Doanh nghiệp sốt ruột với nợ cũ
Thông tin lãi suất giảm mạnh liên tiếp được đưa ra đã khiến các doanh nghiệp (DN) nóng lòng muốn tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp. Tuy nhiên, để có vốn giá rẻ vào thời điểm này không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với DN đang vướng những khoản nợ ngân hàng cũ.
Vướng nợ cũ
Ôm những khoản nợ vay với lãi suất lên tới 17-18%, thậm chí tới 20%, nhiều doanh nghiệp đang ngồi trên đứng ngồi không yên khi thấy lãi suất ngân hàng đang giảm mạnh, về 13-14%. Chỉ cần huy động tiền trong vài ba ngày rồi chuyển sang món nợ mới, DN sẽ tiết kiệm được chi phí vay rất nhiều. Tuy nhiên, điều này dường như không hề đơn giản đối với nhiều đơn vị trong những tháng ngày này.
"Xoay tiền thời điểm này khó quá. Lãi suất ngân hàng giảm mạnh mà không dễ tiếp cận được. Có tài sản đảm bảo nhưng buộc phải trả nợ cũ thì mới vay được khoản mới giá rẻ. Chênh lệch có khi lên tới 4 -5%/năm do vậy DN phải tìm mọi cách để tất toán món nợ cũ", ông Hùng, giám đốc một công ty buôn bán phụ tùng ô tô tại khu vực Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.
"Khoản nợ trước không nhiều, chỉ vài tỷ nhưng do hàng hóa tồn đọng chất đống, không bán được nên để có thể trả nợ cũ, chúng tôi buộc phải đi vay nóng, mà vay cả chục người họ hàng, bạn bè thân quen mới đủ. Trường hợp tôi còn may mắn, chứ trong 10 DN bạn bè thì có tới 6 - 7 người không vay được để trả nợ cũ cho ngân hàng do đó vẫn phải chấp nhận lãi suất cao".
Theo ông Hùng, khoản ông vay mới từ Ngân hàng Phương Nam (cách đây 2 tuần) chưa phải là khoản rẻ nhất do thời điểm vay chưa áp dụng trần lãi suất huy động 9% nhưng lãi suất đã thực sự thấp hơn nhiều so với khoản vay cũ. Chênh lệch cũng đã được 4 - 5%/năm. Nó giúp cho DN ông tiết kiệm được phần nào chi phí trong bối cảnh tình hình bán hàng trong những tháng đầu năm 2012 chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2011 và chỉ bằng khoảng 30% so với 2010.
Kém may mắn hơn, những người bạn của ông Hùng không thể đáo nợ ngân hàng do khoản vay lớn hơn và khả năng huy động vốn nóng thấp.
Trường hợp buôn bán phân bón và hàng nông sản như bà Nguyễn Hoàng Quyên (Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) cũng không có gì sáng sủa khi mà bà vẫn phải chấp nhận lãi suất cao do không thanh toán được nợ cũ.
"Khoảng hơn 5 tỷ đồng của doanh nghiệp đang bị khóa chặt vì nông sản đang tồn kho, hàng chưa bán được. Vốn lưu động gần như cạn nhưng đến gõ cửa ngân hàng vay thêm thì họ bảo nợ cũ còn nhiều không thể tiếp tục cho vay", bà Quyên cho biết.
Tình hình kinh doanh phân bón và hàng nông sản cũng giống như bao loại hàng hóa khác. Nhiều mặt hàng lúa, bắp, mì mua vào không xuất được vì giá thị trường biến động giảm, buộc phải trữ chờ giá lên.
Chia sẻ trong Chương trình Café doanh nhân mới đây, ông Nguyên Tiến Đức, giám đốc 2 công ty trách nhiệm hữu hạn và 1 công ty cổ phần tại Hà Nội cho biết, DN của ông quản trị rủi ro khá tốt và hiện đang được vay với suất khá thấp là 13%. Hiện tại doanh nghiệp ông đang vay Agribank và ANZ. Tuy nhiên, mức lãi suất quá cao trong gần 2 năm vừa qua đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bước đường cùng.
"Trong 2 năm vừa qua, DN gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao. Hiện tại, DN vẫn đang gồng mình lên trả lãi ngân hàng để tránh không phải vào tù. Vay mới tất nhiên là rất khó khăn".
DN sắp chết, lấy gì ra để đảo nợ
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT, Ngân hàng An Bình chia sẻ: "3 năm trước đây, tôi về Việt Nam, tôi không thể tưởng tượng được có thể lãi suất cao đến như vậy, trên 20%. Tỷ lệ sinh lời sau khi chi phí thì DN phải đạt 40% lợi nhuận. Bao nhiêu DN có thể đạt được mức như vậy?. Thật sự lãi suất cao đã đẩy DN vào khó khăn".
Trên thực tế, những DN có thể vay được mức lãi suất thấp 13% như DN hay như 13,5% như của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư U&I là rất ít. Đây là những DN lớn, có khả năng trả nợ cũ và vay được khoản vốn mới. Trong khi đó, thực tế đa phần các DNNVV chưa tiếp cận được với các khoản vay giá rẻ gần đây.
Giám đốc 1 ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dù lãi suất đã hạ, các ngân hàng đang dư nguồn cho vay nhưng rất ít DN được vay. Đặc biệt các DN yếu tài chính lại khó vay hơn và có nguy cơ phải phá sản. Nguyên nhân chủ yếu là các DN trước đó đã vay và nợ cũ vẫn chưa được giải quyết. Lãi suất đi xuống, ai cũng sốt ruột muốn tiếp cận lãi suất vay giảm. Tuy nhiên, ngân hàng cũng phải căn cứ trên hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng là điều chỉnh lãi suất 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, các hợp đồng đồng tín dụng trước đây điều chỉnh lãi suất từng kỳ theo 4, 6 tháng có khi là một năm. Do vậy, vẫn còn nhiều DN chịu lãi suất cao. Ông Hiếu cũng bật mí cho biết, hiện tại nhiều hợp đồng tín dụng không đưa ra thời gian điều chỉnh lãi suất như trước, mà sẽ điều chỉnh theo thông báo. Vì vậy, lãi suất dù đã hạ sát đáy, DN rất nóng ruột để tiếp cận các khoản vay nhưng vẫn vẫn vướng phải "hàng rào" nợ cũ.
Trên thực tế, cả ngân hàng lẫn DN đều đang "vướng" vào nhau trong vòng luẩn quẩn: thị trường yếu kém, hàng tồn kho gia tăng, DN không thể trả được nợ để vay tiếp. Còn ngân hàng dù muốn giải ngân nhưng lại e ngại khoản nợ cũ và thực lực doanh nghiệp yếu kém.
Hơn thế, rất nhiều DN đang trong vòng xoáy thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không trả được lãi vay, không trả được lương nhân viên, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản. Do vậy, việc chuyển sang khoản vay mới gần như là không thể. Việc DN không trả được nợ cũ một phần rất lớn là do phát triển quá nhanh. DN đã vay nợ vượt quá xa so với sức khỏe của mình. Nhiều DN thậm chí còn dùng tiền đầu tư vào bất động sản. Với khoản nợ quá tầm so với năng lực tài chính của mình thì khi mà kinh tế nói chung gặp khó khăn thì việc trả nợ rõ ràng gặp khó khăn.
Ông Đậu Thanh Tùng, Giám đốc CTCP Nguồn nhân lực Đông cho rằng, trong vài năm trước đây nhiều DN đã mải mê quá với việc đẩy công ty phát triển nhanh mà quên mất vấn đề quản trị rủi ro doanh nghiệp.
Mới đây, để giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và UBND TPHCM đã thống nhất sẽ cố gắng giải ngân trong tháng 6 này khoảng 30.000 tỉ đồng, và giao cho Sở Công Thương thống kê danh sách từ các hiệp hội ngành nghề và hiệp hội doanh nghiệp thành phố để xem xét cung ứng vốn.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, việc xúc tiến hỗ trợ DN là điều đương nhiên nhưng làm cách nào đi chăng nữa thì cuối cùng DN và ngân hàng sẽ làm việc trực tiếp. Như vậy việc dễ dàng tiếp cận vốn hay không vẫn là chuyện giải quyết, đàm phán giữa hai chủ thể này. Một khi ngân hàng đã cẩn trọng thì DN vẫn phải chờ.
Ông Hưng còn cho rằng hiện tại các ngân hàng đều có gói hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế không giải ngân bao nhiêu nên ông thực sự chưa tin lắm vào khả năng doanh nghịêp vay được vốn. Thực tế hiện nay số lượng doanh nghiệp đăng ký với Hiệp hội mới chỉ là hơn 20 doanh nghiệp, tổng số tiền cần vay cũng khoảng 250 tỷ đồng.
Mặt khác một số doanh nghiệp đủ điều kiện để vay nhưng trong thời gian vừa qua sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ quá hạn ngân hàng nên bây giờ muốn vay ngân hàng cũng không dám giải ngân... Ở một góc độ khác, do chưa hết quý II nên nhiều DN vẫn chưa quyết toán, vì vậy chưa có nguồn để trả nợ cũ, vay lại khoản mới.
Nam Phong - Mạnh Hà
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|