Tây Ban Nha cam kết thực hiện "thắt lưng buộc bụng" Ngày 11/6, Tây Ban Nha đã cam kết tiếp tục theo đuổi các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và cải cách kinh tế sau khi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí dành cho Madrid khoản tiền cứu trợ 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để vực dậy ngành ngân hàng đang điêu đứng của nước này. Tuyên bố chung của Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính Tây Ban Nha cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình củng cố tài chính và cải cách cơ cấu mà nhờ nó, Tây Ban Nha đã lấy được lòng tin của các đối tác châu Âu. Theo Bộ Tài chính Tây Ban Nha, khoản tiền vay lớn kể trên là nhằm tăng cường khả năng thanh toán nợ công của Tây Ban Nha, và cam kết sẽ tiến hành chương trình bán đấu giá trái phiếu để gây vốn. Bộ Tài chính Tây Ban Nha hiện đã thu được 56,8% trong tổng số 86 tỷ euro mà Chính phủ Tây Ban Nha dự định tìm kiếm trong năm nay thông qua các cuộc bán đấu giá trái phiếu trung hạn và dài hạn. Chứng khoán Tây Ban Nha đã tăng mạnh trong khi lãi suất trái phiếu của nước này lại giảm mạnh ngay trong ngày giao dịch đầu tiên kể từ khi Tây Ban Nha được thông báo về khoản tiền cứu trợ mà khu vực đồng euro dành cho họ. Chỉ số chứng khoán Ibex-35 đã tăng gần 5% ngay sau khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 11/6. Chứng khoán ngân hàng cũng tăng mạnh. Giá cổ phiếu của ngân hàng Bankia, vốn yêu cầu tới 19 tỷ USD tiền viện trợ để trang trải các khoản nợ xấu và bất động sản, đã tăng 16%. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu 10 năm giảm 17 điểm, xuống còn khoảng 6%. Cùng ngày, theo các số liệu thống kê chính thức từ Cơ quan thống kê Italy, Istat, kinh tế Italy đã giảm 0,8% trong quý đầu năm nay, yếu tố khẳng định nền kinh tế lớn thứ ba trong Eurozone đã rơi vào suy thoái trầm trọng. Istat cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng, theo đó kinh tế Italy sẽ giảm 1,4% trong 12 tháng, cao hơn dự báo giảm 1,3% trước đó. Như vậy, tính đến thời điểm này, kinh tế Italy đã giảm quý thứ 3 liên tiếp kể từ quý III/2011./. Vietnam+
|