SBS: Không loại trừ khả năng hủy niêm yết
Hiện trạng tài chính của CTCP Chứng Khoán NH Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) thật sự đang như thế nào và ban lãnh đạo mới đang triển khai những biện pháp gì để vực dậy doanh nghiệp? Những câu hỏi này được chúng tôi đặt lên bàn ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị SBS. Ông cho biết:
|
Nguồn: Internet |
- Ngay lúc này chúng tôi đang cho đơn vị kiểm toán mới (cũng là công ty quốc tế. Công ty kiểm toán cho SBS thời gian qua là PWC - NV) kiểm toán lại nhằm đánh giá toàn bộ thực trạng tài chính của SBS những năm vừa qua, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thua lỗ. Trên cơ sở đó mới xác định được chiến lược trung hạn cũng như kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tới. Hiện thời ban lãnh đạo mới đang sắp xếp nhân sự, bộ máy; kiểm soát hoạt động hàng ngày để đảm bảo tiền gửi của nhà đầu tư được an toàn.
Những khả năng nào có thể xảy ra với SBS sau khi các ông nắm được toàn cảnh bức tranh tài chính của công ty?
Ông Kiều Hữu Dũng: Mọi quyết định quan trọng liên quan đến SBS đều phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó không loại trừ khả năng hủy niêm yết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các khả năng đều phải căn cứ vào kết quả kiểm toán tới đây.
Trong thời điểm khó khăn bây giờ, các cổ đông lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ SBS thông qua hình thức nào, thưa ông?
- Cách đây 9-10 tháng cổ đông lớn là Sacombank đã mua 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi. Đây là nguồn duy nhất hiện nay hỗ trợ hoạt động của công ty. Việc chuyển đổi trái phiếu còn phải chờ Ngân hàng Nhà nước xét duyệt vì theo qui định một tổ chức tín dụng không được đầu tư quá 11% vốn của một công ty. Nếu không được chấp thuận SBS phải trả lại tiền cho Sacombank.
Số tiền 800 tỉ đồng hiện còn bao nhiêu, thưa ông?
- Còn gần 600 tỉ đồng và số lãi thu hàng tháng từ số này tiền đủ để duy trì hoạt động của SBS.
Nghĩa là toàn bộ vốn điều lệ của SBS đã mất hết?
- Về cơ bản SBS đã mất hết vốn. Trách nhiệm của ban lãnh đạo mới là bảo vệ quyền lợi của khách hàng và nhà đầu tư.
Vậy hiện SBS có còn nợ không thưa ông?
- Vẫn còn một số nợ nhất định vài trăm tỉ đồng. Số nợ này khá dích dắc, theo đó SBS ở vai trò môi giới giữa ngân hàng và khách hàng vay. Chúng tôi đang tích cực thu hồi từ khách hàng để trả nợ cho bên cho vay.
Một câu hỏi riêng. Ông đã từng là quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (ông Kiều Hữu Dũng nguyên là vụ trưởng vụ Các ngân hàng, NHNN – NV), việc tham gia vào SBS có ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông?
- Việc ảnh hưởng hay không đến uy tín cá nhân tôi không quan trọng. Quan trọng hiện nay là tìm và tính toán phương án phục hồi SBS. Việc phục hồi công ty phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả sự ủng hộ của dư luận, thị trường, cổ đông, nhà đầu tư. Chúng tôi rất mong có được sự ủng hộ đó.
Xin cám ơn ông.
HẢI LÝ thực hiện (Vietstock)
FFN
|