Thứ Sáu, 29/06/2012 21:17

Chứng khoán Tuần 25 - 29/06: Nhỏ lẻ e dè, Tự doanh mua mạnh

Giao dịch mua ròng của khối tự doanh CTCK tăng đột biến vào ngày 27/06, trước thời điểm thị trường bắt đầu tăng trở lại, và tập trung vào cổ phiếu thị giá lớn. Large Cap cũng là nhóm giảm ít nhất thị trường trong tuần qua.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 25 - 29.06.2012

Giao dịch: Tính tổng cộng cả tuần, VN-Index tiếp tục giảm 1.12% và đang ở mức 422.37 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh 3.06% xuống 71.07 điểm. VS 100 giảm 1.13% đang ở 68.93 điểm và VN 30 giảm 0.52% đứng tại 497.73 điểm.

VS-Micro Cap giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 4.17%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 4.09%, VS-Mid Cap giảm 2.58%. VS-Large Cap lại giảm ít thị trường với mức 0.84%.

Thanh khoản trên hai sàn diễn biến trái ngược khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE tiếp tục giảm thêm 7.2% so với tuần trước đó; trong khi giao dịch trên HNX diễn ra khả quan hơn với tổng khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 6.6%. Tuy nhiên, có một điểm chung đáng chú ý là khối lượng khớp lệnh dần sụt giảm về các phiên giao dịch cuối tuần.

Giao dịch thoả thuận ở STB tăng đột biến trong phiên giao dịch cuối tuần với 18.3 triệu cổ phiếu được trao tay tương ứng với 387 tỷ đồng. 


Giao dịch trên thị trường khá u ám trong các phiên giao dịch đầu tuần, khi (1) Giới đầu tư phản ứng không mấy tích cực với thông tin CPI tháng 6 tăng trưởng âm và lo ngại về rủi ro nền kinh tế rơi vào giảm phát, (2) Diễn biến xấu đi của chứng khoán thế giới cũng có tác động không nhỏ.

Áp lực bán gia tăng ở hầu hết các mã cổ phiếu nhưng tập trung mạnh nhất vào nhóm các cổ phiếu đầu cơ như Chứng khoán và Khai khoáng. Ngoài ra, một số mã riêng lẻ ”đình đám” khác như SCR, PVX, VND, SSI, STB... cũng bị bán mạnh đã dễ dàng kéo lùi tâm lý và chỉ số.

Mặc dù chỉ số giảm điểm mạnh và liên tục nhưng bên mua ngày càng tỏ ra khá thờ ơ với hoạt động bắt đáy. Điều này càng khiến bên bán nóng ruột và xả hàng mạnh ngay ở các mức giá thấp.

Trong những phiên này, các trụ đỡ từ nhóm Large Cap (VIC, MSN, VNM...) vẫn thay nhau hoạt động tích cực, nhưng cũng  không thể giúp thị trường trụ vững trước tâm lý hoang mang lan rộng.

Thị trường đã giao dịch tích cực hơn khi sắc xanh trở lại trong hai phiên cuối tuần, chủ yếu nhờ:

(1) Hoạt động bắt đáy gia tăng, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào các mã đầu cơ như Khai khoáng.

(2) Thông tin bên lề như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp hay giảm lãi suất. Thông tin chính thức từ NHNN vào cuối tuần là kể từ 1/7 giảm 1% các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, xuống lần lượt còn 10%, 8% và 11%.

Mặc dù thị trường tăng điểm trở lại khá tốt trong hai phiên giao dịch cuối tuần nhưng sự hưởng ứng của bên mua vẫn là khá thấp. Thanh khoản không có sự cải thiện mà thậm chí còn yếu đi rất nhiều trong phiên giao dịch cuối tuần. Việc HNX-Index giảm điểm trong phiên này cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn chưa thực sự rũ bỏ được sự thận trọng.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại duy trì lực mua vào nhưng sự thận trọng vẫn tiếp tục đeo bám, khi giá trị mua ròng các phiên trong tuần là không đáng kể và chỉ tập trung vào một vài mã. Giao dịch diễn ra chủ yếu vào phiên đầu tuần và phiên cuối tuần nên mức độ tác động đến thị trường không thực sự mạnh mẽ.

Tính tổng cộng, giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 101.8 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất REE với 43.4 tỷ đồng, GAS với gần 31.6 tỷ đồng và EIB với 20.7 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất VIC với hơn 67.8 tỷ đồng, tiếp theo là STB với 36.5 tỷ đồng và BVH với 8.8 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên HNX với 16.7 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất DBC với 13.1 tỷ đồng và PVS với 8.8; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 7.1 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Tổng cộng trong tuần đến hết ngày 28/06, mảng tự doanh của các CTCK đã mua ròng khá mạnh với tổng khối lượng mua ròng là 5.2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 71 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giao dịch mua ròng tăng đột biến vào ngày 27/06 (trước ngày 28/06 là thời điểm thị trường bắt đầu tăng trở lại); với lượng mua ròng đạt 2.56 triệu đơn vị và giá trị mua ròng hơn 102 tỷ đồng.

Giá trung bình của cổ phiếu mua vào trong phiên này đạt gần 39,000 đồng/cp. Như vậy, rất có thể các cổ phiếu được mua thuộc nhóm Large Cap; và đây cũng là nhóm giảm điểm nhẹ nhất trong tuần qua.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm hoàn toàn chiếm ưu thế với 23/24 ngành. Trong đó, Bảo hiểm giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 8.34% do ảnh hưởng từ BVH. Tiếp theo là Thiết bị điện tử - Viễn thông giảm mạnh 7.36%, SX Vật liệu xây dựng giảm 6.36%. Các ngành nóng như Chứng khoán, Xây dựng, Khai khoáng, Bất động sản đều giảm mạnh lần lượt 6.26%, 3.95%, 2.5% và 1.87%. Cổ phiếu Ngân hàng giảm ít nhất với mức giảm 0.69%.

Trong khi đó, Dược phẩm là ngành duy nhất tăng điểm với mức tăng khiêm tốn 1.28%. Đây cũng là ngành giảm ít nhất trong thời gian vừa qua.

Giảm điểm: Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua trên HOSE gồm có: SBS giảm 20.41%, PTC giảm 13.64%, IDI giảm 13.46%,; trên HNX không có cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý.

SBS giảm mạnh 20.41% vì những lo lắng trong giới đầu tư về thực trạng tài chính của SBS khi hoạt động kinh doanh trong thời gian qua thua lỗ lớn. Hiện SBS đang phải tiến hành kiểm toán đặc biệt nhằm đánh giá toàn bộ thực trạng tài chính, và theo lời của Chủ tịch HĐQT, không loại trừ khả năng sẽ hủy niêm yết cổ phiếu.

PTC giảm 13.64% trong tuần qua. Ngoài việc bị ảnh hưởng từ việc tháo chạy của dòng tiền đầu cơ trong thì việc PTC giảm mạnh cũng có thể do những lo ngại về hoạt động kinh doanh và PTC cũng đang trong quá trình tái cấu trúc.

Gần đây, PTC đã phải chào bán tài sản Khu Ngọc Liệp - Quốc Oai - Hà Nội nhằm cơ cấu lại hoạt động kinh doanh với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 77 tỷ đồng.

IDI giảm 13.46% trong tuần qua, có thể do ảnh hưởng từ xu hướng giao dịch của thị trường khi hoạt động kinh doanh của IDI không có thông tin mới trong tuần qua.

Kết thúc quý 1/2012, doanh thu của IDI đạt 254 tỷ đồng tăng mạnh 33.6% so với cùng kỳ nhưng do phải giảm giá bán, lợi nhuận tài chính giảm do tỷ giá đã khiến cho lợi nhuận sau thuế của IDI giảm mạnh từ 24.6 tỷ đồng xuống còn 5.6 tỷ đồng.

Tăng điểm: Chỉ duy nhất GIL tăng 13.03% là nổi bật nhất trong tuần qua. Đà tăng có thể xuất phát từ việc GIL đăng ký bán hết 1.25 triệu cổ phiếu quỹ của mình với giá bán không thấp hơn 30,000 đồng; trong khi giá trung bình mua vào của GIL chỉ ở mức 24,100 đồng. Như vậy, với việc bán ra cổ phiếu quỹ này, GIL sẽ lời ít nhất 7.4 tỷ đồng và sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận quý 2.

Kết thúc quý 1/2012, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ GIL đạt 17.2 tỷ đồng.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA





Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

ffn

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật