Uẩn khúc vụ kiện sàn vàng
Sàn vàng ở VN ra đời vào tháng 12.2007 và kéo dài đến ngày 30.3.2010, tức chỉ 2 năm 3 tháng. Sinh ra vội vàng và “chết” đột ngột, sàn vàng đã để lại những hậu quả nặng nề mà đỉnh điểm là vụ kiện kéo dài với nhiều uẩn khúc.
Uẩn khúc vụ kiện sàn vàng
Thời gian gần đây, “hội những người đầu tư” trên sàn vàng một thời thường xuyên gặp nhau ở một nơi, đó là tòa án. Từ một nhà đầu tư (NĐT) cao cấp bây giờ họ đã trở thành kẻ “đáo tụng đình” và cùng có “điểm chung” là thua kiện trong tức tưởi. Trong đó đặc biệt có ông Trần Trọng Nghĩa (ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Ông Nghĩa kiện sàn vàng ACB đòi bồi thường số tiền lên đến 250 tỉ đồng.
“Hạn mức” chơi 6.462 lượng
Thời điểm “sốt” vàng, từ ngày 7.11.2007 đến ngày 4.12.2007, ông Nghĩa và ACB ký 4 hợp đồng là “hợp đồng mua bán vàng kỳ hạn”, “hợp đồng giao dịch quyền chọn vàng”, “hợp đồng nguyên tắc giao dịch vàng với khách hàng”, “hợp đồng cấp tín dụng hạn mức kiêm hợp đồng cầm cố số dư tài khoản VND/vàng”.
Chưa bỏ cuộc
Ngoài việc kiện đòi số tiền hơn 84 tỉ trên, ông Nghĩa còn yêu cầu ACB bồi thường thêm 166 tỉ đồng vì ông cho rằng ACB đã có lỗi khi thông báo chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, gây thiệt hại cho ông. Tuy nhiên, yêu cầu này cũng không được tòa án hai cấp chấp nhận.
Hiện ông Nghĩa đang tiếp tục khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xin xem xét lại vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm. |
Theo đó, ACB cho ông Nghĩa sử dụng hạn mức tín dụng là 100 tỉ đồng (tương đương 6.462 lượng vàng SJC). Để thực hiện các hợp đồng trên, ông Nghĩa nộp vào tài khoản của mình mở tại ACB 3 tỉ đồng và được rút ra (trong hạn mức 100 tỉ) để mua vàng trên sàn vàng ACB. Khi giá vàng lên, ông Nghĩa được hưởng chênh lệch, nếu giá xuống thì chịu lỗ, đồng thời phải trả phí cho ACB mỗi lần mua bán trên sàn. Hợp đồng như vậy nhưng trên thực tế khi đi vào thực hiện thì phát sinh nhiều rắc rối.
Ông Nghĩa trình bày, sáng 24.12.2007 ông đặt lệnh bán 3.000 lượng với giá 15.690.000 đồng/lượng. Lệnh bán được nhân viên của sàn ACB (có tên cụ thể) tiếp nhận. Sau đó, nhân viên này cũng thông báo “khớp” được 150 lượng, còn 2.850 lượng chưa “khớp”. Thấy vậy, ông đặt lệnh hủy 2.850 lượng chưa khớp và đặt tiếp lệnh bán 2.850 lượng, với giá lúc này chỉ còn 15.660.000 đồng/lượng. Đến 9 giờ cùng ngày, nhân viên này thông báo lệnh mới để bán 2.850 lượng cũng đã “khớp”.
Nhưng đến cuối giờ chiều cùng ngày, nữ nhân viên này gọi điện nói lúc thông báo lệnh buổi sáng bà ta đã “bị nhầm lẫn”. Cụ thể, khi ông Nghĩa đặt lệnh bán 3.000 lượng thì thực ra đã khớp lệnh bán 2.850 lượng chứ không phải 150 lượng. Sự “nhầm lẫn” này dẫn đến hậu quả là ông Nghĩa đã đặt lệnh bán… khống 2.850 lượng. Do ngay trước thời điểm bán khống 2.850 lượng này, trong tài khoản của ông Nghĩa chỉ còn 150 lượng nên đợt bán sau “khớp lệnh” thì tài khoản của ông Nghĩa bị âm 2.700 lượng (tương đương 42 tỉ đồng).
Viện đề nghị, tòa bác bỏ
Sau những khiếu nại và tranh chấp kéo dài không giải quyết được, ông Nghĩa quyết định khởi kiện sàn vàng ACB với yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch trên là vô hiệu do nhầm lẫn. Theo đó, ông trả lại ACB số tiền 42 tỉ đồng còn ACB phải hoàn trả cho ông 2.700 lượng. Cách tính của ông Nghĩa là quy đổi giá vàng vào thời điểm xét xử thì 2.700 lượng ra con số 126,9 tỉ đồng. Lấy số tiền này cấn trừ phần 42 tỉ mà ông đã nhận từ việc bán khống thì số tiền chênh lệch ACB phải hoàn trả là hơn 84 tỉ đồng.
Tại các phiên xử, ông Nghĩa đã trình bày nhiều chứng cứ chứng minh lỗi “bán nhầm” của ACB, bao gồm các phiếu đặt lệnh, hóa đơn… Thậm chí ông Nghĩa còn có băng ghi âm buổi làm việc giữa ông cùng những người có trách nhiệm của ACB và cả nguyên văn lời phát biểu của Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại trên Báo Thanh Niên ngày 24.6.2008, thừa nhận: “Có việc nhầm lẫn của nhân viên ACB dẫn đến tài khoản của ông Nghĩa bị âm 2.700 lượng vàng”.
Thế nhưng qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP.HCM và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, Hội đồng xét xử đều đánh giá “chưa đủ căn cứ để chứng minh ACB bán nhầm 2.700 lượng vàng” và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Nghĩa. Trong khi đó, trình bày quan điểm kết luận tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao đánh giá lời trình bày và chứng cứ của ông Nghĩa là có cơ sở và đề nghị Hội đồng xét xử buộc ACB hoàn trả hơn 84 tỉ đồng!
Thủy Long
Thanh niên
|