Thứ Sáu, 01/06/2012 09:15

“Vận mệnh” mong manh của THV

Chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ Công ty, nhưng tâm huyết của vị Chủ tịch HĐQT vẫn chưa giúp THV thoát khỏi khó khăn.

Chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang sinh sống để vay tiền ngân hàng, hỗ trợ Công ty trong lúc khó khăn, nhưng  tâm huyết của vị Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Văn An,  vẫn chưa giúp CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (mã THV) thoát khỏi những ngày tháng khó khăn nhất, chống chọi với nguy cơ thua lỗ, mất thanh khoản.

Từ một báo cáo kiểm toán bị ngoại trừ… 76,5% tài sản

Báo cáo kiểm toán về BCTC hợp nhất năm 2011 của THV được thực hiện bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế (IFC) được đưa ra với rất nhiều điểm ngoại trừ. Theo đó, tiền mặt, tài sản cố định, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang… đã được IFC đưa vào danh mục những khoản không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán cần thiết để chứng minh cho sự hiện hữu và giá trị.

Điểm đáng lưu ý là, tổng giá trị các khoản ngoại trừ mà kiểm toán đưa ra lên tới hơn 1.770 tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng tài sản của THV, bằng 4,68 lần vốn chủ sở hữu của Công ty ở thời điểm 31/12/2011. Thêm vào đó, việc công nợ ngắn hạn nhiều hơn gần 320 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế hơn 218 tỷ đồng của THV tại thời điểm chốt số liệu lập BCTC (31/12/2011) khiến Công ty bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Chỉ với 2 nội dung này, trong số 6 vấn đề được kiểm toán đề cập trong Báo cáo kiểm toán 2011, đã vẽ cho NĐT một bức tranh tối màu về tình trạng sức khỏe của THV. Lo ngại này càng lớn hơn sau khi thị trường đón nhận những những thông tin không mấy tích cực về sự tham gia giao dịch của Quỹ Haverstock Master Fund (viết tắt Haverstock).

Tất nhiên, sau khi đưa ra một báo cáo kiểm toán bị ngoại trừ nhiều như vậy, cả phía đơn vị kiểm toán và THV đều phải giải trình các lý do dẫn đến tình trạng này. Nhưng ngay cả khi thị trường chấp nhận lý do của việc ngoại trừ số dư hàng tồn kho (là do việc thu mua, chế biến cà phê đang vào mùa vụ, khó khăn cho đơn vị kiểm toán tham gia kiểm kê như giải trình của Công ty), thì nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Thái Hòa vẫn chưa được giải tỏa.

Khó khăn chồng chất

Với việc mất cân đối tài chính nghiêm trọng, trong đó, khoảng 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn đã được chuyển sang đầu tư dài hạn trong bối cảnh năng lực tài chính chưa theo kịp, lại diễn ra vào giai đoạn lãi suất ngân hàng bị đẩy lên đỉnh điểm đã dồn THV vào hàng loạt khó khăn. Thiếu thanh khoản để trang trải những khoản nợ đến hạn, oằn lưng chịu lãi vay cao trong khi chưa có nguồn thu, giá cà phê diễn biến bất thường…, khiến sự tồn tại của Công ty chủ yếu trông chờ vào đợt phát hành tăng vốn điều lệ từ tháng 10/2011.

Nhưng thị trường đã không ủng hộ khi cổ phiếu THV liên tục rớt giá mạnh, thấp hơn quá nhiều so với mức giá 10.000 đồng/CP khiến đợt phát hành tăng vốn điều lệ thất bại. Một khi bài toán tài chính không được giải quyết, sự tồn tại của THV chỉ có thể trông đợi vào khả năng “chạy” thanh khoản của Ban lãnh đạo Công ty và mức độ chấp nhận đàm phán của ngân hàng.

Từ chỗ là một đơn vị có vị thế  trong nước và trên trường quốc tế, có diện tích trồng cà phê tốt vào bậc nhất khu vực…, Thái Hòa đã phải chấp nhận “xẻ thịt” chính mình để bù đắp cho sự thiếu hụt thanh khoản và lệch nguồn tài chính.

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK cuối năm 2011, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc THV đã nói về kế hoạch bán tài sản, mời chủ nợ tham gia góp vốn và xin ngân hàng cơ cấu lại nợ vay ngắn hạn sang dài hạn. Kỳ vọng của người đứng đầu Công ty, cũng là ông chủ lớn nhất tại đây là, trong quý I/2012, sẽ hoàn thành tái cơ cấu, đưa nợ của THV về 200 tỷ đồng. Một chuyên gia tài chính cho hay, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra trong tình huống các ngân hàng chấp nhận lấy tài sản của Thái Hòa, thì THV sau tái cơ cấu, có thể sẽ chỉ còn một cái xác (vì bán hết các khoản đầu tư vào công ty con, các dự án).

