Thứ Năm, 21/06/2012 09:57

Chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, giải pháp có tính toán?

Không chỉ TLH, một số DN khác cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ. Vì sao DN lại quyết định chọn cách chưa có tiền lệ này?

Khác thường, nhưng vẫn chọn

Theo tìm hiểu của ĐTCK, một DN thủy sản đang niêm yết trên HOSE đã hoàn thiện khâu mua cổ phiếu quỹ từ cuối năm 2011, đang chuẩn bị hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xin trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ. Lý do khiến DN chưa công khai kế hoạch này là chờ đợi trường hợp CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) diễn ra xong xuôi, để có tiền lệ trước đã.

Bên cạnh đó, phó tổng giám đốc một CTCK chia sẻ, gần 1 tháng nay, ông nhận được đề nghị của một DN về việc muốn chia cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, bản thân ông không tin rằng, UBCK sẽ chấp nhận phương án khác lạ này, nên CTCK chưa nộp hồ sơ. Đầu tuần này, ông biết phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ của TLH đã được UBCK chấp nhận, nên hy vọng đây là một “án lệ” để triển khai cho trường hợp DN khách hàng của mình.

Theo vị phó tổng giám đốc trên, mua cổ phiếu quỹ thông thường có 2 mục đích: một là dùng để bình ổn giá, hai là để giảm vốn kinh doanh. “Chưa biết trên thế giới có trường hợp nào dùng cổ phiếu quỹ để chia cổ tức hay không, nhưng bản thân tôi chưa từng nghĩ tới ”, vị này cho biết, ngay với trường hợp sử dụng cổ phiếu quỹ để chia thưởng cho cán bộ - công nhân viên, thì về bản chất, vẫn là việc bán lại số cổ phiếu này cho cán bộ - công nhân viên, với nguồn tiền để mua là quỹ khen thưởng phúc lợi.

Như vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ là việc bán cổ phiếu quỹ cho cổ đông bằng nguồn từ lợi nhuận chưa phân phối hay là việc chia nhỏ cổ phiếu?

Như quan điểm của một lãnh đạo UBCK, thì tất cả các quan điểm này dù khác nhau về bút toán kế toán, nhưng đều có chung một vấn đề là không làm thay đổi sở hữu của cổ đông. Giám đốc một công ty quản lý quỹ tại Hà Nội đặt câu hỏi: “Liệu có phải DN không có tiền”?

Nhưng đặt câu hỏi trong trường hợp này có vẻ không hợp lý, bởi nếu cần tiền chia cổ tức cho cổ đông, DN có thể lựa chọn bán cổ phiếu quỹ, thu tiền về.

Một cách giải thích khác là việc chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ trong trường hợp của TLH sẽ làm cho tỷ lệ chia cổ tức cao hơn rất nhiều so với việc DN bán cổ phiếu quỹ lấy tiền chia cổ tức, vì giá cổ phiếu TLH đang thấp hơn mệnh giá.

Tuy nhiên, giải thích theo cách này lại không phù hợp trong trường hợp của DN thủy sản nói trên, bởi giá cổ phiếu của DN này đang khá cao so với mệnh giá.

Ai được lợi?

Phó tổng giám đốc CTCK nói trên cho biết, trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ là cách rất tốt để các cổ đông lớn tăng quyền sở hữu tại DN. Trong một số trường hợp, áp dụng cách này lâu dài sẽ giúp họ tránh được nghĩa vụ chào mua công khai khi muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn điều lệ của DN, đồng thời DN giảm được nguy cơ bị thâu tóm, khi cổ đông bên ngoài muốn xâm chiếm.

Theo đó, cách chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ được hiểu đơn giản là việc cổ đông sử dụng tiền nhận được từ chia cổ tức bằng tiền để mua cổ phiếu phổ thông. Tuy nhiên, người đứng ra mua là DN, chứ không phải các cổ đông. Vì thế, sau quá trình này, vốn điều lệ của DN không tăng, nhưng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông tại DN sẽ tăng lên tương ứng với tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Vị phó tổng giám đốc CTCK giải thích thêm, ngay sau khi DN mua cổ phiếu quỹ, thì tỷ lệ sở hữu của các cổ đông đã tăng lên. Nhưng nếu DN không trả cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, mà bán ra thị trường để lấy tiền trả cổ tức, thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông lại giảm xuống.

Trường hợp DN đang đề nghị CTCK của ông làm tư vấn chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ có nhóm cổ đông lớn hiện sở hữu 28% vốn điều lệ DN. Để củng cố vị thế này, nhóm cổ đông đó đã đề xuất phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, tỷ lệ dự kiến là 5 cổ phiếu thường được nhận 1 cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ. Nếu việc chia cổ tức thành công, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này sẽ tăng từ mức 28% vốn điều lệ lên 33,6%, mức tương đối lớn để duy trì vị thế trong DN.

Vẫn theo vị phó tổng giám đốc trên, nếu triển khai thành công và kiên trì chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, DN sẽ không bị tăng vốn điều lệ, mà sở hữu của cổ đông lớn được tích lũy rất nhanh. Đây là cách để thu hẹp tỷ lệ cổ phần trôi nổi trên thị trường một cách nhẹ nhàng, không gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Ngoài lý do trên, có một nguyên nhân khác khiến một số DN đang “lăm le” ý định chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ. Lãnh đạo một DN niêm yết chia sẻ, theo nguồn tin mà DN nhận được, rất có thể HOSE sẽ không điều chỉnh giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu quỹ. Vì thế, nếu thông tin này là chuẩn xác, thì chắc chắn từ năm sau, công ty của ông sẽ lựa chọn cách này để trả cổ tức cho cổ đông, nhằm tránh cho cổ đông bị điều chỉnh giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền.

Xung quanh sự kiện CTCP Thép Tiến Lên (TLH) chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, một lãnh đạo HOSE cho biết, hiện TLH đã có công văn rút lại ngày giao dịch không hưởng quyền (theo kế hoạch cũ là ngày 21/6/2012). HOSE không công bố thông tin này, TLH mới chỉ gửi hồ sơ lên Trung tâm Lưu ký chứng khoán, chứ chưa có công văn gửi HOSE.

Nếu TLH chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ thành công, sẽ có nhiều DN khác thực hiện.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Điểm mặt các công ty điều chỉnh giảm tỷ lệ cổ tức năm 2011 (21/06/2012)

>   PPS: 28/06 GDKHQ nhận cổ tức năm 2011 tỷ lệ 14% (20/06/2012)

>   DPR chia cổ tức đợt 3/2011, tỷ lệ 20% (20/06/2012)

>   PVI: 27/06 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2011 bằng tiền 15% (19/06/2012)

>   PGBank: Tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 tỷ lệ 10.38%   (19/06/2012)

>   BichChi: 28/6 chốt danh sách nhận cổ tức 20% đợt 1/2012 (19/06/2012)

>   VIC: Phát hành thành công 151 triệu cổ phiếu trả cổ tức (19/06/2012)

>   TV4: 22/06 GDKHQ nhận cổ tức 20% bằng cổ phiếu (18/06/2012)

>   TCR: 26/06 GDKHQ nhận cổ tức 6% bằng tiền và cổ phiếu (18/06/2012)

>   S99: 27/06 GDKHQ nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 25% (18/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật