Dòng điện, dòng tiền
Thủy điện được xem là khoản đầu tư không thể thiếu trong danh mục của các tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam. Tại sao?
Một ngày cuối tháng 4.2012, dưới chân đèo Tô Na, Huyện Krông Pa, Tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku 110 km, nhà máy thủy điện Đak Srông 3B công suất 19,5 MW đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Đây là công trình thủy điện thứ ba được đưa vào khai thác trong tổng số 17 dự án thủy điện của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
Sau 72 giờ chạy ổn định, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã chốt số đồng hồ và Công ty Cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai lấy số chính thức để thanh toán sản lượng điện bán ra. Năm 2011, lĩnh vực thủy điện với dự án Đak Srông 2 hoạt động trọn năm và dự án Đak Srông 2A hoạt động từ tháng 6.2011cũng đã đem lại cho HAG 102 tỉ đồng doanh thu (chiếm 3,2% tổng doanh thu) và 68 tỉ đồng lợi nhuận gộp. Như vậy, tỉ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu của mảng thủy điện là 66,6%, một con số ấn tượng.
Những người chơi lớn
HAG không phải là doanh nghiệp duy nhất phát triển thêm thủy điện bên cạnh những lĩnh vực khác. Bitexco, tập đoàn kinh tế đa ngành hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, bất động sản văn phòng, nhà ở, sản xuất nước khoáng, khai thác khoáng sản, dầu khí, cũng đang phát triển mạnh lĩnh vực thủy điện. Tập đoàn này đã và đang đầu tư xây dựng 10 nhà máy thủy điện trên cả nước với tổng công suất trên 600 MW. Có 5 nhà máy thủy điện của Bitexco đã đi vào hoạt động là Nho Quế 3, Bình Điền, Hố Hô, Se San 3A và Eakrong Rou. Trong đó, lớn nhất là dự án Nho Quế 3 với công suất 110 MW. Tổ máy số 1 của Dự án đã được đưa vào vận hành trong tháng 3.
Trong số các doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện còn có Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Công ty Địa ốc - Cáp điện Thịnh Phát, Tập đoàn Mai Linh, Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Tập Đoàn Hà Đô…
Một số doanh nghiệp khác thì đầu tư gián tiếp vào thủy điện dưới dạng đầu tư tài chính. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE là một ví dụ. Bằng cách này, REE đã nắm được cổ phần lớn ở một số công ty thủy điện. Tính đến hết năm 2011, tỉ lệ vốn REE nắm giữ ở Công ty Thủy điện Thác Bà là 23,97%, ở Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ là 35,48%.
Sức hút từ đâu?
Cách đây gần 10 năm (2003), khi Nhà nước cho phép tư nhân tham gia làm thủy điện theo chính sách BOO (đầu tư - vận hành - sở hữu), đã có một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực được đánh giá là rất tiềm năng này. Đến năm 2007, đã có gần 200 dự án thủy điện được cấp phép, chủ yếu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nơi có tiềm năng về thủy điện (nguồn nước, địa hình phức tạp với lượng ghềnh thác phong phú). Sau giai đoạn này, việc ồ ạt đầu tư vào thủy điện đã được nhiều chuyên gia môi trường cảnh báo và một số địa phương bắt đầu hạn chế cấp phép đầu tư vào thủy điện.
Điện ở Việt Nam luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, nhất là vào mùa hè khi trữ lượng nước ở các công trình thủy điện lớn cạn kiệt. Điều này có nghĩa đầu ra của điện luôn được đảm bảo. Trong khi đó, tỉ suất lợi nhuận từ thủy điện luôn trên 20%. Ở một số doanh nghiệp, con số này còn cao hơn nhiều. Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, chẳng hạn, có tổng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ (điện) năm 2011 là 459 tỉ đồng; lợi nhuận gộp là 273 tỉ đồng, tức tỉ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu đạt xấp xỉ 60%.
Tuy nhiên, lợi nhuận cao chưa hẳn là yếu tố quan trọng nhất thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện. Trên thực tế, dù lợi nhuận cao, nhưng vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng khá lớn. Thông thường để đầu tư sản xuất được 1 MW điện, nhà đầu tư phải bỏ ra 20-23 tỉ đồng. Quy mô của công trình thủy điện sẽ tỉ lệ thuận với số vốn đầu tư. Ở Bitexco, tổng kinh phí đầu tư 10 dự án thủy điện (đã đề cập ở trên) lên đến 12.000 tỉ đồng. Còn tại HAGL, tổng vốn đầu tư ước tính cho 17 dự án của doanh nghiệp này vào khoảng 9.600 tỉ đồng.
“Ngành thủy điện tuy đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng lại có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định. Sau giai đoạn đầu tư, ngành này sẽ đóng vai trò điều hòa dòng tiền cho Tập đoàn”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL, giải thích lý do đầu tư vào thủy điện. Theo ông, khi tất cả các dự án được hoàn thành, tổng sản lượng điện sẽ đạt khoảng 2,49 tỉ kWh và cho doanh thu 1.990 tỉ đồng/năm (dựa trên mức giá điện hiện nay là 800 đồng/kWh).
Trong khi đó, nói về việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, trong đó có thủy điện, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc REE, cho rằng hạ tầng điện, nước là những tiện ích mà con người luôn cần đến và đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn. Do đó, đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ tạo sự phát triển bền vững cho REE.
Có thể thấy phần lớn doanh nghiệp đưa thủy điện vào danh mục đầu tư đa dạng của mình đều là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Bởi lẽ, bất động sản là lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ của thị trường. Thực tế khó khăn của thị trường địa ốc trong 3 năm qua cho thấy nếu doanh nghiệp chỉ có một mảng bất động sản, nguồn thu sẽ bị sụt giảm mạnh khi thị trường đi xuống.
Với giá bán điện hiện tại, thời gian thu hồi vốn cho một dự án thủy điện thường là sau năm thứ 10. 10 năm sau, HAGL, Bitexco hay REE có thể sẽ không phát triển bất động sản nữa, các mỏ quặng cũng có thể đã được khai thác hết và vườn cao su đã hết mủ, nhưng thủy điện thì lại khác. Thủy điện là lĩnh vực rót vốn đầu tư một lần nhưng sử dụng đến 50 năm. Và mỗi năm, mảng này vẫn sẽ mang lại cho những nhà đầu tư trên một nguồn thu ổn định.
Nguyễn Hùng
nhịp cầu đầu tư
|