Thứ Sáu, 22/06/2012 18:53

Chứng khoán tuần 18 - 22/06: E ngại rủi ro cao độ

Trong thời gian gần đây, hoạt động giao dịch nâng đỡ ở các mã Large Cap phần nào giúp giữ được tâm lý thị trường và tránh được sự hoảng loạn khi e ngại rủi ro đang lên mức cao.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 18 - 22.06.2012

Giao dịch: Tính tổng cộng cả tuần, VN-Index giảm 1.37% và đang ở mức 427.17 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2.04% xuống 73.31 điểm. VS 100 giảm 1.34% đang ở 69.72 điểm và VN 30 giảm 1.49% đứng tại 500.34 điểm.

VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 2.16%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 2.02%; VS-Micro Cap giảm 1.89% và VS-Large Cap tiếp tục giảm nhẹ nhất thị trường với mức 0.33%.

Giao dịch ảm đạm tiếp tục khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong tuần qua. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE đã giảm gần 20% so với tuần trước đó; khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm mạnh 28.6%.

Giao dịch trong tuần qua chịu tác động từ:

(1) Thông tin tích cực từ cuộc bầu cử Hy Lạp vào đầu tuần. Tuy vậy, xu hướng của kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự rõ ràng đã ảnh hướng đáng kể đến tâm lý giao dịch của giới đầu tư trong nước.

(2) CPI tháng 6 của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm lần lượt 0.17% và 0.43%. Đà giảm tốc của lạm phát đã rõ nét nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế đang tiếp tục suy giảm. Thông tin này đã không hề có tác động tích cực lên thị trường.

(3) Tiếp tục giảm giá xăng dầu thêm 700 đồng/lít. Tương tự, thông tin này cũng không còn tác động tích cực lên thị trường.

Thị trường trong tuần qua vẫn xuất hiện một vài phiên tăng điểm nhưng khối lượng giao dịch các phiên này rất thấp, không đủ sức lấy lại sự hưng phấn trong giới đầu tư.

Nhìn chung, hầu hết các phiên giao dịch trong tuần diễn ra khá ảm đạm. Áp lực xả hàng của bên bán cùng với sự lưỡng lự của bên mua là nguyên nhân chính, trong khi có dấu hiệu cho thấy mức độ dò đáy của giới đầu tư ngày càng trở nên yếu ớt. 

Phiên giao dịch cuối tuần, kỳ vọng của giới đầu tư vào ”thứ 6 tăng điểm” thường diễn ra gần đây đã bị ”phá sản”, khi thị trường sụt giảm khá mạnh trước các diễn biến bất lợi của thị trường toàn cầu.  Tuy vậy, giao dịch đã diễn ra tích cực hơn nhờ động lực bắt đáy gia tăng của cả khối ngoại và khối nội.

Trong thời gian gần đây, hoạt động giao dịch nâng đỡ ở các mã Large Cap phần nào giúp giữ được tâm lý thị trường và tránh được sự hoảng loạn khi e ngại rủi ro đang lên mức cao.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã trở lại mua ròng trên HOSE nhưng tâm lý thận trọng vẫn tiếp tục đeo bám khi giá trị mua ròng các phiên trong tuần là không đáng kế. Phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại đã bớt e dè và giao dịch mua vào diễn ra mạnh mẽ hơn.

Tính tổng cộng, giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 116 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất SSI với 42.6 tỷ đồng, HAG với gần 34.1 tỷ đồng và MBB với 28.9 tỷ đồng.

Họ tiếp tục bán ròng mạnh nhất STB với gần 3.9 triệu cổ phiếu tương ứng với hơn 87.2 tỷ đồng; tiếp theo là VSH với 20.5 tỷ đồng và VIC với gần 37.4 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên HNX với 16.1 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất DBC với 10.1 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất DXP với 1.8 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý: Chỉ còn lại 3/24 ngành tăng điểm trong tuần qua. Ngân hàng gây bất ngờ khi đứng đầu danh sách tăng điểm với mức tăng 0.78%, tiếp theo là SX Thuỷ sản tăng 0.20% và SX Nhựa-Hoá chất tăng 0.17%.

Ở chiều ngược lại, CNTT-Truyền thông có mức giảm mạnh nhất 5.36%, tiếp theo là Khai khoáng giảm 3.61%. Xây dựng, Chứng khoán và Bất động sản cũng giảm khá mạnh lần lượt 3.01%, 2.64% và 2.39%.

Giảm điểm: Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trong tuần qua trên HOSE gồm có: DLG giảm 20.72%, TNT giảm 12.5%, NVT giảm 12.5%, BGM giảm 10.61%, KTB giảm 10.89%; trên HNX đáng chú ý nhất là sự sụt giảm mạnh của FLC với mức giảm 18.01%.

DLG giảm mạnh 20.72%. Trong những phiên đầu tuần, DLG đã bị xả hàng khá mạnh mặc dù không có thông tin chính thức về tình hình kinh doanh. Việc giảm điểm của DLG chỉ được chú ý trong 2 phiên giao dịch cuối tuần khi khối lượng giao dịch gia tăng mạnh và xuất hiện thông tin hai Phó Tổng giám đốc đăng ký bán hết cổ phần nắm giữ.

DLG sẽ còn thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong tuần giao dịch sau, khi website của DLG dẫn lời Chủ tịch HĐQT cho biết cá nhân ông này cùng các thành viên HĐQT và Ban điều hành đã gửi văn bản đến UBCKNN và Sở GDCK TPHCM (HOSE) đăng ký mua từ 7 triệu đến 8 triệu cổ phiếu DLG trong thời gian từ 26/6 - 27/7/2012.

NVT giảm 12.5% trong tuần qua. Kết quả hoạt động quý 1 không mấy tốt đẹp cùng với việc NVT đang phải tìm kiếm đối tác nhằm tài trợ vốn cho dự án Six Senses Saigon River - Đồng Nai (được công bố đầu tuần) cho thấy hoạt động của NVT đang khá khó khăn. Điều này có lẽ đã khiến cổ phiếu NVT bị bán mạnh trong tuần qua.

Trong tuần giao dịch trước, các cổ phiếu TNT, KTB, BGM đã có mức tăng trưởng khá mạnh. Do đó, việc giảm điểm trong tuần giao dịch này có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ.

Với mức giảm điểm mạnh hơn mức sình lời của tuần trước thì có lẽ việc “tháo chạy’ ở những mã đầu cơ này cũng sẽ tiếp tục diễn ra.

Trên HNX, FLC là cổ phiếu bị xả hàng mạnh nhất với mức giảm 18.01%. Có lẽ việc tung ra kết quả dự kiến quý 2 sớm, dự kiến doanh thu đạt 160 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 1.2 tỷ đồng đã gây thất vọng cho giới đầu tư.

Trong một tuần giảm điểm, không có cổ phiếu nổi bật ở phía tăng điểm.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật