Thứ Ba, 29/05/2012 14:16

Khi doanh thu không đủ trả lãi vay

Với mức lãi suất ngất ngưởng từ 20-23% đã khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng, chi phí lãi vay “ngốn sạch” cả doanh thu và thua lỗ là điều tất yếu.

Điểm qua 699 doanh nghiệp niêm yết trong quý 1/2012 thì có đến 10 doanh nghiệp có mức chi phí lãi vay vượt cả doanh thu khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ nặng. Trong khi đó, con số này đối với cùng kỳ 2011 chỉ ở mức 3 doanh nghiệp là TNT, RHCTIG. Đối với quý 4/2011 cũng chỉ có SHN, SGT và HQC.

Đứng đầu danh sách “đen” trong quý 1/2012 theo thống kê của Vietstock là LHG với mức chi phí lãi vay gấp 13 lần doanh thu. Được biết, vay ngắn hạn đến 31/03/2012 của doanh nghiệp này là 153 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Nhà 62 tỷ đồng với lãi suất từ 23.2% đến 23.9%; Vietinbank chi nhánh Nhà Bè 43.8 tỷ đồng, lãi suất 19% đến 21%.

Trong quý 1, doanh thu của LHG chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Theo LHG, doanh thu của công ty thấp do một số doanh nghiệp thuê đất KCN Long Hậu thanh lý các hợp đồng thuê, đồng thời số lượng khách hàng quan tâm thuê đất vẫn chưa gia tăng. Thêm vào đó, do doanh thu cho thuê đất chỉ ghi nhận khi hợp đồng cho thuê giữa hai bên được ban quản lý các KCN tỉnh Long An xác nhận và lô đất được bàn giao cho khách hàng. Do vậy trong quý 1, một số các thỏa thuận thuê đất chưa được ghi nhận vào doanh thu. Theo đó, công ty lỗ ròng 18 tỷ đồng.

Như vậy kế hoạch 2012 với doanh thu 515 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 74 tỷ đồng dường như còn xa vời đối với LHG.

SHN nổi tiếng với thông tin sắp phá sản khi kết thúc năm 2011 tổng nợ ngắn hạn 359 tỷ đồng đã vượt tổng tài sản ngắn hạn 355 tỷ đồng, cộng thêm lỗ lũy kế 147 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán đã không đưa ra được khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp này khi khoản thu hồi nợ 238 tỷ đồng liên quan tới Công ty Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân vẫn chưa có hồi kết.

Khoản công nợ này còn là nguyên nhân khiến SHN thua lỗ 17 tỷ đồng trong 1/2012 khi doanh nghiệp cho biết không có vốn để triển khai hoạt động. Doanh thu khá “bấp bênh” chỉ với 897 triệu đồng trong khi lãi mẹ vẫn tiếp tục đẻ lãi con.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHN giao dịch với mức giá chưa đến 2,000 đồng, tính thanh khoản của cổ phiếu vẫn ở mức tương đối, trung bình 855,565 cp/phiên trong 1 tháng qua.

Cùng nhận được ý kiến của kiểm toán với báo cáo tài chính cuối 2011 về việc nghi ngờ khả năng hoạt động, trong quý 1/2012, THV tiếp tục nâng mức lỗ thêm gần 53 tỷ đồng. Hiện vay ngắn hạn ngân hàng của THV lên tới 636 tỷ đồng được đầu tư trồng cà phê và cao su.

Dù công ty vừa lên kế hoạch xin chuyển khoản nợ 200 tỷ đồng từ ngắn hạn sang dài hạn, đồng thời bán bớt vốn và tài sản (khoảng 300 tỷ đồng) tại các đơn vị thành viên nhằm tạo nguồn vốn trả nợ… nhưng cổ đông cũng không khỏi bất an khi tiền mặt chỉ còn 362 triệu đồng, tổng nợ phải trả là 1,026.9 tỷ đồng đến cuối quý 1/2012. Và dường như kế hoạch lãi ròng 25 tỷ đồng trong 2012 vẫn còn là câu hỏi khó với doanh nghiệp này.

10 DN có chi phí lãi vay quý 1/2012 “ngốn sạch” doanh thu

Liên tiếp từ quý 1/2011 đến nay, SGT chưa thấy được một đồng lợi nhuận nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Và lãi vay luôn trong tình trạng gấp mấy lần doanh thu hoặc đuổi sát nút chỉ tiêu này. Cụ thể, quý 1/2011, doanh thu thuần của SGT là 29 tỷ đồng thì lãi vay cũng cận kề 21 tỷ đồng. Quý 4/2011, chỉ tiêu chi phí lãi vay/doanh thu thuần là 9.72 lần và quý 1/2012 ở mức 2 lần. Đến 31/03/2012, vay ngắn hạn của SGT là 456 tỷ đồng, trong đó đa số đều với mức lãi suất từ 13% đến 24.92%/năm.

Tại ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ cơ cấu lại tài sản, giảm dư nợ tín dụng để giảm bớt chi phí lãi vay và sẽ vực dậy công ty. Liệu cổ đông có thể tin tưởng vào một bức tranh lạc quan hơn của SGT trong thời gian tới khi nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 3.18 lần?

Được biết, hiện chi phí lãi vay cũng của anh em nhà họ Đặng là KBCITA lần lượt  ở mức 54% và 41% doanh thu.

Ngoài ra, dù chi phí lãi vay/doanh thu của PSG chỉ ở mức 1.3 lần nhưng doanh nghiệp này lại có chỉ số D/E tới 4.48 lần, cao nhất trong top 10 này. Hiện PSG đã lọt vào diện cảnh báo do mức lỗ 87 tỷ đồng trong năm 2011, cộng thêm lỗ quý 1/2012, nâng mức lũy kế lên 116 tỷ đồng.

Trong quý 1/2012, còn không ít doanh nghiệp cũng phải gánh những khoản lãi vay vượt cả doanh thu như BAS, TNT, PV2, VES. Riêng HQC là quý thứ 2 liên tiếp lọt vào danh sách này.

Với mức trần lãi suất huy động vừa được giảm xuống 11% và có khả năng lãi suất cho vay cũng sẽ được nới trong thời gian tới thì liệu doanh nghiệp có “dễ thở” hơn trong khoảng thời gian ngắn còn lại của năm để khắc phục những hậu quả nặng nề của quá khứ?

Minh An (Vietstock)

finfonet

Các tin tức khác

>   DCS: Hợp nhất quý 1 chỉ lãi 154 triệu đồng, bằng 3% cùng kỳ (29/05/2012)

>   KHP: Thoái toàn bộ vốn góp tại EVN Land Nha Trang (29/05/2012)

>   MMC: Đặt kế hoạch cổ tức 8% -10% trong năm 2012 (29/05/2012)

>   ICF lãi sau thuế 386 triệu đồng trong quý 1 (29/05/2012)

>   CTG khai trương chi nhánh thứ hai tại Đức (29/05/2012)

>   LGL khởi kiện AZ Land 'xù' tiền (29/05/2012)

>   VMG: HĐQT không chấp nhận yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường của nhóm cổ đông lớn (28/05/2012)

>   Kimphong: Xin rút khỏi công ty đại chúng (28/05/2012)

>   VSP: Sau khi hợp nhất quý 1 vẫn lỗ 492 tỷ đồng (28/05/2012)

>   SBS: 16/06 tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2012 (28/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật