IMF: Myanmar không nên cải cách tỷ giá hối đoái quá nhanh
Myanmar đang đứng trước “cơ hội lịch sử” để trở thành nền kinh tế tiếp theo của châu Á đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của nước này là cải cách hệ thống tỷ giá để xóa bỏ các rào cản xuất phát từ việc áp dụng nhiều loại tỷ giá cho nhiều mục đích khác nhau.
Đó là nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo đánh giá kinh tế định kỳ hàng năm được Myanmar đồng ý công bố lần đầu. IMF dự báo kinh tế Myanmar tăng trưởng 5.5% trong năm nay và 6% trong các năm tiếp theo nhờ sự cải thiện của hoạt động xuất khẩu hàng hóa và lĩnh vực đầu tư. Tính đến đầu năm 2011, Myanmar có dân số gần 60 triệu người với sản lượng kinh tế khoảng 45 tỷ USD.
Việc Chính phủ Myanmar cho phép công bố báo cáo trên gia tăng hy vọng rằng nước này đang tiến triển trong kế hoạch cải cách kinh tế và dân chủ. Bà Meral Karasulu, Trưởng phái đoàn IMF tại Myanmar nhận định: “Dĩ nhiên điều này cho thấy các nhà chức trách đã sẵn sàng gia nhập vào cộng đồng quốc tế”.
Bà Karasulu cho biết thêm: “Myanmar có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh nếu tiến hành các cuộc cải cách cần thiết để tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lực lượng lao động trẻ, và sự gần gũi về mặt địa lý đối với một số nền kinh tế năng động nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ”.
Các cuộc cải cách dân chủ gần đây của Myanmar đã giúp cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các hình phạt đối với nước này và gia tăng kỳ vọng rằng kinh tế Myanmar có thể đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ tương tự các quốc gia láng giềng khác.
Theo nhận định của IMF trong báo cáo, nguy cơ đe dọa kinh tế Myanmar là đà tăng của đồng nội tệ xuất phát từ dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, IMF cảnh báo về việc cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái quá nhanh. Hiện Myanmar đang tiến tới chính sách một tỷ giá vào cuối năm 2013 khi nước này đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Bà Karasulu cho biết nhu cầu nhập khẩu của Myanmar đang bị dồn nén nên nếu các quy định được dỡ bỏ quá sớm thì thị trường sẽ tràn ngập hàng nhập khẩu. Điều này sẽ gây ra sức ép đối với dự trữ ngoại hối của Myanmar và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới. Được biết, các nhà chức trách tại Yangon bắt đầu áp dụng tỷ giá thả nổi có kiểm soát vào tháng 4 vừa qua nhằm tránh tình trạng trên.
Ngoài ra, IMF cũng kêu gọi Myanmar thành lập khung chính sách tiền tệ, xây dựng thị trường liên ngân hàng, và trao quyền điều hành cho ngân hàng trung ương. IMF cho biết nước này đã cắt giảm hoạt động in tiền để tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Theo tổ chức này, một biện pháp khác mà Myanmar sẽ thực hiện là xóa bỏ các hạn chế đối với những ngân hàng và công ty bảo hiểm quốc doanh mua trái phiếu Chính phủ.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|