Chủ Nhật, 03/06/2012 09:01

Hợp tác lúa gạo Việt Nam - Myanmar: Ba mô thức, từ cạnh tranh đến liên minh

Trong số báo trước, bàn về hợp tác lúa gạo Việt Nam - Myanmar, hai tác giả Trương Minh - Đồng Dao đã cho rằng đấy không còn là chuyện “nên hay không” nữa mà cần phải làm ngay, đừng để “trâu chậm uống nước đục”. Bài viết kỳ này nối tiếp chủ đề ấy, đi sâu vào cách thức hợp tác.

Từ hơn một năm trở lại đây, cầu nối giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp dần dần khởi sắc. Đầu tháng 6-2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Myanmar ký kết các thỏa thuận về hợp tác chăn nuôi. Tới cuối tháng 8-2011, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi U Myint Hliang sang thăm Việt Nam, ký kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam các thỏa thuận quan trọng hợp tác song phương về đào tạo cán bộ khoa học, hợp tác trồng lúa nước cao sản, cây cao su, trồng mía và sản xuất đường kính.

Sau chuyến thăm đó, dự án thiết lập công ty liên doanh sản xuất kinh doanh giống cây trồng tại xứ này do công ty của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar và Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC) được xúc tiến. Theo thông tin từ NSC, hai bên đã đi đến thỏa thuận ban đầu về hợp tác trong lĩnh vực giống cây trồng, trước mắt là hỗ trợ gia tăng diện tích trồng lúa có năng suất cao cho phía bạn. Triển vọng đầu tư vào Myanmar được đối tác Việt Nam đánh giá rất khả quan vì lý do tích tụ ruộng đất, trong khi quốc gia này chưa có công ty giống cây trồng nào.

Rõ ràng, đây là những bước khởi đầu đáng ghi nhận. Trong một phác thảo tiếp theo về sự hợp tác lúa gạo giữa hai nước, các gợi ý đưa ra ba mô thức tham khảo. Ba mô thức này dựa trên ý tưởng của GS Peter Timmer (Đại học Harvard), khi ông thảo luận về dự án "Mô hình cụm ngành cà phê quốc gia và mô hình nông thôn mới tích hợp liên hoàn" tại nhà máy cà phê Trung Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.

Một là mô thức cạnh tranh tự do, trong đó không giới hạn một đối tượng nào cung cấp, cũng như cố định thị trường tiêu thụ. Gạo sản xuất ra ở Myanmar có thể xuất khẩu cho bất cứ nước nào, không nhất thiết phải là nguồn cung cho một đối tác cụ thể. Yếu tố xác định điểm đến của mặt hàng lúc này theo quy tắc cung cầu. Trong bối cảnh chính phủ Myanmar đang hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài và đề ra nhiều biện pháp để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực cây trồng nông nghiệp, cây công nghiệp, hệ thống thủy lợi, đây có thể là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.

Cụ thể, Chính phủ Myanmar cho phép thời hạn sử dụng đất vào các mục đích kể trên là 30 năm, gia hạn ba lần, mỗi lần năm năm; miễn thuế sử dụng đất từ 2-8 năm tùy từng dự án; miễn thuế thu nhập ba năm kể từ năm tiến hành kinh doanh trên mảnh đất đã được đầu tư phát triển. Đặc biệt yếu tố tích tụ ruộng đất qua những "cánh đồng mẫu lớn" sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như thỏa thuận của NSC với phía bạn năm 2011 vừa qua đã cam kết dành 10.000ha đất để triển khai các dự án phát triển giống cây trồng và các dự án nông nghiệp khác cho dự án với Việt Nam.

Cách thứ hai, Việt Nam và Myanmar có thể thỏa thuận một hợp tác sản xuất - cung cấp gạo. Tức là một bên chủ động được đầu ra, còn một bên chủ động được nguồn cung. Có thể trong thời điểm hiện nay, một sự kết hợp như vậy là chưa cần thiết, xét trên bối cảnh khả năng sản xuất của nước ta còn mạnh, số lượng xuất khẩu còn dồi dào. Tuy nhiên, hợp tác sản xuất - cung cấp sẽ mang nhiều ý nghĩa, nếu chú ý hai yếu tố sau. Một là hệ quả của biến đổi khí hậu đến khu vực châu Á, khiến cho mỗi quốc gia phải tính đến những phương pháp dự phòng. Theo đánh giá của Chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS), khu vực Nam và Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về biến đổi khí hậu, khiến sản lượng gạo giảm đến 50% trong ba thập niên tới. Các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những nạn nhân trực tiếp. Trong khi đó, do sự ưu đãi của tự nhiên (khí hậu nhiệt đới ôn hòa, không chịu thiên tai lũ lụt mang tính định kỳ mỗi năm), có được nguồn cung lúa gạo từ Myanmar là một dự phòng chiến lược.

