Giá gas cao bất thường vì được 'thả rông' Giá gas thế giới trong một tháng trở lại đây liên tục giảm mạnh, trong khi giá bán lẻ trong nước giảm không tương xứng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên siết việc quản lý giá gas, tránh để tình trạng “thả rông” như hiện nay. Mỗi nơi một giá Từ giữa tháng 5 đến nay, giá gas CP (nhập khẩu theo hợp đồng bình thường) tiếp tục giảm khá mạnh với mức giảm 100- 120 USD/tấn. Tuy nhiên, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng nên các đơn vị đầu mối nhập khẩu gas đang tiến hành ký hợp đồng nhập khẩu giao ngay (spot), cao hơn giá CP 60 - 80 USD/tấn. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, sau thời gian tăng mạnh lên mức kỷ lục gần 500 nghìn đồng/bình gas 12kg hồi đầu năm, giá gas trong nước kể từ cuối tháng 3 trở lại đây liên tục giảm. Theo thông báo của các công ty kinh doanh trong nước, hiện giá gas của Petrolimex, Saigon Petro, Vinagas ở mức 340.000 đồng/bình 12 kg, Shell gas 350.000 đồng/bình 12 kg... Tuy nhiên, doanh nghiệp gas đang lãi khá lớn do giá trong nước mới chỉ giảm khoảng 50% so với mức giảm của giá thế giới. Chị Liêm nhà ở Trung Hòa, Hà Nội cho biết, ngày 4-6 chị mua bình gas 12 kg hiệu Petrolimex của một cửa hàng gas gần nhà thì được báo giá 360.000 đồng. Thắc mắc với nhân viên giao gas, vì sao giá gas được công bố chỉ 340.000 mà cửa hàng bán cao hơn 20.000 đồng/bình thì được giải thích cửa hàng phải trả các chi phí khác như thuê cửa hàng, nhân viên, điện nước, chi phí vận chuyển… Cũng loại gas của Petrolimex, nhưng tại Cửa hàng Gas, bếp gas và nước tinh khiết Tân Đô (số 18 Trần Cung, Cầu Giấy) giá bình 12kg là 350.000 đồng. “Đem chuyện kể với mấy chị em trong phòng thì ai cũng đều phải mua với giá như vậy cả. Gas là mặt hàng mọi người ở thành phố đều phải dùng hằng ngày nhưng hầu như chưa bao giờ tôi mua được đúng với giá công ty công bố”- Chị Liêm nói. Lãnh đạo của một doanh nghiệp gas ở miền Bắc cho biết, với mức giá thế giới giảm liên tục trong thời gian qua, giá gas bán lẻ trong nước hoàn toàn có thể giảm khoảng 40.000 đồng/bình 12kg. Còn vì sao các hãng chỉ giảm ở mức 30.000 đồng thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, do doanh nghiệp nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận. Không thể “thả rông” Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gas khi được hỏi đều từ chối bình luận về việc doanh nghiệp có mức lợi nhuận tới 30% trong kinh doanh. Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí của doanh nghiệp phụ thuộc từng thương hiệu. Doanh nghiệp nhỏ, sản lượng ít thì chi phí cao, còn doanh nghiệp lớn bán được nhiều thì chi phí sẽ thấp hơn. “Mức chiết khấu cho đại lý tùy thuộc từng doanh nghiệp và là bí quyết kinh doanh, không thể công bố được. Mức chiết khấu có thể tùy tình hình thực tế, từng thời điểm để áp dụng”- Đại diện một doanh nghiệp tại TPHCM nói. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Trung Thành, Phó phòng Kinh doanh Saigon Petro cho rằng, không thể so sánh chuyện tăng nhanh giảm chậm của giá xăng dầu với giá gas được. Giá xăng dầu hiện do Nhà nước quản lý còn giá gas do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý là Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Hiện trên thị trường có gần 100 thương hiệu gas nên cạnh tranh rất khốc liệt. Theo đại diện một doanh nghiệp, mức chiết khấu cho đại lý còn tùy thuộc vào chính sách phát triển của doanh nghiệp. Nếu muốn mở rộng thị trường, doanh nghiệp có thể tăng chiết khấu lên cao do đại lý chỉ quan tâm đến lợi nhuận. “Vấn đề quản giá gas, khó giải quyết do doanh nghiệp gas có lợi ích nhóm rất lớn. Cách đây vài năm khi nhà máy Dinh Cố của PVN đi vào hoạt động, đại diện các doanh nghiệp gas đã phải họp nhau lại kiến nghị tăng giá bán gas của Dinh Cố lên cao bằng giá gas nhập khẩu, vì nếu bán thấp hơn thì các doanh nghiệp không thể cạnh tranh được”- Ông nói Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay theo quy định của Nghị định 107 về kinh doanh gas, việc quản lý Nhà nước về giá gas có đặc thù khác so với giá xăng dầu. Giá gas trong thời gian qua đã được điều chỉnh giảm thêm 30.000 đồng/bình 12 kg, nhưng mức giảm này vẫn chưa phù hợp với xu hướng đi xuống của thế giới. Vì vậy, sắp tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ giá gas thế giới và đề xuất của doanh nghiệp để đề nghị doanh nghiệp tiếp tục hạ giá bán lẻ gas trong nước, do đây là mặt hàng doanh nghiệp phải đăng ký, kê khai giá với Bộ Tài chính. Theo một chuyên gia, giá gas khác với giá xăng dầu là các doanh nghiệp chỉ phải đăng ký, tự kê khai giá và trình cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, không phải vì như vậy mà doanh nghiệp có thể tự tung tự tác. “Nếu chiếu theo Điều 54 của Nghị định 107 của Chính phủ, giá bán gas áp dụng theo cơ chế giá thị trường có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Tài chính có thể áp dụng biện pháp bình ổn giá nếu thấy cần thiết. Hằng năm, Bộ Tài chính đều có đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas nhưng rồi kết quả thế nào không ai biết. Nếu quản chặt, không thả rông thì giá gas sẽ không thể tăng nhanh, giảm chậm như câu chuyện giá xăng dầu được”- Ông Chiến nói. Trong 3 tháng đầu năm 2012, giá gas tăng 4 lần với mức tăng tổng cộng 126.000 đồng/bình 12 kg và giảm 4 lần tổng cộng 83.000 đồng/bình 12 kg. Trong năm 2011, giá gas bán lẻ điều chỉnh tăng 10 lần, giảm 7 lần. Giá gas tăng mạnh nhất vào đầu tháng 5 (tăng 30.000 đồng/bình 12 kg) và giảm nhiều nhất vào đầu tháng 6 (từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/bình 12 kg). Giá gas bán lẻ vào cuối tháng 12-2011 phổ biến quanh mức 350.000 – 360.000 đồng/bình 12 kg tùy từng hãng. Phạm Tuyên tiền phong
|