Đông Nam Á chuẩn bị đón “bão nợ” châu Âu Báo Diplomat đã đề nghị các giải pháp ngắn hạn cho Đông Nam Á, bất chấp kịch bản nào sẽ xảy ra ở châu Âu sau khi Hy Lạp có kết quả bầu cử chính thức. Thế giới lo ngại việc Athens “xuất cảnh” sẽ gây hiệu ứng domino trong khối đồng euro và làm náo loạn kinh tế toàn cầu. Một linh mục bỏ phiếu bầu tại một trường trung học ở Athens. Kết quả bầu cử sẽ quyết định việc Hy Lạp tiếp tục ở lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hay buộc phải ra đi. Hy Lạp rời khỏi khối euro không chỉ làm suy giảm xuất khẩu và GDP, mà sẽ gây những hậu quả nhất định đối với các dòng tài chính ở Đông Nam Á. | Hy Lạp rời khỏi khối euro không chỉ làm suy giảm xuất khẩu và GDP, mà sẽ gây những hậu quả nhất định đối với nền kinh tế ở Đông Nam Á. Do đó, khu vực này cần phải xây dựng “hệ thống giảm sốc”, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh quốc tế và khởi động các cơ chế dự phòng để có thể đối phó kịp thời nếu khủng hoảng bùng nổ. Hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đều khá linh hoạt với các biến động dòng vốn nhờ chính sách thận trọng trong suốt một thập kỷ qua. Khi dòng vốn biến động sẽ ít nhiều gây áp lên lực tỷ giá, lãi suất và tỷ lệ lạm phát. Tình hình này đòi hỏi các ngân hàng trung ương cần xử lý khéo léo để duy trì ổn định. Các chuyên gia kinh tế lo ngại, sự chuyển dịch dòng vốn gián tiếp có thể gây bất ổn cho Indonesia khi người không cư trú hiện đang nắm giữ một tỷ lệ tương đối lớn cổ phiếu giao dịch và nợ ngắn hạn nước này. Họ có thể bán tháo khi xuất hiện dấu hiệu bất ổn nhỏ nhất. Nếu điều này xảy ra, đồng rupiah của Indonesia sẽ biến động nhiều. Các nền kinh tế có thể tiếp nhận những cú sốc suy giảm đột ngột nếu có chính sách tài khoá nghịch chu kỳ. Ngân hàng Trung ương Indonesia được coi là có dư địa lớn để vận hành các chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhờ nợ công thấp, thâm hụt ngân sách nhỏ và dự trữ nước ngoài lớn. Ngược lại, Malaysia do không thắt chặt ngân sách nên dễ bị tổn thương hơn so với các nước láng giềng khác, nếu suy giảm đột ngột ở châu Âu diễn ra. Malaysia và Indonesia sẽ giảm trợ cấp nhiên liệu và sử dụng các khoản tiết kiệm bù vào thâm hụt ngân sách hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển giáo dục. Tương tự, Thái Lan cần ngăn chặn chảy máu quỹ công cộng thông qua chính sách lúa mới và áp dụng các khoản tiết kiệm vào các chương trình ưu tiên, thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế. Các nền kinh tế Đông Nam Á nên thử nghiệm hiệu quả cơ chế dự phòng trong trường hợp châu Âu thất bại. Đó là sáng kiến Chiang Mai, kích hoạt thoả thuận hoán đổi giữa hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là cơ chế trao đổi đồng tiền đa phương với sự tham gia của toàn thể thành viên ASEAN và ba nước Trung – Nhật – Hàn, nhằm tháo gỡ khó khăn thanh toán và thanh khoản ngắn hạn cho các thành viên. Mỗi quốc gia tham gia sẽ thực hiện hoán đổi đồng tiền của mình với USD, theo mức tối đa tương đương với mức cam kết đóng góp của quốc gia nhân với hệ số được áp dụng cho nước đó. Cơ chế này cam kết huy động 120 tỉ USD, trong đó vốn đóng góp của Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt chiếm 32%, ASEAN 20% và Hàn Quốc 16%. Đông Nam Á cũng cần hướng đến các thoả thuận trao đổi song phương khác, như với cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Đây là cơ chế đã chứng minh được tính hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây. Và khu vực cũng nên dẹp bỏ ác cảm với quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để triển khai các đường dây tín dụng phòng ngừa, có thể sử dụng như một giải pháp bảo đảm cuối cùng chống lại tình trạng thiếu thanh khoản, trong trường hợp tất cả các thoả thuận khác đều thất bại. Trong khi đó, theo kế hoạch thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đang hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết chặt chẽ hơn thúc đẩy tiêu dùng và thị trường lao động 600 triệu người trên khắp mười quốc gia. Hôm thứ tư 13.6, giám đốc điều hành Bursa Malaysia Tajuddin Atan cho rằng việc tạo ra một Asean Trading Link, kênh giao dịch chứng khoán điện tử giữa Malaysia, Singapore và Thái Lan sẽ đóng góp 70% tổng vốn hoá thị trường Đông Nam Á, khoảng 2.000 tỉ USD. Thế nhưng trước mô hình châu Âu có nguy cơ thất bại, các quan chức cho rằng họ không nên quá tham vọng và đẩy mạnh các ý tưởng như sáp nhập thị trường chứng khoán hoặc phát triển một đồng tiền chung, hiện đang gây rắc rối ở châu Âu. Tuyết Hạnh (WSJ, Diplomat) sài gòn tiếp thị
|