Khi cổ đông lên tiếng Đại gia ngành dầu khí Mỹ Chesapeake Energy Corp. đầu tuần qua đã phải chấp thuận thay đổi đến một nửa Ban quản trị Công ty, sau những chỉ trích mạnh mẽ từ phía cổ đông về sự tập quyền thái quá trong tay người đứng đầu của hãng này. CEO và đồng thời là người sáng lập của Chesapeake hiện là Aubrey McClendon. Ông là người đã dẫn dắt Chesapeake đi lên bằng một loạt các cuộc mở rộng quy mô trong những năm vừa qua, trong đó có thương vụ mua quyền khai thác tại một vùng mỏ có diện tích bằng 3 lần bang New Jersey, khiến Hãng trở thành nhà sản xuất khí gas lớn thứ hai nước Mỹ, sau Exxon Mobil Corp. Nhưng nhà đầu tư không thích tính cách ưa mạo hiểm của McClendon, cộng với tư tưởng khinh miệt mọi tiêu chuẩn thông thường nhất trong quản trị doanh nghiệp của ông. Chỉ riêng trong năm nay, Công ty đã dự kiến sẽ chi tới 9,6 tỷ USD, trong khi dòng tiền dự kiến chỉ đạt 3 tỷ USD. Để bù đắp cho khoản chi này, Công ty đã tiến hành vay 4 tỷ USD với lãi suất cao để cải thiện tính thanh khoản. Các cổ đông cũng chỉ trích McClendon về mối quan hệ mật thiết quá mức với các thành viên của Hội đồng quản trị (HĐQT). Trong khi đó, Công ty lại đang trải qua những vấn đề tài chính lớn: giá khí gas tự nhiên đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, Công ty thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng, giá trị thị trường của Công ty giảm một nửa trong 12 tháng trở lại đây xuống dưới 11 tỷ USD. Những điều này đã trở thành cái cớ để các cổ đông nổi loạn. Hai cổ đông lớn nhất của Công ty, gồm Quỹ đầu tư Southeastern Asset Management Inc. và nhà đầu tư chủ động Carl Icahn, là những người đầu tiên lên tiếng đòi Công ty phải thay đổi cả phương thức quản trị lẫn hoạt động kinh doanh. Nguồn tin thân cận cho biết, sau động thái này, các thành viên HĐQT Chesapeake đã tiếp cận với các cổ đông lớn khác để lấy ý kiến, và những người này cũng ủng hộ ý kiến phải thay đổi Ban quản trị. Do đó Chesapeake đã chọn giải quyết vấn đề trước khi diễn ra cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vào 8/6 tới này. Trong thông báo phát đi, Chesapeake Energy đồng ý thay 4 thành viên trong tổng số 9 thành viên HĐQT bằng những người mới do hai cổ đông Southeastern Management và Carl Icahn đề cử. Như đã thông báo trước đó, Công ty cũng sẽ chỉ định một vị trí chủ tịch độc lập để thay thế chủ tịch kiêm nhiệm CEO McClendon. Sau khi công ty thông báo thay đổi cơ cấu của HĐQT, giá cổ phiếu Công ty đã tăng 6% lên 16,52 USD trong phiên giao dịch hôm thứ Hai. Sự chỉ trích nhằm vào vai trò của McClendon tại Chesapeake không phải chỉ là thái độ nhất thời của cổ đông khi Công ty gặp khó. Nhà đầu tư lo ngại nhiều về sự tập quyền có phần thái quá trong tay McClendon. Sự lo ngại càng trở nên gay gắt khi cổ đông phát hiện ra rằng, gần đây, Ban quản trị đã không giám sát các hoạt động tài chính của McClendon. Công ty đã cho phép ông hưởng cái đặc quyền là được đầu tư cá nhân vào bất cứ một giếng dầu nào mà Công ty đang khai thác và McClendon cũng phải thừa nhận rằng, ông đã vay Công ty 846 triệu USD lấy từ nguồn tiền mà Công ty này vay của các hãng đối tác để trả cho một phần chi phí khoản đầu tư vào giếng dầu của mình. McClendon và Ban quản trị sau đó đã phải đồng ý kết thúc các hoạt động này. McClendon cũng đồng thời là một người có chính sách chi thù lao “khủng” cho các lãnh đạo Công ty, cho dù chính sách này đã bị cổ đông phản đối suốt nhiều năm. Tháng trước, Công ty đã phải chấp thuận giảm 20% khoản thù lao cho các thành viên Ban quản trị, cắt giảm cả khoản thưởng thêm cho phép các giám đốc có 40 giờ di chuyển cá nhân bằng chuyên cơ của Chesapeake mỗi năm. Công ty không nói rõ là 4 thành viên nào sẽ từ nhiệm. Trong khi đó, Ban quản trị hiện tại của Công ty đang bao gồm những nhân vật có sức nặng trong giới chính trị như nguyên Thượng Nghị sĩ Don Nickles, nguyên thống đốc bang Frank Keating và Chủ tịch của Trường đại học Oklahoma State University Burns Hargis. “Tôi đang mong đợi được làm việc với những thành viên mới để có thể tiếp tục tạo ra giá trị lớn cho cổ đông từ khối tài sản khổng lồ mà Chesapeake đã giành được và phát triển trong những năm gần đây”, McClendon viết trong thông cáo của Công ty. Icahn, người đang nắm 7,6% cổ phần của Công ty, bình luận rằng, quyết định thay đổi đáng kể HĐQT của Chesapeake hôm Chủ Nhật có thể sẽ khiến Công ty trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. “Một trong những lý do lớn cho sự mất liên kết giữa giá và giá trị của Công ty chính là vấn đề về sự tín nhiệm, mà vấn đề này đã được giải quyết vào tối hôm Chủ Nhật”, Icahn nói. Quang Minh đầu tư chứng khoán
|