Campuchia, thị trường hấp dẫn
Muốn cạnh tranh với hàng Thái tại Campuchia, doanh nghiệp Việt Nam phải đặt tiêu chí chất lượng hàng đầu và giá cả phải rẻ hơn.
Doanh thu tại thị trường nội địa giảm, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn này là giải quyết đầu ra. Vì vậy, những thị trường mới như Campuchia, Myanmar… trở thành mối quan tâm của DN, không chỉ để giải quyết đầu ra mà còn là một cách khẳng định thương hiệu quốc gia.
Triển vọng doanh số
“Chúng tôi chọn thị trường Campuchia chứ không phải Trung Quốc bởi Trung Quốc sản xuất được sản phẩm tương tự, thậm chí ta còn nhập về; trong khi thị trường Campuchia cung đường vận chuyển ngắn, nhu cầu lại cao” - ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ. Cũng theo ông, doanh số xuất khẩu của công ty sang Campuchia sáu tháng đầu năm đạt 30 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng có được kết quả kinh doanh khả quan trên đất Campuchia, ông Tăng Quang Trọng, Giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực Đông Dương của Công ty CP Đại Đồng Tiến, cho biết chỉ sau một năm mở hệ thống phân phối, doanh số đã tăng 25 lần so với trước khi mở.
Đối với ngành hàng thực phẩm chế biến, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu, chia sẻ: Ngành bánh ở Campuchia chưa đa dạng nên cơ hội còn nhiều. Dự kiến trong tháng 7, ABC sẽ mở thêm cửa hàng thứ tư với mục tiêu đưa mức tăng doanh số lên 20%.
Còn đại diện một DN sữa có trụ sở tại TP.HCM cho biết doanh số sáu tháng đầu năm của công ty tại Campuchia tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2011.
Khi mới thâm nhập thị trường, bên cạnh việc quan trọng là chọn đối tác, theo ông Tăng Quang Trọng (Công ty Đại Đồng Tiến), DN cần tạo dựng được hệ thống phân phối và nguồn nhân lực. “Trước tiên, nên phát triển phân phối ở chợ rồi mới đến siêu thị bởi chợ ở Campuchia vẫn là kênh mua sắm truyền thống được nhiều người sử dụng. Còn nếu muốn bán hàng trong siêu thị, DN cần tìm được một nhà phân phối Campuchia” - ông nói thêm.
Phải chú ý xây dựng thương hiệu từ đầu
“Trong giai đoạn kinh tế trong nước khó khăn, thị trường Campuchia thật sự là kênh bán hàng có thể giúp cho DN giải quyết đầu ra” - đại diện một doanh nghiệp sản xuất mì gói nhận định.
Hiện nay, tại Campuchia có nhiều DN Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với DN Thái Lan về chất lượng lẫn mẫu mã, giá cả hàng hóa nhờ vào cách làm ăn bài bản như mở văn phòng đại diện, đầu tư hệ thống phân phối, làm bao bì riêng. “Cách làm này chi phí cao nhưng tạo dựng được hình ảnh và hàng hóa tiêu thụ tốt. Những DN làm ăn mày mò, buôn sỉ để người địa phương bán lẻ thì không hiệu quả” - đại diện DN sữa tại TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo vị này, hiện chỉ có DN lớn xuất khẩu theo chính ngạch, đa phần DN nhỏ xuất theo tiểu ngạch để tránh thuế suất từ 15% đến 30%, cộng thêm chi phí vận chuyển từ cửa khẩu vào trung tâm khá cao, có nhiều mức giá khác nhau. Hơn nữa, nhiều DN ở Campuchia chưa mạnh, chưa tạo dựng được uy tín với ngân hàng nên DN Việt chưa mạnh dạn ký gửi hàng. Phương thức thanh toán giữa hai bên không theo thông lệ quốc tế chủ yếu bằng niềm tin.
Một số DN cho biết người tiêu dùng Campuchia rất thích hàng Thái do sử dụng bền. Vì vậy DN muốn cạnh tranh phải đặt tiêu chí chất lượng lên đầu tiên và giá cả rẻ hơn. “Ngoài ra, muốn người tiêu dùng yêu thích, hàng Việt phải để tem mác bằng tiếng Anh” - ông Trọng bổ sung.
Việc xây dựng thương hiệu Việt Nam tại Campuchia cần phải đi theo mục tiêu chung là xây dựng thương hiệu quốc gia. Đa phần người tiêu dùng chỉ biết là hàng Việt Nam chung chung chứ không phân biệt của DN nào nên cần định hướng về chất lượng và tạo hình ảnh ấn tượng.
Ngoài ra, người làm ăn ở Campuchia có hai dạng, một là người gốc Hoa làm ăn bài bản, uy tín, nếu lần đầu thấy tin thì xúc tiến nhanh. Người Campuchia cũng coi trọng chữ tín nhưng cách làm còn dè dặt vì chưa tin tưởng đối tác ngay lần đầu nên sẽ thận trọng hơn. “DN cần hiểu rõ yếu tố này để định hướng cách làm hiệu quả” - ông Lê Quốc Phong (Công ty Bình Điền) chia sẻ.
Từ ngày 9 đến 13-8, tại Campuchia sẽ diễn ra hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao & Xuất khẩu 2012. Hội chợ có sự tham gia của các ngành hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, thực phẩm, dược phẩm, dệt da may, thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm…
Tú Uyên
Pháp luật TP
|