Thị trường BĐS: Rủi ro hợp đồng không chốt giá
Việc tranh mua của giới đầu tư khi thị trường sốt nóng đã gây nhiều hệ lụy đặc biệt với những hợp đồng không chốt giá bán. Người mua đang đối mặt với việc tăng giá như vũ bão của các chủ đầu tư.
Thời điểm thị trường bất động sản nóng sốt, người người đổ xô đi đầu tư. Chính vì, tranh mua mà giờ nhiều người ôm trái đắng khi các chủ đầu tư chiêu theo hợp đồng mà áp giá bán.
Thông thường trong các hợp đồng không chốt giá bán, chủ đầu tư thường ghi một số chữ “khoảng”, “giá bán sẽ có sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án”… tuy nhiên mức độ điều chỉnh, trượt giá thì chủ đầu tư không đưa ra. Chính vì vậy, nhiều người mua nhà giờ phải chịu trượt giá lên đến cả trăm triệu đồng cho một căn hộ, lô đất liền kề.
Cầm thông báo đến chuyển hợp đồng hợp tác đầu tư sang hợp đồng góp vốn cho dự án chung cư tại quận Hà Đông, chị Anh Thư – người mua nhà mới ngã ngửa khi chủ đầu tư đưa ra mức giá bán mới so cao hơn cả 5 triệu so với hợp đồng góp vốn. Bức xúc, chị đã kiến nghị với chủ đầu tư thì được lý giải do biến động giá vật liệu tăng vì vậy chủ đầu tư buộc phải tăng giá bán. Hơn nữa trong hợp đồng đã ghi rõ giá sẽ có sự điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Vì vậy, chị không có lý do gì để thanh lý hợp đồng.
“Chủ đầu tư yêu cầu tôi nếu không tiếp tục thì có thể chịu phạt và thanh lý hợp đồng. Nhưng nếu thanh lý thì tôi chỉ nhận phần tiền gốc đã ký, còn phần chênh lệch ngoài hợp đồng coi như mất trắng” chị Thư cho biết.
Thời điểm cuối năm 2011 rất nhiều nhà đầu tư mua đất tại dự án Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã vô cùng bức xúc khi chủ đầu tư dự án đã áp mức giá bán mới chênh hơn lúc đầu hơn 20 triệu đồng/m2. Theo đó, năm 2007 Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và khu đất thuộc Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Viglacera tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội) sang xây dựng nhà ở để bán.
Trong văn bản 125/TCT-TCKT ngày 8/2/2007, Viglacera cho hay, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công nhân viên các đơn vị trong tổng công ty có nhu cầu mua nhà ở thuộc dự án nói trên, tổng công ty sẽ huy động vốn tối thiểu 20% giá trị 1 căn nhà (khoảng 330 triệu đồng) với thời gian 6 tháng, lãi suất 0,8%/tháng. Những người đăng ký mua căn hộ có vốn góp huy động như trên sẽ được ưu tiên chọn hướng và vị trí lô đất phù hợp với đơn giá chuyển nhượng đất khoảng 8 triệu đồng/m2; đơn giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2. Bình quân khoảng 1,657 tỷ đồng/căn nhà, bao gồm cả đất và xây dựng nhà hoàn thiện.
Sau gần 5 năm, mới đây công ty đã gọi khách hàng lên thông báo thanh lý sổ tiết kiệm với lãi suất 0,8%/tháng. Đồng thời, công ty này yêu cầu khách hàng đóng 100% tiền đất với giá 34 triệu đồng/m2 đến 40 triệu đồng/m2 tiền đất và 9,3 triệu đồng/m2 đến 10,8 triệu đồng/m2 tiền xây dựng.
Do phần trượt giá quá nhiều, vì vậy nhiều khách hàng kiến nghị chủ đầu tư tuy nhiên đại diện công ty cho rằng, trong hợp đồng công ty chỉ ghi giá “khoảng” chứ chưa chốt vì vậy công ty có thể điều chỉnh giá bán.
Liên tục trong thời gian gần đây, tranh chấp nảy sinh giữa khách hàng và chủ đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều do chủ đầu tư vi phạm cam kết trong hợp đồng như chậm triển khai, tăng giá bán quá cao,…Đặc biệt, thời điểm trước khi chưa có nghị định 71, việc góp vốn dự án đã được thực hiện tràn lan trong khi dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý vì vậy chủ đầu tư không dám chốt giá với khách hàng sợ biến động về giá. Do vậy, hầu hết các dự án bán lúa non khách hàng đều phải chấp nhận rủi ro chủ đầu tư tăng giá bán.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chính – văn phòng luật sư Chính và cộng sự, trước khi quyết định ký hợp đồng, khách hàng cần phải chú ý xem xét, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Đặc biệt, khi xác định giá mua căn hộ cần phải xem xét kỹ các phụ lục về vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, giá đã bao gồm VAT, phí bảo trì chưa? hay giá trên có thay đổi hay không, nếu điều chỉnh giá bán thì phải có một tỷ lệ nhất định phù hợp với quy định pháp luật.
Anh Đào
vnmedia
|