Be bét các cổ phiếu rời sàn Nếu không được tiết lộ từ những người trong cuộc, thị trường có thể không bao giờ biết tới các lùm xùm diễn ra mới đây tại CTCP Xây dựng công nghiệp Descon (DCC). DCC không phải là trường hợp duy nhất bị hủy niêm yết và có một thời gian dài không rõ thông tin. Vậy các cổ phiếu cùng chung “số phận” với DCC hiện nay ra sao? BBT: Kế hoạch phát hành dang dở Dù năm 2011 chỉ đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn là lãi vài trăm triệu đồng, nhưng CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) vẫn không thể thực hiện được, khiến số lỗ lũy kế tăng lên 91,84 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của BBT vào cuối năm 2011 âm 13,9 tỷ đồng. Kiểm toán viên đưa ra ý kiến “khoản nợ phải trả của Công ty vượt tổng tài sản là 13,96 tỷ đồng, gây nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của BBT”. Cần nói thêm, kiểm toán viên chỉ chấp nhận một phần báo cáo kiểm toán của BBT và liệt kê hơn 15 tỷ đồng hiện không truy xuất được “địa chỉ”. Niềm an ủi duy nhất là BBT vẫn đang hoạt động cầm chừng, thông tin thi thoảng vẫn tới các cổ đông. Mới đây, BBT thất bại trong việc tổ chức ĐHCĐ khi cổ đông dự họp chỉ đại diện cho 33% số cổ phần. Dự kiến, ĐHCĐ lần hai sẽ được tổ chức vào ngày 4/7 tới. Tuy nhiên, kỳ vọng của BBT một năm trước đã tiêu tan, khi việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá không được cơ quan quản lý “bật đèn xanh”. Ông Phan Thanh Quan, Chủ tịch HĐQT BBT cho biết: “Do việc phát hành dưới mệnh giá sẽ ghi nhận thặng dư âm trong báo cáo tài chính, khi nào có lãi hoặc thặng dư phát hành cổ phiếu mới có thể bù đắp. Do đó, BBT tạm dừng phương án phát hành cũ, chờ khi có lợi nhuận khá, TTCK phục hồi, Công ty mới tiếp tục tìm kiếm NĐT chiến lược”. Xem ra, BBT vẫn chưa tìm được phương án giải quyết gánh nặng nợ nần. Thanh lý tài sản là giải pháp tình thế mà BBT nhắm tới, để giải quyết vấn đề tài chính trong năm 2012. TRI, VSP, BAS: Ra đi có trở lại? Trước khi được HOSE giải quyết nguyện vọng tự hủy niêm yết, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco - TRI) “hứa” sẽ lên sàn UPCoM nếu vẫn là công ty đại chúng. Cổ phiếu BAS bị hủy niêm yết tại HOSE và dự định lên sàn UPCoM trong tháng 5/2012, nhưng hiện chưa thấy động tĩnh. Tương tự, CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (VSP) hủy niêm yết tại HNX và cũng có kế hoạch lên sàn UPCoM, nhưng kế hoạch chưa được công bố chi tiết. Để giải quyết quyền lợi của các cổ đông nhỏ, ông Nguyên Xuân Luân, thành viên HĐQT TRI đã công bố kế hoạch chào mua công khai 25% cổ phần TRI, với giá 2.300 đồng/CP. Hiện tại, kết quả đợt chào mua chưa được công khai, nhưng theo thông tin riêng của ĐTCK, tại đơn vị tư vấn, chỉ có vài NĐT cá nhân đăng ký giao dịch; khối lượng cổ phiếu TRI chuyển nhượng cũng không đáng kể, chỉ vài chục ngàn so với 27,5 triệu cổ phiếu lưu hành. Ngày 29/6 tới, TRI sẽ triệu tập ĐHCĐ thường niên. Với cơ cấu cổ đông “cô đặc”, 87% cổ phần do các cổ đông lớn nắm giữ, thì như các kỳ đại hội trước đây, chắc chắn mọi tờ trình sẽ được thông qua. Đáng chú ý, trong tất cả các nội dung tờ trình, TRI không đề cập lại phương án đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM. Nếu như BBT từng kỳ vọng vào đợt phát hành dưới mệnh giá để cơ cấu lại tình hình tài chính, thì trái lại, TRI đã được phép thực hiện điều này từ hai năm trước, nhưng hiện đã “tiêu pha” nhẵn túi. Vào cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của TRI âm 26,2 tỷ đồng, Công ty thua lỗ 92 tỷ đồng trong năm 2011 và lên phương án lỗ gần 140 tỷ đồng trong năm nay. Hai “cố nhân” của HOSE tại UPCoM Sau khi buộc phải hủy niêm yết trên HOSE, cổ phiếu BTC của CTCP Cơ khí Bình Triệu và VTA của CTCP Vitaly đã chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM. BTC và VTA đã tổ chức ĐHCĐ thường niên thành công trong tháng 4/2012. Nếu như năm 2011, BTC có thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 3.200 đồng, trả cổ tức tiền mặt lên tới 18% mệnh giá, thì VTA tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Sau 3 năm niêm yết tại HOSE và HNX toàn thua lỗ, năm 2011, VTA bất ngờ báo lãi 9,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực chất con số lợi nhuận đến từ việc chuyển nhượng bất động sản trị giá gần 200 tỷ đồng của Công ty cho FICO - cổ đông lớn đang nắm 36% vốn tại VTA. Sau khoản lợi nhuận bất thường này, năm 2012, VTA dự kiến lỗ 12,4 tỷ đồng. Chưa hết, ĐHCĐ VTA năm nay ủy quyền cho HĐQT chủ động liên hệ với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tìm phương án tái cấu trúc Công ty và kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ các đại lý. Những cổ phiếu “ma” Sau khi bị hủy niêm yết, BTC và VTA đã chọn sàn UPCoM làm “bến đỗ” mới cho cổ phiếu, BBT thì ủy quyền cho một CTCK làm thủ tục sang nhượng cổ phiếu. Đa phần cổ đông của các công ty bị hủy niêm yết khác không may mắn như vậy, khi việc sang nhượng cổ phần bị ách tắc, cổ phiếu trôi nổi không có nơi sang nhượng, giống như “con tàu ma”. Trong số này, cổ đông của CTCP Cavico Khai thác mỏ và Xây dựng (MCV) chịu thiệt thòi hơn cả, khi hiện tại, mọi thông tin về MCV đều lọt vào “hố đen”: Công ty vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2011 (là lý do bị hủy niêm yết), trang thông tin điện tử đăng ký với HOSE không hoạt động. “Số phận” cổ phiếu của CTCP Chế biến và xuất nhập khẩu thuỷ sản Cadovimex (CAD) không khá hơn là bao. Rời HOSE sau 3 năm thua lỗ liên tiếp với con số tuyệt đối tăng dần, năm 2012, CAD đề ra ba hướng kinh doanh. Ông Trần Ngọc Tươi, Chủ tịch HĐQT CAD cho biết, nếu không tìm được nhà đầu tư chiến lược, không tìm được nhà tư vấn, ngân hàng không tiếp tục cho Công ty vay vốn mà giảm hạn mức tín dụng, thì CAD sẽ xin làm thủ tục phá sản. Đây cũng là nguyện vọng của nhóm cổ đông lớn không nắm quyền điều hành CTCP Xây dựng công nghiệp Descon (DCC). Hoàng Duy đầu tư chứng khoán
|