Tuy nhiên, đến đầu tháng 5 này, theo những thông tin công bố của THV, đơn vị này mới giải quyết được khoản vay 100 tỷ đồng của Ngân hàng Hàng hải (MaritimeBank) và 112 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Các khoản vay từ Habubank, Vietcombank, VDB… vẫn đang trong quá trình giải quyết. BCTC hợp nhất quý I/2012 cho thấy, tổng vay - nợ ngắn hạn của THV hầu như không thay đổi, giảm nhẹ từ mức 1.499 tỷ đồng cuối năm 2011 về 1.462 tỷ đồng cuối quý I/2012. Vay nợ dài hạn chỉ thay đổi nhỏ trong khi tổng giá trị hàng tồn kho sụt giảm tương ứng từ mức 1.013 tỷ đồng về 939 tỷ đồng. Điều này cho thấy, việc giải quyết tình trạng khó khăn của THV không hề dễ dàng.

Cửa thoát hẹp

Theo báo cáo KQKD hợp nhất, chi phí lãi vay của Thái Hòa trong quý I/2012 là gần 43 tỷ đồng. Con số này bằng 1/6 vốn chủ sở hữu của Công ty tại thời điểm 31/3/2012. Nếu tình trạng kinh doanh không khả quan hơn, chưa đầy một năm nữa, Thái Hòa có thể sẽ hết vốn (!).

Tuy nhiên, có hai thông tin tích cực đáng lưu ý mà NĐT nhận được từ sau cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra hôm 16/5. Thứ nhất là kế hoạch phát hành riêng lẻ 42,25 triệu cổ phần với giá 6.000 đồng/CP, ước thu về hơn 250 tỷ đồng. Chấp nhận giá bán dưới mệnh giá, nhưng phương án này cũng khó thành công, vì vẫn cao gấp hơn 3 lần giá thị trường. Tuy nhiên, nếu thành công, THV có thể yên tâm phần nào về áp lực trả nợ trong ngắn hạn, cũng như giảm được đáng kể chi phí lãi vay trong năm.

Điểm thứ hai là việc cam kết hỗ trợ tài chính của các cổ đông lớn. Theo ông An, vợ ông, bà Ngô Thị Hạnh, với tư cách là thành viên HĐQT cùng một số thành viên HĐQT đã bán cổ phiếu của mình để cho Công ty vay vốn nhằm giải quyết bài toán thanh khoản trước mắt. Tuy nhiên, thuyết minh BCTC năm 2011 của THV đã cho thấy, nơi vợ chồng ông An đang ở, bất động sản tại D21 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cũng đã được dùng để thế chấp 2 khoản vay tại Ngân hàng Hàng hải và Ngân hàng Quốc tế.

Chưa biết việc phát hành có khả năng thành công đến đâu, nhưng rõ ràng, khi những người điều hành đang dồn hết sức mình cho sự sống còn của Công ty thì Thái Hòa còn hy vọng vượt qua những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, hy vọng mong manh ấy chỉ có thể trở thành hiện thực khi ngoài những nỗ lực chèo lái của Ban lãnh đạo Công ty, còn phải có sự nhân nhượng của chính các chủ nợ là các ngân hàng.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TJC: Dự kiến tăng vốn điều lệ lên 102 tỷ đồng (01/06/2012)

>   VNH thông qua kế hoạch lợi nhuận 9 tỷ đồng (01/06/2012)

>   Fitch đưa xếp hạng tín nhiệm HAG vào diện xem xét hạ bậc (01/06/2012)

>   Sacombank: Hậu chuyển giao quyền lực và hai dấu hỏi (01/06/2012)

>   Thật thật ảo ảo lợi nhuận doanh nghiệp (01/06/2012)

>   Công ty Bình An tiếp tục trả nợ 17 tỷ đồng (31/05/2012)

>   VNM cẩu thành công một trong các đỉnh tháp sấy Sữa bột lớn nhất châu Á (31/05/2012)

>   OCH quyết định bán 97.08% vốn tại Sài Gòn Givral (31/05/2012)

>   SNC: Sẽ niêm yết trong năm nay (01/06/2012)

>   KMR: Dự kiến bán 6 triệu cp cho Chủ tịch và Thành viên HĐQT (31/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật