Vàng và phản ứng... “giật mình”? Với những “phản ứng” theo kiểu “giật mình” gần đây cho thấy NHNN dường như đang bị động trước diễn biến của thị trường vàng. Một điều khá trùng lặp là ngay sau khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giá vàng trong nước liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, nó không phản ánh tác động từ chính sách đến thị trường thậm chí còn cho thấy sự bất lực bởi giá vàng trong nước vẫn luôn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng tính theo tỉ giá quy đổi. Đáng chú ý hơn có những lúc giá vàng SJC (thương hiệu dự kiến trở thàng thương hiệu vàng quốc gia) còn chèn ép và cao hơn các thương hiệu vàng miếng khác khoảng 1 triệu đồng/lượng. Mỗi bước lùi, một thất bại? Sau gần 2 tháng ban hành Nghị định 24, NHNN vừa chính thức ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định này. Thông tư này ra đời đúng vào ngày Nghị định 24 có hiệu lực (25/5). Theo đó, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (từ 10/7/2012). Trong thời hạn chuyển tiếp này, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng được tiếp tục thực hiện bình thường; các DN và tổ chức tín dụng hoàn tất thủ tục để đề nghị cấp giấy phép mới. Sau thời hạn chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua, bán vàng miếng với các DN, tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép. Còn hoạt động sản xuất vàng miếng của các đơn vị đã được NHNN cấp phép thời gian qua bị chấm dứt theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Các loại vàng miếng bao gồm SJC và các nhãn hiệu khác đã được cấp phép sản xuất trước đây thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ, được mua - bán bình thường trên thị trường, nhưng sau thời hạn chuyển tiếp sẽ chỉ được mua - bán thông qua các đầu mối được cấp phép. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua - bán vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng; trong thời hạn này các DN phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại, xin giấy chứng nhận đủ điều kiện tại NHNN. Các quy định khác về mang vàng khi xuất - nhập cảnh, hoạt động mua bán vàng miếng của NHNN sẽ được hướng dẫn bằng văn bản khác. Một câu hỏi được đặt ra là thời gian 6 tháng liệu có đủ để các DN và các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng và mốc thời gian đó được dựa trên cơ sở nào? Bởi nếu không khả thi sẽ rất dễ phát sinh những biến tướng hoặc NHNN sẽ phải điều chỉnh lùi thời gian. Nói như vậy bởi trên thực tế đã có tiền lệ. Đó là việc cách không lâu khi các Ngân hàng chuẩn bị phải đóng cửa huy động vàng (1/5/2012), thì NHNN bất ngờ có Thông tư 12 cho lùi thời hạn thực hiện lệnh cấm thêm 7 tháng. Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng NHNN đã quá “nuông chiều” các ngân hàng và với những quy định gần như đẩy “sân chơi” vàng miếng cho các ngân hàng như trong Nghị định 24 thì liệu có một bước lùi tiếp theo? “Bước lùi” của NHNN lập tức khiến rất nhiều ngân hàng mở cửa trở lại hoạt động huy động vàng với lãi suất 2-4%/năm. Một câu hỏi khác được đặt ra là NHNN đã không có tính toán kỹ về khả năng có thể tự cân đối được của các ngân hàng hay là các ngân hàng biết trước được rằng “kể khổ” thì sẽ được ân hạn? Dù là lý do gì thì đây cũng là những bài học để NHHN có những quy định đảm bảo tính thực thi cao hơn trong việc quản lý thị trường vàng. Ông Trần Quốc Quýnh - Chuyên gia cao cấp Hiệp hội kinh doanh vàng VN cho rằng: Việc gia hạn cho ngân hàng huy động vàng không thể không làm. Bởi thực tế bên vay chưa thể trả được những khoản nợ vay vốn bằng vàng từ những năm trước nên tỷ trọng nợ khó đòi đang đẩy ngân hàng vào chỗ khó tất toán dư nợ vàng. Ngoài việc huy động vàng làm tài sản đảm bảo vay vốn bằng tiền lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng, dư nợ vàng trong các ngân hàng hơn một năm qua chưa giảm nhiều. Vậy chính sách này có vì sự ổn định, minh bạch của thị trường vàng hay chỉ một nhóm nhỏ được hưởng quyền lợi có lẽ không khó để nhận ra? Bao nhiêu thì đủ? Trở lại với thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là 6 tháng tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc việc chuyển tiếp không có một lộ trình phù hợp đảm bảo cho việc chuyển tiếp khả thi thì rất có thể tiêu cực sẽ nhiều hơn tích cực. Bởi việc siết kinh doanh vàng miếng nằm ngoài quy luật thị trường thì sẽ khó tránh khỏi chuyển sang những hình thức biến tướng khác. Thực tế cho thấy, những quy định mang tính mệnh lệnh hành chính thường ít mang lại hiệu quả. Trước đây việc cấm kinh doanh vàng qua tài khoản đã dẫn tới một loạt các biến tướng đầu tư vàng qua tài khoản, đẩy nhà đầu tư trước rất nhiều rủi ro và cũng rất khó kiểm soát. Với Nghị định 24, đã làm được việc dễ nhất là quy đầu mối gần như về hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng để NHNN dễ quản lý. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc thị trường vàng sẽ được quản lý tốt hơn nếu như các chính sách tiếp theo không phù hợp. Để quản lý được thị trường thì trước tiên phải nắm vững được thực trạng thị trường nhưng một câu hỏi được đặt ra: Liệu NHNN có thể thông kê được có bao nhiêu lượng vàng SJC và bao nhiêu lượng vàng phi SJC trên thị trường hiện nay? Khi chưa trả lời được câu hỏi đó thì việc “ép” chuyển đổi trong một thời hạn cụ thể sẽ là không khoa học và phi thị trường. Ông Đinh Nho Bảng - Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng : Nghị định 24 quy định loại vàng miếng khỏi chức năng thanh toán và quy định mua bán có điều kiện là rất đúng đắn. Vì trên thế giới, không nước nào cho giao dịch vàng miếng tự do như VN. Tuy nhiên, khi khi kênh kinh doanh vàng vật chất bị hạn chế, việc mở kênh giao dịch phi vật chất là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trước đây sàn vàng quy định tỉ lệ ký quỹ thấp, chỉ ở mức 7% vì vậy cần có những nghiên cứu để lựa chọn mức ký quỹ phù hợp. Ngoài ra, các hành lang pháp lý và quy chế cần được quy định rõ ràng hơn. Trách nhiệm của người tham gia sàn vàng cũng như nhà quản lý phải được nâng cao hơn. Ông Nguyễn Thanh Trúc - TGĐ Cty vàng bạc đá quý Agribank : Sau khi có Nghị định 24, giá vàng miếng của chúng tôi cũng như nhiều thương hiệu vàng miếng khác trên thị trường luôn bị ép giá thấp hơn JC. Các thương hiệu vàng “phi” SJC trước đây cũng do NHNN cấp phép, do vậy NHNN phải có trách nhiệm xử lý sao cho người sở hữu các thương hiệu vàng này không bị thiệt đồng thời tạo sự ổn định cho thị trường vàng. Theo tôi nên cho phép những loại vàng này khi kiểm định nếu đủ trọng lượng, chất lượng thì cho chuyển đổi sang vàng miếng SJC. NHNN có thể thu một số phí nhất định. Hiện nay do NHNN chưa hướng dẫn nên việc chuyển đổi này bị tắc và vàng phi SJC tiếp tục bị ép giá. | Phan Nam diễn đàn doanh nghiệp
|