Doanh nghiệp chết, ngân hàng khó sống nổi
“Các ngân hàng phải biết chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”. Đó là phát biểu của chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2012, do UBND TP.HCM tổ chức sáng 29.5.
Cũng tại cuộc họp này, nhiều vấn đề nóng như đầu ra của sản phẩm khó, lãi suất vay chưa hợp lý, tai nạn giao thông gia tăng… đã được đặt ra.
Theo bà Mai Thị Thu Thuỷ, đại diện khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TP.HCM, nhìn chung cái khó hiện nay của các doanh nghiệp (DN) là đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, lượng hàng tồn kho của các đơn vị tính đến tháng 5 lên tới 29,4%. Sản phẩm không có đầu ra khiến các DN càng gặp khó về nguồn vốn. Do đó, giải pháp tốt nhất hiện nay là làm sao giải quyết được lượng hàng tồn kho của DN bằng nhiều giải pháp, trong đó cần kích cầu tiêu dùng trong dân.
Bà Thuỷ cũng chỉ ra thực trạng có những DN đang gặp khó khăn thực sự vẫn phải chấp nhận vay với lãi suất cao, nhưng có những DN không muốn vay vì vay chẳng biết để làm gì khi sản phẩm bán không được.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Trực, tổng giám đốc tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho hay, do ưu tiên vốn cho nông nghiệp nên hiện được vay với lãi suất 14%. “Nhưng có một sự thật nghiệt ngã là các đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp chỉ được vay trong thời gian rất ngắn, từ ba tới sáu tháng. Do đó, để các DN trong lĩnh vực này ổn định sản xuất thì kiến nghị ngân hàng kéo dài thời hạn cho vay, thấp nhất phải từ chín tháng trở lên”, ông Trực nói.
Phát biểu tại cuộc họp, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị Đảng uỷ khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương và khối doanh nghiệp thành phố phân loại các DN đang gặp khó khăn và tìm hiểu về nhu cầu vốn của từng DN, để gửi về ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố và báo cáo cho UBND TP biết. Qua đó UBND thành phố sẽ làm việc với các ngân hàng để huy động vốn cho DN. Mặt khác, chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phải mạnh dạn đề xuất hoặc cam đoan cho DN vay bao nhiêu, phải đưa ra những con số cụ thể. Ví dụ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ... là bao nhiêu chứ không thể nói chung chung. Trong tình hình hiện nay, việc tháo gỡ cho DN phải là ưu tiên hàng đầu.
“DN và ngân hàng phải biết phối hợp với nhau, chứ kiểu giữ vốn như hiện nay của các ngân hàng thì một khi DN chết thì ngân hàng liệu có sống nổi. Do đó, các ngân hàng phải biết chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Không chỉ vậy, đó còn là thể hiện trách nhiệm với xã hội”, ông Quân nhấn mạnh.
Đoàn Quý
sài gòn tiếp thị
|