Thứ Năm, 10/05/2012 21:10

Hoàn toàn có thể bình ổn giá gas, nếu muốn!

Nguồn cung xăng dầu trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 30%, nhưng Chính phủ vẫn có thể bình ổn thị trường này. Vậy thì, với hơn 50% ở thị trường gas, mặt hàng này cũng có thể được bình ổn một cách dễ dàng, nếu muốn!

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Chiến, trưởng ban Vật giá, sở Tài chính TP.HCM trong buổi họp bàn cách phát triển thị trường gas một cách bền vững trên địa bàn TP.HCM, diễn ra hôm qua (10.5). Ngoài ra, ông Tôn Quang Trí, phó giám đốc sở Công thương TP.HCM cho rằng, để thị trường gas phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp kinh doanh gas cần phải xây dựng hệ thống phân phối cho riêng mình.

Cần một hệ thống phân phối chuyên nghiệp hơn?

Theo sở Công thương TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.300 cửa hàng gas đang hoạt động với 18 doanh nghiệp đầu mối. Hầu hết số cửa hàng này thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động theo phương thức mua đứt bán đoạn, nên doanh nghiệp đầu mối khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Trí, doanh nghiệp đầu mối nên xây dụng cửa hàng và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, thay vì thông qua từ hai - ba khâu trung gian như hiện nay. Ngay cả việc doanh nghiệp bỏ bớt khâu trung gian, đưa thẳng sản phẩm xuống cửa hàng cũng mới chỉ giảm được giá chứ chưa kiểm soát được chất lượng. Chính vì thế, ông Trí cho rằng, về lâu dài, doanh nghiệp đầu mối phải xây dựng được hệ thống cửa hàng của chính mình. Tuy nhiên, vấn đề này không thể thực hiện một sớm một chiều bởi chi phí đầu tư không hề nhỏ.

Thực chất, ý định trên đã được nhiều doanh nghiệp nghĩ tới, song vướng quy định không cấp phép cửa hàng gas mới trên địa bàn thành phố của UBND TP.HCM. Đại diện công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vinagas) cho biết, để có thể mở được cửa hàng của riêng mình, công ty này phải đi mua lại giấy phép với giá cả trăm triệu đồng trong vòng ba năm. Ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc MT gas cũng cho rằng, MT gas đã triển khai mở cửa hàng của mình ở nhiều địa phương nhưng tại TP.HCM thì vẫn phải chờ. Theo ông Trung, chi phí đầu tư cho mỗi cửa hàng phân phối tại TP.HCM khá lớn, song nếu được cấp phép, MT gas sẽ dồn sức để đầu tư. Dự kiến, MT gas sẽ đầu tư mỗi quận, huyện một cửa hàng. “Ngoài việc bán những sản phẩm chính hãng, những cửa hàng của doanh nghiệp đầu mối sẽ là nơi để người tiêu dùng đối chứng về giá cả, chất lượng với những cửa hàng tư nhân”, ông Trung nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đa số cửa hàng gas trên địa bàn thành phố chưa đạt quy chuẩn quy định, song không thể thiếu hệ thống này vì người tiêu dùng đã quen với cách hoạt động của nó. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh gas cũng không có đủ khả năng để xây dựng cửa hàng trên khắp thành phố. Đại diện sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cho rằng, đa số người tiêu dùng gọi gas bằng điện thoại, chẳng ai đến cửa hàng để chở gas về nên theo vị này, việc cấp phép mới cửa hàng cũng không cần thiết. “Số lượng cửa hàng gas như vậy theo tôi là đủ đáp ứng cho nhu cầu. Chúng ta đã có đầy đủ quy định để phát triển thị trường này một cách bền vững. Vấn đề nằm ở chỗ, thị trường này chưa được kiểm tra kiểm soát một cách chặt chẽ”, đại diện sở Kế hoạch – Đầu tư nói.

Nếu muốn, có thể bình ổn giá gas

Ông Nguyễn Quốc Chiến đặt vấn đề, chúng ta chỉ chủ động được khoảng 30% nguồn cung xăng, dầu, nhưng Chính phủ vẫn bình ổn được mặt hàng này, chẳng lẽ gas nội chiếm đến 50% mà lại bó tay? Nếu mong muốn, chắc chắn chúng ta có thể bình ổn giá gas. Hiện đa số doanh nghiệp đầu mối mua gas của tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với tỷ lệ khoảng 70 – 80%. Như vậy, vấn đề bình ổn giá gas không nằm ở các doanh nghiệp kinh doanh mà chính là PV Gas. Ông Hoàng Anh, phó chủ tịch chi hội Gas miền Nam cũng cho biết, doanh nghiệp đầu mối chỉ có thể bình ổn giá gas trong vòng một tháng. Nếu muốn lâu hơn, sở Công thương phải “nhờ” đến PV Gas bởi doanh nghiệp này mới có đủ tiềm lực để bình ổn.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh cho rằng, muốn bình ổn thì phải đảm bảo nguồn. TP.HCM nên đề xuất với Chính phủ đầu tư kho đầu mối để cung cấp gas cho phía nam. Hiện, PetroVietNam đang đầu tư kho lạnh ở Thị Vải với sức chứa 60.000 tấn, song sức chứa như vậy vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu ở phía Nam. Theo ông Hoàng Anh, khi có kho chứa đủ lớn mới có thể có được ưu thế về giá khi đầu thầu gas ở thị trường thế giới. “Ngay cả quy định trữ hàng cho bảy ngày tiêu thụ mà nhiều doanh nghiệp còn chưa thể đáp ứng thì lấy hàng đâu bỉnh ổn cả tháng hoặc lâu hơn?”, ông Hoàng Anh nêu vấn đề.

Ông Tôn Quang Trí cho biết, sở Công thương đã đề xuất với UBND TP.HCM cho cấp phép mới cửa hàng gas, tuy nhiên đây chưa phải cốt lõi của vấn đề loạn giá gas. Sắp tới, cơ quan này sẽ kiểm tra gắt gao vấn đề tồn trữ hàng theo quy định của Thủ tướng. “Sở sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thực hiện việc này theo lộ trình. Sau đó thì mới có thể bàn đến vấn đề bình ổn”, ông Trí nói. Ông Chiến cũng cho biết, sở Tài chính đã đề xuất với bộ Tài chính đưa gas vào danh sách những mặt hàng bình ổn giá. Nếu được chấp nhận, quy bình ổn gas sẽ được thành lập như mặt hàng xăng, dầu.

Ca Hảo

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Từ 10.5, tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu (10/05/2012)

>   Ông Nguyễn Tiến Thỏa: 'Xăng lẽ ra giảm gần 830 đồng' (10/05/2012)

>   Giảm liền 6 phiên, dầu xuống thấp nhất từ tháng 2 (10/05/2012)

>   Xăng giảm giá 500 đồng từ 09/05 (09/05/2012)

>   Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ giá xăng dầu chiều 9-5 (09/05/2012)

>   Mỹ cho phép khoan thăm dò gần 4.000 giếng khí đốt (09/05/2012)

>   Dầu bốc hơi gần 9% sau 5 phiên sụt giảm liên tiếp (09/05/2012)

>   Chưa giảm giá xăng vì vướng cơ chế (08/05/2012)

>   Định giá điện, xăng dầu: Bộ Công thương không đồng thuận, vì sao? (08/05/2012)

>   Dầu xuống đáy 3 tháng dưới 98 USD/thùng do lo sợ về châu Âu (08/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật