Đưa hối lộ trá hình bằng... chuyến du lịch nước ngoài “Lâu nay, những người hối lộ không đưa trực tiếp cho lãnh đạo mà phải đi đường “tiểu ngạch” thông qua người thân như tặng con sếp một suất học bổng ở nước ngoài hoặc tặng vợ sếp một chuyến đi du lịch quốc tế" Đó là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 7/6. Thưa ông, hiện nay nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo đã được xử lý, nhưng người dân vẫn chưa hài lòng gây nên tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp và đặc biệt là lĩnh vực đất đai thì có từ 70-80% tổng số khiếu kiện. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Vấn đề đất đai rất phức tạp, trước hết phải nắm đúng luật đất đai. Thứ hai là nắm đúng luật xử lý các vi phạm hành chính, các luật khác liên quan đến đất đai, liên quan đến tài sản. Nhiều người ở cấp địa phương được giao cho nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương thường không nắm được pháp luật, cũng có thể nắm được pháp luật, nhưng cố tình vi phạm pháp luật. Cố tình “bẻ cong” để kiếm những lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một nhóm. Như những vụ thu đất của dân, nhưng không phải để thực hiện những công việc như An ninh-Quốc phòng hay An sinh- Xã hội mà là cấp cho một nhóm lợi ích khác. Chắc chắn những lần cấp như thế thì phải có phong bì “bôi trơn” hoặc “cảm ơn” và đó chính là nguyên nhân gây khiếu kiện. Nhưng cũng không loại trừ những trường hợp mà chính quyền địa phương đã xử lý đúng nhưng người dân vẫn không thoả mãn. Vì người ta muốn đền bù theo giá thị trường, nhưng hiện nay giá đền bù thường do HĐND cấp tỉnh quy định vào cuối năm để áp dụng cho năm sau, thấp hơn giá thị trường, còn người dân thì căn cứ vào giá thị trường để yêu cầu. Đây là yêu cầu chính đáng, vì tấc đất tấc vàng, là thứ mà người ta tích cóp từ bao đời. Do vậy, xử lý phải đúng luật những vẫn phải có lý có tình. Ông nhận định như thế nào về hiện tượng rất nhiều dự án thu hồi đất để làm kinh tế, trong khi thực ra chỉ được phép thu hồi khi làm những dự án Quốc phòng - An ninh? Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đang kiến nghị đưa vào Luật đất đai sửa đổi lần này theo hướng thu hồi đất của dân là phải hết sức thận trọng, chỉ trừ những vấn đề Quốc phòng-An ninh, những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống xã hội, đảm bảo chung cho cộng đồng chứ không phải thu hồi của một cá nhân này để cấp cho một cá nhân khác. Thời gian cấp đất cho dân cũng phải dài hơn chứ không chỉ 20 năm như hiện nay để người dân yên tâm làm ăn trên đất của họ. Hôm nay khi phát biểu của tại hội trường, ông có nói về chuyện hối lộ qua “quý cô, quý cậu”. Xin ông có thể nói rõ hơn về chuyện này? Lâu nay, cán bộ công chức, nhất là những người có chức có quyền, có điều kiện, thì những người hối lộ không đưa trực tiếp cho những người ấy, mà phải đi đường “tiểu ngạch” thông qua người thân như tặng cháu một suất học bổng ở nước ngoài, tặng chị một chuyến đi du lịch quốc tế. Thực chất đó là hối lộ trá hình bằng những từ “mỹ miều” như tặng, kỷ niệm nhưng vật chất lớn hơn mức bình thường, lớn hơn mức cho tặng. Tôi ủng hộ ý kiến không chỉ những người có chức có quyền mà phải để ý đến cả tài sản của con cái những người có chức có quyền. Xuân Hải infonet
|