Thứ Tư, 13/06/2012 06:57

CII: Làm rõ những sai phạm tại dự án BOO nước Ðồng Tâm

Từ những bức xúc của cán bộ và nhân dân về những sai phạm, khuất tất của dự án BOO nước Ðồng Tâm trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy và tuyến ống, gây lãng phí ngân sách nhà nước, chậm vận hành hệ thống nước phục vụ nhu cầu bức thiết trong sinh hoạt, sản xuất của người dân các huyện phía đông của tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang đã tiến hành thanh tra và bước đầu đã làm rõ những sai phạm...

Ðể giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân các huyện phía đông của tỉnh (Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Ðông, thị xã Gò Công) hằng năm vào mùa khô bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; đồng thời nhằm để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, cảng, thương mại dịch vụ khu vực này. Năm 2007, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương về việc lập dự án xây dựng, mở rộng và nâng cao năng lực hệ thống cấp nước khu vực Gò Công đến năm 2020, công suất 170 nghìn m3 /ngày, đêm. Theo đó, ngày 14-2-2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định việc đầu tư xây dựng công trình Mở rộng và nâng cao năng lực hệ  thống  cấp  nước  khu  vực  Gò  Công, theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành (Dự án 170 nghìn m3 /ngày, đêm). Thế nhưng, UBND tỉnh Tiền Giang bất chấp ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, không triển khai dự án này mà kêu gọi đầu tư để thành lập dự án BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành). Sau đó, Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm được thành lập, với tổng vốn điều lệ 375 tỷ đồng do nhiều cổ đông đóng góp, trong đó Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) góp hơn 52% tổng vốn.

Dự án Nhà máy cấp nước BOO Ðồng Tâm có tổng số vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2007 đến năm 2010, vốn đầu tư 1.238 tỷ đồng, xây dựng nhà máy cấp nước công suất 50 nghìn m3 /ngày, đêm. Giai đoạn hai thi công từ năm 2012 với vốn đầu tư 174 tỷ đồng, chủ yếu hoàn thiện dự án để nâng công suất cung cấp nước lên đến 90 nghìn m3 /ngày, đêm. Ðể tiếp nhận nguồn nước sạch của Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm cung cấp đến người tiêu dùng, ngày 21-6-2009, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao) số 09/BB-HÐ-UBND với Công ty TNHH Great Lead International Limited thuộc Tập đoàn Golden Resources Hongkong xây dựng tuyến đường ống cấp 2, cấp 3 đấu nối với tuyến ống chính của Nhà máy nước BOO Ðồng Tâm, với tổng vốn đầu tư 338 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh là 10 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án này sẽ hoàn thành trong vòng 12 tháng (từ tháng 1-2010 đến tháng 1-2011), giai đoạn hai tiếp tục thi công trong năm 2012 và sẽ chuyển giao cho tỉnh khi dự án hoàn tất. Ðơn vị được UBND tỉnh giao tiếp nhận nguồn nước sạch của Công ty cổ phần BOO Ðồng Tâm và dự án tuyến ống cấp 2, cấp 3 là Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Tiền Giang. Tháng 11-2007, dù dự án cung cấp nước sạch mới khởi động nhưng UBND tỉnh Tiền Giang đã ký hợp đồng số 41/BB-HÐ-UBND mua toàn bộ nước sạch của Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm, với công suất 50  nghìn m3 /ngày, đêm trong năm thứ nhất và từ năm thứ sáu trở đi là 90  nghìn m3 /ngày, đêm. Giá mua nước sạch của UBND tỉnh Tiền Giang được ghi cụ thể: hai năm đầu giá 6.000 đồng/m3 , sau đó tăng dần hai năm một lần và đến năm thứ 20 là 9.308 đồng/m3 . Ðến tháng 9-2008, UBND tỉnh Tiền Giang ký tiếp phụ kiện hợp đồng số 29/BB-HÐ-UBND điều chỉnh tăng giá mua nước từ Công ty cổ phần BOO Ðồng Tâm, cụ thể giá mua nước sạch trong hai năm đầu tăng lên 8.000 đồng/m3  và đến năm thứ 20 là 16.761 đồng/m3 .

Sau ba năm thi công, tháng đầu năm 2010, Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm thông báo với UBND tỉnh Tiền Giang sẽ cung cấp nước theo hợp đồng vào tháng 7-2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuối tháng 6-2010, dự án tuyến ống cấp 2, cấp 3 vẫn nằm trên giấy vì đến cuối năm 2010 mới có thể triển khai; các dự án khu, cụm công nghiệp vùng Gò Công vẫn án binh bất động, trong khi Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Tiền Giang chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 25 nghìn m3  nước /ngày, đêm từ Công ty cổ phần BOO Ðồng Tâm và cần thêm 3,9 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đấu nối đường ống từ hệ thống của Công ty cổ phần BOO Ðồng Tâm. Do vậy, Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm đã đưa ra nhiều phương án bán nước sạch cho tỉnh Tiền Giang với giá từ 12.700 đồng/m3  đến 20.500 đồng/m3  cho năm đầu tiên và công ty sẽ tạm dừng đầu tư giai đoạn hai của dự án. Nếu tỉnh Tiền Giang tiếp nhận đủ 50 nghìn m3 /ngày đêm theo hợp đồng, Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm sẽ cung cấp nước với giá sỉ từ 8.000 đồng/m3  đến 10.600 đồng/m3  trong năm đầu tiên và tăng 8,5% trong hai năm tiếp theo.

