vào cuối tháng 9/2012. Giả sử dự luật tài trợ thâm hụt ngân sách không được thông qua, Chính phủ sẽ chỉ còn 46.1 ngàn tỷ JPY và điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ chắc chắn sẽ hết sạch tiền vào cuối tháng 10/2012.
Ông Azumi cho biết Bộ Tài chính có thể bắt đầu cắt giảm trợ cấp thuế đối với các chính quyền địa phương vào tháng 9 nếu vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự luật sẽ được thông qua.
Hiện Nhật Bản là nước có nợ công cao nhất thế giới với quy mô gần gấp đôi quy mô 5 ngàn tỷ USD của nền kinh tế và việc phân tích các khoản chi tiêu tài khóa có thể gia tăng mối hoài nghi rằng các nhà chính trị đã mất khả năng kiểm soát tình hình tài chính công.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|