Phát hành cổ phiếu giá bèo: Doanh nghiệp thiếu tiền?
Nhiều doanh nghiệp đang trình cổ đông việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, với lý do cần vốn. Nhưng thay vì phát hành cho cổ đông hiện hữu, họ lại phát hành cho người mới. Vậy liệu doanh nghiệp có thực sự đói vốn?
Việc một số công ty niêm yết đang ráo riết thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu với giá thấp hơn mệnh giá gần đây đang khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán… hoa mắt.
Đua nhau phát hành cổ phiếu giá bèo
Sau trường hợp của Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (mã TRI), phát hành 20 triệu cổ phiếu dưới mệnh giá năm 2009 (giá 7.520 đồng/cổ phiếu), rẻ hơn thị giá lúc đó của TRI, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã “theo” phương án phát hành này. Mới đây, một số doanh nghiệp như CTCP Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF), Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDS), Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), Công ty cổ phần Đệ Tam (DTA)… đang có ý định chào bán cổ phần dưới mệnh giá. TTF dự kiến phát hành thêm 50% vốn, tương ứng khoảng 15,6 triệu cổ phiếu với giá 5.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá của cổ phiếu này ngày hôm qua, 22/6 là 2.500 đồng/cổ phiếu. VDS dự kiến sẽ phát hành khoảng 35 triệu cổ phiếu với giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện tại khoảng 1.700 đồng/cổ phiếu nhưng thấp hơn mệnh giá 3.000 đồng/cổ phiếu. THV cũng có ý định phát hành hơn 42 triệu cổ phiếu với giá 6.000 đồng/cổ phiếu, đắt hơn thị giá hiện tại 4.000 đồng/cổ phiếu. Còn DTA dự tính phát hành khoảng 5 triệu cổ phiếu với giá khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá khoảng 1.600 đồng/cổ phiếu.
Kẹt vốn hay thao túng để thâu tóm?
Theo lý giải của hội đồng quản trị nhiều công ty trên trước cổ đông, việc họ phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đều có nguyên nhân từ… khát vốn. Nhưng có một thực tế rõ ràng là trong điều kiện cổ phiếu dưới mệnh giá nhan nhản trên thị trường như hiện nay thì thêm hàng loạt cổ phiếu dưới mệnh giá nữa có khiến các doanh nghiệp này thoát khỏi vòng khát vốn hay không, nếu họ không bán cho cổ đông hiện hữu? Ngoài TTF, một số doanh nghiệp dường như đã có đối tác cho việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá này, và đối tượng hướng đến không phải là cổ đông hiện hữu. Chẳng hạn như VDS nêu rõ trong nghị quyết ĐHCĐ sẽ chào bán riêng lẻ 35,02 triệu cổ phiếu với giá từ 7.000 đồng/cổ phiếu cho các đối tác chiến lược. Còn DTA thì phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu. Theo giải thích của VDS thì việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá do lo ngại nếu phát hành bằng mệnh giá sẽ khó có người mua…
Chuyên gia Lê Đạt Chí, ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng, trong điều kiện thị trường xấu như hiện nay, sai lầm lớn nhất của doanh nghiệp là phát hành thêm cổ phiếu. Đáng nói hơn, doanh nghiệp đang đi sai nguyên lý cơ bản của chứng khoán thế giới, khi phát hành thêm cổ phiếu trong điều kiện giá cổ phiếu của doanh nghiệp mình đang rớt thê thảm. “Trên thế giới không một doanh nghiệp nào chọn cách này. Liệu đằng sau việc phát hành này có vấn đề thao túng để thâu tóm hay không? Bán lớn như thế sao không bán cho cổ đông hiện hữu?”, ông Lê Đạt Chí đặt vấn đề.
Kẹt vốn, đó gần như là mẫu số chung của doanh nghiệp niêm yết hiện nay, và đó cũng là “cái lý” để nhiều Hội đồng quản trị xin phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn, không bán cho cổ đông cũ mà bán cho… người mới. “Nhiều ý đồ thông qua phương án phát hành này để thâu tóm doanh ngiệp. Chẳng hạn, với ý định phát hành 30 tỷ đồng nhưng bán dưới mệnh giá (khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu), chỉ cần 18 tỷ đã có tỷ lệ sở hữu 20% cổ phần. Mua rỉ rả trên thị trường thì biết khi nào mới… có được chừng này cổ phiếu?”, ông Chí nói và khuyến cáo, cổ đông nên cân nhắc đến việc này, và không nên để việc phát hành giá quá thấp, dịch chuyển từ cổ đông cũ sang cổ đông mới. Trong điều kiện này, doanh nghiệp nên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và thiết kế mức giá phù hợp. “Với nguyên tắc điều chỉnh giá, bảo toàn giá trị nguyên tắc điều chỉnh giá, bảo toàn giá trị thì cổ đông hiện hữu sẽ lựa chọn khi họ đủ tiềm lực tài chính”, ông Chí nhận định.
Phương Nhi
Đất việt
|