Với các phương án nêu trên, trong 20 năm thực hiện dự án, UBND tỉnh Tiền Giang phải xuất ngân sách cấp bù chênh lệch giữa phần thu tiền sử dụng nước trong dân và tiền phải trả cho Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm từ năm nghìn đến sáu nghìn tỷ đồng. Về vấn đề này, theo kết luận thanh tra về việc UBND tỉnh ký hợp đồng số 41/ BB- HÐ- UBND với Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm thì hình thức đầu tư BOO không có trong Luật Ðầu tư, nhưng lại không xin phép Thủ tướng Chính phủ. Giá nước quá cao trái với quy định của Bộ Tài chính, nếu thực hiện thì người dân khó chấp nhận. Nếu cung cấp đến người tiêu dùng với giá quy định của UBND tỉnh thì ngân sách bù lỗ bình quân mỗi năm là 350 tỷ đồng, bình quân 29 tỷ đồng/tháng (gần một tỷ đồng/ngày).

Mặt khác, trong quá trình thanh tra tại Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm, kiểm tra tài liệu có liên quan và kết quả làm việc với cá nhân, lãnh đạo công ty, các cá nhân đơn vị có liên quan cấp tỉnh, còn cho thấy quá trình mời gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy và hệ thống chuyển tải nước sạch về các huyện phía đông và việc thành lập Công ty cổ phần BOO nước Ðồng Tâm, thực hiện việc mua sắm vật tư, thiết bị thi công xây dựng nhà máy và tuyến ống chuyển tải nước về Gò Công có nhiều nội dung chưa phù hợp với quy định hiện hành. Ðó là, việc so sánh sự chênh lệch, hiệu quả của dự án 170 nghìn m3 /ngày, đêm, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý mà tỉnh Tiền Giang không thực hiện với dự án BOO đã gây nên những bất lợi cho tỉnh như: Về vốn đầu tư: dự án 170 nghìn m3 / ngày, đêm có vốn đầu tư (890 tỷ đồng), thấp hơn dự án BOO (1.412 tỷ đồng). Dự án 170 nghìn m3 /ngày, đêm có hai hệ thống tuyến ống song song (trong đó, một tuyến ống dự phòng), dự án BOO chỉ có một tuyến ống (không có tuyến dự phòng). Chiều dài tuyến ống: dự án 170 nghìn m3 /ngày, đêm có chiều dài 130 km (nước đến người tiêu dùng), dự án BOO chiều dài tuyến ống là 44 km (nước chưa đến người tiêu dùng). Ngoài ra, Dự án Xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) Nhà máy cấp nước BOO Ðồng Tâm và hệ thống chuyển tải, tỉnh Tiền Giang có công suất 90 nghìn m3 /ngày được đầu tư và xây dựng không tuân thủ theo những quy định của Luật Ðầu tư, Luật Ðấu thầu và Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật nêu trên về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, về đấu thầu, về thi công, về nghiệm thu, quyết toán đã làm chênh lệch giá trị đầu tư thực tế so với quyết toán lên đến gần 170 tỷ đồng.

Những khuất tất, bất cập, sai phạm của dự án BOO nước Ðồng Tâm bước đầu đã được thanh tra làm rõ. UBND tỉnh cũng đã quyết định chuyển Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ những chênh lệch giữa giá trị đầu tư thực và giá trị quyết toán. Ðồng thời, xử lý, kiểm điểm trách nhiệm những tập thể và cá nhân có liên quan. Theo đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán với Công ty cổ phần BOO để mua lại cổ phần của các nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh và tiếp tục duy trì việc tiếp nhận 20 nghìn m3  nước/ngày, đêm của Công ty cổ phần BOO thời gian qua.

TẤN VŨ

NHÂN DÂN

Các tin tức khác

>   NVT: Cầm cố vốn góp tại Hai Dung và Danh Việt cho Techcombank (12/06/2012)

>   DCS: Cổ tức năm 2011 chỉ có 2.3% (12/06/2012)

>   CII: Chuyển nhượng cổ phần Nước Đồng Tâm bị kéo dài do sai lệch quyết toán   (12/06/2012)

>   HSG: 8 tháng lãi ròng 250.8 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm (12/06/2012)

>   VIS: Thành lập Chi nhánh tại Hải Phòng (12/06/2012)

>   MKV dự kiến lãi trước thuế 622 triệu đồng trong 5 tháng (12/06/2012)

>   SJS: Chưa nhận được quyết định dừng tổ chức Đại hội  (12/06/2012)

>   CIENCO510: Trả 12% cổ tức bằng cổ phiếu năm 2011 (12/06/2012)

>   VCS: Có thể chuyển niêm yết sang HOSE (12/06/2012)

>   MPC: Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 144 triệu USD (12/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật