M&A doanh nghiệp đang mắc về quan niệm?
Các thương vụ M&A đang diễn ra nhộn nhịp ở nhiều loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có đủ kiến thức và cách thức tiến hành sao cho hiệu quả.
Doanh nghiệp là một thực thể sống, có linh hồn, nên việc mua bán và sáp nhập (M&A) loại hàng hóa đặc biệt này cần coi trọng thái độ và tránh quan niệm “mạnh mua yếu” hay “bên mua và bên bị mua”. Các bên cùng nên xem M&A là lại mua thời gian.
Xu thế tất yếu
Sau khi có chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, thời gian gần đây, các thương vụ M&A (viết tắt của cụm từ Mergers and Acquisitions có nghĩa là mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp trên thị trường) đang diễn ra nhộn nhịp ở nhiều loại hình doanh nghiệp. Sau sự kiện sáp nhập thành công ba ngân hàng là Ngân hàng Thương mại CP Đệ Nhất, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn và Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Tín Nghĩa, hai ngân hàng khác là Ngân hàng Habubank vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội cũng đã có những bước đi đầu tiên để tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh hơn. Xu thế sáp nhập giữa các tổ chức tín dụng nhằm mở rộng quy mô và danh tiếng cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Ở ngành viễn thông, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng (Gtel) cũng đã đồng ý mua lại toàn bộ 49% cổ phần trong liên doanh Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile) của đối tác Nga là Tập đoàn VimpelCom, với giá 45 triệu USD. Năm 2011, VimpelCom đã phải chi 196 triệu USD để sở hữu 49% cổ phần của Gtel Mobile. Vì vậy nhiều người cho rằng, đây là thương vụ tốt cho bên mua.
Đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo trong năm nay, ước tính có khoảng 20% số doanh nghiệp thủy sản phá sản, đình đốn sản xuất vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy gần đây, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (Bộ Tài chính) cũng đang xem xét mua lại một phần tài sản để “cứu” Công ty thủy sản Bình An, vốn đang đứng bên bờ vực phá sản.
Theo PGS.TS. Đỗ Thị Phi Hoài thuộc Học viện Tài chính, M&A là xu thế tất yếu xuất phát từ nhu cầu khách quan. Trên thế giới M&A thường phát triển rất mạnh sau mỗi cuộc khủng hoảng. Ở Việt Nam hiện chưa có khủng hoảng nhưng việc sản xuất đình trệ là có thật. Tiến sĩ Hoài nói: “Đáng lẽ phương pháp M&A đã phải được làm từ lâu, từ khoảng năm 1991 khi chúng ta bắt đầu chủ trương cổ phần hóa các DNNN”.
Trong thời gian tới và tương lai xa hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A. Tuy nhiên, dường như hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều chưa có đủ kiến thức về cách thức tiến hành M&A sao cho hiệu quả.
Trong khi nền kinh tế Việt Nam hiện đã có đủ điều kiện để tiến hành M&A, như “nới lỏng pháp lý”, mà biểu hiện cụ thể là thu hút đầu tư nước ngoài thì chúng ta đã làm khá tốt từ lâu nay, TS Hoài cho biết thêm, chúng ta cũng có cả điều kiện là Nhà nước cho chủ trương cho bán các doanh nghiệp quốc doanh.
Mua lại thời gian
Tuy nhiên, tiến sĩ Hoài lưu ý trong quá trình thực hiện M&A hiện nay thì chúng ta đang mắc phải vấn đề quan trọng nhất là quan niệm về M&A. Các doanh nghiệp tham gia M&A đừng nên quan niệm mình là người mua hay người bị mua, mà nên coi “M&A là mua lại thời gian”. Đừng nên có quan niệm rằng tôi mạnh thì tôi mua lại anh, anh yếu thì anh bị tôi mua. Các bên nên cùng xem M&A là mua thời gian, vì điều này sẽ tiết kiệm cho cả hai phía nhiều vấn đề, tận dụng được các thế mạnh, khách hàng của nhau, thay vì chúng ta phải bỏ nhiều tiền của, công sức để đạt tăng trưởng…
Bà Hoài phân tích, thay vì chọn tăng trưởng từ việc tự mình xây dựng một nhà máy, thì thông qua M&A, chúng ta có được kết nối các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại để nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm. Kết cấu ngành từ lâu đã có ở Việt Nam như ngành thép, ngành điện, viễn thông, hàng không, đóng tàu… Tuy nhiên, trong những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty đua nhau mở ra các hoạt động kinh tế ngoài ngành. Ở hầu hết các tập đoàn đều có công ty tài chính, công ty đầu tư, công ty bất động sản …thậm chí còn đầu tư chồng chéo. Điện lực đầu tư sang kinh doanh viễn thông, bất động sản … Trong khi công ty tài chính, ngân hàng không làm tốt chức năng thu xếp vốn cho tập đoàn thì lại dành vốn đi kinh doanh bất động sản, chứng khoán với đầy những rủi ro.
TS Hoài cho rằng, lên án đầu tư ngoài ngành của các DNNN như thời gian qua là đúng nhưng quan trọng hơn là phải chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Chẳng hạn, EVN đầu tư vào viễn thông gây thua lỗ nặng vì họ không có các chuyên gia về viễn thông, không có bề dầy tích lũy, trong khi họ sẽ phải bỏ rất nhiều tiền để làm việc này. Theo TS Hoài, nếu muốn làm, đáng nhẽ họ nên bỏ tiền ra mua lại một công ty viễn thông hoặc góp vốn cùng họ, chứ không nên bỏ đống tiền ra để thành lập mới một công ty viễn thông, trong khi lại không hiểu về viễn thông so với các đối thủ. Ở Nhật có rất nhiều tập đoàn sản xuất, kinh doanh từ cái nhỏ cho đến cái lớn, song vẫn rất thành công bởi họ nhận thức rõ giá trị của phương pháp M&A.
M&A biến Nhật Bản thành cường quốc
Mục tiêu của phương pháp M&A nhằm tạo nên cấu trúc ngành mạnh mẽ hơn. Dẫn bài học từ Nhật Bản, TS Hoài cho biết, trong vòng 60 năm, Nhật Bản sử dụng phương pháp M&A đã tạo dựng được một kết cấu ngành vững chắc, theo mô hình hình tháp, với chân hình tháp mở rộng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực sản xuất trong nước rất cao, thân tháp là các doanh nghiệp hạng trung và đỉnh tháp là các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế.
TS Hoài cho biết, Nhật Bản là quốc gia có nhiều tập đoàn kinh tế đa ngành như Mishubishi, Asahi, Recof… nhưng có kết quả kinh doanh đáng ngưỡng mộ vì các tập đoàn này được hình thành sau một quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua M&A. TS Hoài khẳng định: “chỉ có M&A mới có thể biến đổi các doanh nghiệp yếu, thua lỗ thành những doanh nghiệp có sức cạnh tranh mạnh mẽ, bằng việc kết hợp các điểm mạnh của các doanh nghiệp lại với nhau”.
Ở đây cũng cần lưu ý là doanh nghiệp chính là tế bào của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, đội ngũ chuyên gia tư vấn về M&A chính là những người cấy ghép, gắn kết các gen của tế bào lại với nhau. TS Hoài cho rằng, Việt Nam cần có các chuyên gia kinh nghiệm về M&A để có thể ghép nối phù hợp, nhuần nhuyễn các bộ phận nhằm tạo ra một doanh nghiệp mới có sức sống mãnh liệt sau tái cấu trúc.
Có linh hồn, doanh nghiệp là hàng hóa đặc biệt
TS Hoài cũng lưu ý, văn hóa nhìn nhận và đánh giá doanh nghiệp (khác với văn hóa doanh nghiệp), kể cả từ phía các chuyên gia của chúng ta cũng có vấn đề. Người Nhật không coi doanh nghiệp là hàng hóa thông thường, mà là hàng hóa đặc biệt, là một thực thể sống vì doanh nghiệp có linh hồn, có giá trị văn hóa, tinh thần. Vì vậy, họ không trao đổi như những hàng hóa thông thường. TS Hoài nói: “Quan trọng nhất là “thái độ” dành cho nhau khi thực hiện M&A, thương hiệu có thể định giá được nhưng thái độ thì lại không lượng hóa được bằng tiền”. Tránh trường hợp chỉ vì “ghét cái thái độ” mà các doanh nghiệp không gặp được nhau, cản trở quá trình M&A.
Theo TS Hoài để thúc đẩy quá trình M&A hiệu quả, Việt Nam cần ban hành, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp lý giúp cho việc thực hiện M&A tốt nhất. Thứ hai, Lựa chọn hình thức M&A phù hợp với nhu cầu, mục đích và môi trường của doanh nghiệp. Và đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng đội ngũ chuyên gia độc lập để tư vấn giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A đạt kết quả cao. Trong khi đó, hầu hết các thương vụ M&A hiện nay đều được thực hiện một cách tự phát, chưa thật sự khoa học.
TS Hoài cho rằng, chúng ta nên thành lập một đội ngũ chuyên gia độc lập về M&A thuộc Ban Đổi mới doanh nghiệp, để tư vấn hiệu quả về các vấn đề liên quan M&A. Chính tính chất độc lập và trung gian này sẽ là chất xúc tác thúc đẩy M&A hiệu quả, đặc biệt trong tương lai số các thương vụ M&A sẽ ngày càng tăng và trở nên phổ biến. Điều này dễ nhận thấy ở ngành ngân hàng khi gần đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra một lộ trình trong năm năm tới: Đó là năm 2012 sẽ dứt điểm xử lý các ngân hàng yếu kém nhưng không để đổ vỡ ảnh hưởng đến người dân. Năm 2013 tiếp tục tái cơ cấu nhưng để các ngân hàng tự nguyện hướng tới nâng cao chất lượng. Để đến năm 2014 -2015 chúng ta sẽ có từ một đến hai ngân hàng tầm cỡ khu vực với trị giá trung bình khoảng 50 tỷ USD và khoảng từ 10 đến 12 ngân hàng tốp đầu chiếm 80% thị phần, còn lại là các ngân hàng nhỏ hoạt động theo mô hình, cơ chế riêng (Mỹ hiện có khoảng 2500 ngân hàng), cùng với quỹ tín dụng nhân dân tạo thành mạng lưới rộng khắp, giúp tăng tiếp cận của người dân với các dịch vụ ngân hàng, ông Bình cho biết./.
Đặng Khanh
VOV
|