Ngoài ra, nếu đặt vấn đề Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu gạo trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (xét về lượng), nay phải chuyển hóa thành một quốc gia phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp lúa gạo (trong ý nghĩa nâng tầm hơn về chất và tạo thương hiệu riêng cho hạt gạo) thì "công nghệ hóa" sản xuất lúa gạo và tăng giá trị hạt gạo nước nhà là quá trình bắt buộc phải diễn ra. Khi sự phân khúc thị trường diễn ra, các chuyên gia Việt Nam cần đi tiên phong trong việc giúp phía bạn xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ. Nước ta đã đưa nhiều chuyên gia nông nghiệp sang các nước châu Phi như Benin, Mali, Mozambique, Guinée..., triển khai chương trình sản xuất lúa, chế biến tại chỗ và giúp đỡ nước bạn trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cũng như hỗ trợ phát triển nông thôn tại châu Phi như giới thiệu các giống cây trồng và vật nuôi mới. Nhiều mô hình hợp tác thành công và tạo được tiếng vang. Đây có thể là những thí dụ mẫu mà hợp tác lúa gạo Việt Nam - Myanmar cần học hỏi.

Về lâu dài, thị trường đòi hỏi phân khúc về sở hữu chất xám - công nghệ. Sản phẩm làm ra được nâng cao giá trị thêm chứ không dừng lại ở bán thô và sản phẩm không qua các công đoạn xử lý, chế biến. Tiến lên một bước trong khả năng hình thành thế mạnh thương hiệu gạo Việt, thì ngoài sức mạnh công nghệ, còn cần sức mạnh lan tỏa về sản xuất, trong đó là sự phân chia lao động giữa nhiều đối tác với nhau trong cùng một quy trình sản xuất hay là phân chia lao động để đảm nhận các phân khúc khác nhau về thị trường. Một cách hình dung đơn giản là Việt Nam tổ chức các hoạt động sản xuất gạo và phân chia các quy trình hay thành phẩm ra nhiều địa điểm "sản xuất và gia công". Điều này tương tự như hình thức các tập đoàn công nghiệp quốc tế đang tiến hành, nhập linh kiện từ nhiều nước và xây dựng dây chuyền lắp ráp tại một nước có lợi thế về các chi phí đầu vào thấp nhất. Cốt lõi trong mô hình này là vai trò của các địa điểm sản xuất đặt trong liên kết tổng thể trên mức độ toàn cầu.

Đề xuất thành lập liên minh lúa gạo giữa Việt Nam - Myanmar dưới góc nhìn trên đồng nghĩa với sự tái phân chia lao động và thị trường, trong đó Việt Nam chuyển sang tập trung vào phân khúc thị trường gạo cao cấp. Những thị trường mà Việt Nam đang chiếm lĩnh ở sản phẩm gạo trung bình và cấp thấp sẽ được chuyển lại cho các nhà sản xuất Myanmar với xác nhận quy chuẩn theo một tiêu chuẩn mà Việt Nam đã xây dựng tùy theo thị trường mà sản phẩm đó hướng tới. Việc chuyển giao không những chỉ ở khâu kỹ thuật lẫn quản lý, mà còn là cách thức tạo ra một chuẩn mực chung được bạn hàng quốc tế chấp nhận. Thế mạnh của một liên minh như vậy là một bên sẽ tiếp tục chủ động trong vai trò đầu tàu, từng bước thâm nhập vào thị trường nông sản cao cấp, một bên có sự tiếp cận tốt hơn đối với thị trường nông sản bậc trung. Bởi sự đứng chung của Việt Nam sẽ khiến gạo Myarmar được "định vị" trên thị trường thế giới - điều mà chắc chắn rằng nền sản xuất của nước bạn trong ngắn hạn (và có thể trung hạn) khó đạt được.

Là một nước có truyền thống về nghề nông, thừa hưởng các ưu đãi về tự nhiên, và đang xúc tiến quá trình cải cách kinh tế rốt ráo, Myanmar có đầy đủ tiềm năng trở thành một đối tác chiến lược của gạo Việt Nam. Câu hỏi về cách tiến hành giờ đang nằm ở phía chúng ta...

Trương Minh - Đồng Giao

 Doanh nhân Sài Gòn

Các tin tức khác

>   Việt Nam đầu tư trồng 1.000ha cao su tại Bắc Lào (25/05/2012)

>   Campuchia đẩy mạnh thu hút du khách Việt Nam (20/05/2012)

>   Kiến nghị Thủ tướng VN can thiệp dừng xây đập Xayaburi tại Lào (09/05/2012)

>   Campuchia ngừng cấp đất cho tư nhân (09/05/2012)

>   Thúc đẩy đề án phát triển thương mại Việt Nam-Lào (03/05/2012)

>   HAG: Nhà máy mía đường tại Lào khó đầu ra (27/04/2012)

>   Trà Vinh xuất khẩu lúa giống sang Campuchia (25/04/2012)

>   Liên minh lúa gạo Việt Nam – Myanmar, tại sao không? (20/04/2012)

>   Philippines dự định ký hợp đồng gạo với Campuchia (17/04/2012)

>   Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo (08/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật