Tân Tổng thống Pháp sẽ 'vượt khó' thế nào?
Ông Francois Hollande đã chính thức trở thành ông chủ của Điện Elysée. 5 năm cầm quyền sắp tới sẽ rất khó khăn với ông, đặc biệt là nhiệm vụ chèo lái nền kinh tế Pháp vượt qua giai đoạn khủng hoảng bởi bức tranh hiện nay về nền kinh tế thứ 5 thế giới này không hề sáng sủa chút nào.
Tốc độ tăng trưởng èo uột
Trong thời kỳ đầu khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, Pháp là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng mạnh nhất. Tốc độ tăng trưởng của Pháp chỉ là -2.3% năm 2009, trước khi khôi phục trở lại vào năm 2010 (1.4%) và 2011 (1.7%). Sang năm nay, cùng tình trạng trì trệ chung của kinh tế khu vực eurozone, tăng trưởng của Pháp bị chậm lại đáng kể. Số liệu thống kê của Viện Thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho thấy GDP trong quý đầu của nền kinh tế thứ 2 châu Âu chỉ là 0.2%. Dự đoán GDP cả năm theo chính phủ Pháp là 0.7%, còn theo IMF chỉ là 0.5%.
Trong khi đó, ông chủ mới của Điện Elysée đã xây dựng chương trình tranh cử dựa trên giả thuyết về mức độ tăng trưởng là 1.7% cho năm 2013 và 2% cho năm tiếp theo. Con số này tỏ ra hơi lạc quan so với dự báo của IMF là 1% cho năm 2013. Do vậy, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của một kế hoạch cải tổ kinh tế dựa trên những giả thuyết không chính xác.
Thất nghiệp gia tăng
Theo số liệu của cơ quan lao động Pháp, trong tháng 3 vừa qua tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đã tăng 0.7% và tốc độ tăng của cả năm dự báo sẽ là 6.4%. Tình hình rất đáng lo ngại bởi con số này được dự đoán sẽ không dừng ở đó. Mặc dù số hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong quý đầu của 2012 chỉ là 36 200, giảm so với con số 69 700 của quý 4 năm 2011 nhưng triển vọng của thị trường lao động vẫn rất u ám. Bởi theo INSEE, số lượng người bị mất việc sẽ tiếp tục tăng cho tới mùa hè này va sẽ chiếm 10.1% tổng số dân đến độ tuổi lao động so với 9.8% của năm 2011.
Cơ quan trợ cấp thất nghiệp Pháp Unedic dự báo số người thất nghiệp năm 2012 của Pháp sẽ là 214 000. Những giải pháp cho vấn đề thất nghiệp đã được tân Tổng thống Pháp đề cập tới trong cương lĩnh tranh cử, tuy nhiên, chúng khó có thể đem lại điều kỳ diệu tức thì cho vấn đề nan giải này.
Thâm hụt thương mại kỷ lục
Năm 2011, thâm hụt thương mại của Pháp đạt con số kỷ lục: 70 tỷ euro. Nguyên nhân một phần do những biến động trên thị trường năng lượng, nhưng thực tế, nền kinh tế thứ 5 thế giới đã ở trong tình trạng thâm hụt thương mại kể từ 9 năm trở lại đây. Điều này đặt ra vấn đề về tính cạnh tranh của nền kinh tế Pháp, bởi xét về dài hạn, sức cạnh tranh của Pháp đã bị suy giảm. Đó chưa phải là điểm yếu duy nhất của hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu Pháp bởi còn tồn tại rất nhiều vấn đề xung quanh chất lượng của sản phẩm, sự thích ứng đối với nhu cầu khách hàng, tính sáng tạo, cũng như sự suy giảm về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp xuất khẩu.
So với nền kinh tế Đức, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu Pháp ít hơn 4 lần và đã giảm từ 130000 doanh nghiệp năm 2000 xuống còn 117000 vào năm 2011. Giá trị thị phần thế giới của Pháp cũng đã giảm mạnh trong vòng 20 năm qua, từ 6.2% năm 1990 xuống còn 3.2% năm 2011. Năm 2012, cán cân thương mại của Pháp có vẻ không có gì sáng sủa hơn bởi trong 2 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục gia tăng.
Lạm phát đè nặng sức mua của người dân
Năm ngoái, lạm phát của Pháp là 2.5% và dự báo sẽ chỉ là 2% vào năm nay bất chấp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao và việc chính phủ công bố bắt đầu từ tháng 10 tới sẽ nâng thuế giá trị gia tăng thêm 1.6%, từ 19.6% lên 21.2%. Tuy nhiên, theo thống kê của INSEE, sức mua của người dân đã giảm 0.6% trong quý đầu năm 2012. Tính suốt thời gian cầm quyền của TTh Nicolas Sarkozy, người Pháp có xu hướng thắt chặt chi tiêu bởi sức mua của người tiêu dùng Pháp chỉ tăng trung bình 0.64%/năm, so với tốc độ tăng 1.3% trong giai đoạn 2001 - 2006.
Trước đó, để đối phó với bài toán này, nguyên Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xuất hạ tỷ lệ đóng góp cho xã hội của những người hưởng lương, tuy nhiên lại từ chối bù tiền cho các quỹ bảo hiểm việc làm. Giải pháp được đánh giá là "đánh bùn sang ao" này có lẽ khó giải quyết được vấn đề.
|
Ông Francois Hollande sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải chèo lái nền kinh tế Pháp vượt qua giai đoạn khủng hoảng bởi bức tranh hiện nay về nền kinh tế thứ 5 thế giới này không hề sáng sủa chút nào. |
Hệ thống doanh nghiệp yếu
Cho tới cuối năm 2011, đầu tư của doanh nghiệp Pháp là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của doanh nghiệp bảo hiểm-tín dụng Euler Hermes, chỉ khoảng ¼ doanh nghiệp Pháp có khả năng gia tăng đầu tư trong năm nay và tốc độ đầu tư của doanh nghiệp Pháp cũng chỉ tăng rất ít, khoảng 0.5% trong năm 2012.
Tình hình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm 80% số lượng doanh nghiệp Pháp, cũng rất đáng ngại: 40% trong số đó không còn quỹ riêng của mình và tới 80% hoạt động dưới công suất, cơ quan thống kê doanh nghiệp Pháp Altarès cho biết. Trong điều kiện đó, không thể trông chờ nhiều vào giới doanh nghiệp, ít nhất là trong việc cải thiện tình trạng thất nghiệp hiện nay.
Nợ công ngoài tầm kiểm soát
Thâm hụt ngân sách của Pháp đã giảm mạnh hơn dự kiến trong năm 2011, chỉ chiếm 5.2% GDP so với con số dự đoán là 5.7%. Năm 2012, con số này còn thấp hơn, 4.5% và khả năng Pháp có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn theo Hiệp ước tài chính mới của khối Eurozone về việc đưa mức thâm hụt ngân sách xuống con số 3% vào năm 2013. Cả hai ứng cử viên Tổng thống đều đưa ra mục tiêu này trong cương lĩnh tranh cử của mình.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu đó bởi tình hình nợ công đã không ngừng tăng và đạt tới 1 700 tỷ euro cuối năm 2011 và bất chấp các biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ nợ công của Pháp sẽ không giảm cho tới năm 2014. Nợ công dự đoán sẽ chiếm 89% GDP vào năm 2013.
A VŨ (CHALLENGES)
diễn đàn kinh tế việt nam
|