Đằng sau sự kiện Sabeco 'trảm tướng'
Bộ Công Thương vừa quyết định thay thế cả hai vị trí nhân sự cao nhất của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Câu chuyện đằng sau là gì?
* Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sabeco đồng loạt thôi chức
Theo lẽ thông thường, việc thay đổi nhân sự tại một doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Nhưng việc thay thế cùng lúc cả 2 vị trí chủ chốt tại một doanh nghiệp mạnh nhất trong ngành bia nội địa, mà kết quả kinh doanh của năm sau luôn cao hơn năm trước, lại là chuyện bất thường.
Mất đoàn kết
Với những người có chút am hiểu về hoạt động của Sabeco, những rắc rối trong nội bộ Sabeco không phải mới bắt đầu gần đây, mà đã âm ỉ trong nhiều năm qua, nhưng dường như chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, trong một cuộc họp báo vào chiều ngày 2/5/2012, khi được báo giới hỏi về việc thay thế cùng lúc cả Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng giám đốc của Sabeco đã cho hay, việc sắp xếp lại các cán bộ đại diện phần vốn của nhà nước và đang nắm các vị trí điều hành chủ chốt tại Sabeco là để tăng cường sự phối hợp, đoàn kết trong nội bộ ban lãnh đạo công ty. Và chưa đầy 24 giờ sau, chiều ngày 3/5, Bộ Công Thương đã công bố quyết định thay thế cả hai vị trí nói trên.
Ông Nguyễn Bá Thi, người vừa bị rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của Sabeco cho rằng, việc này không bình thường và chưa đủ căn cứ pháp lý. Lập luận mà ông Thi đưa ra là, từ khi ông được giao nhiệm vụ tham gia quản lý vốn nhà nước tại Sabeco cho đến nay, Sabeco luôn đạt mức tăng trưởng cao, vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. Dĩ nhiên, đây cũng là những căn cứ chủ yếu để đánh giá năng lực của cán bộ được cử. Nếu chỉ nhìn vào mức lợi nhuận lên tới 2.700 tỷ đồng trong năm 2010 hay khoảng 2.200 tỷ đồng trong năm 2011, ý kiến này của ông Thi là hoàn toàn có lý. Nhất là khi ngó sang những thua lỗ và tổn thất lớn tại các tập đoàn nhà nước khác như EVN hay Vinashin.
Theo những người trong cuộc, việc mất đoàn kết nội bộ tại Sabeco đã diễn ra từ khá lâu, do nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ. Một số cán bộ chủ chốt của Sabeco cũng đã từng bị xử lý kỷ luật khiển trách vào năm 2009, mặc dù chính những người trong cuộc cho rằng, chính do cơ chế và cách xử lý của Bộ Công Thương đã gây nên nỗi.
Nhận xét từ chính ông Thi cho hay, từ khi Sabeco chuyển sang công ty cổ phần vào hồi tháng 4/2008 cho đến nay, Bộ Công Thương - cổ đông nhà nước chiếm 89,59% cổ phần- đã dùng quyền quản lý nhà nước của mình can thiệp quá sâu, thậm chí sai pháp luật vào hoạt động của Sabeco. Chẳng hạn: quy định bộ phận quản lý vốn nhà nước phải thống nhất tuyệt đối mới được thông qua HĐQT, cử nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra vào thanh tra tại Sabeco mà không xử lý dứt điểm, không phân xử kịp thời, minh bạch những vấn đề thiếu thống nhất trong bộ phận quản lý vốn nhà nước… Bởi vậy, chính người trong cuộc cho rằng, việc làm này của Bộ Công Thương gây mâu thuẫn nội bộ kéo dài, làm giảm quyền hạn của HĐQT theo quy định của Luật Doanh nghiệp, không tôn trọng các cổ đông thiểu số, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Vào ngày 1/3 vừa qua, Sabeco cũng chính thức chuyển quyền đại diện theo pháp luật từ Chủ tịch HĐQT sang Tổng giám đốc. Trước đó, mô hình Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp lý, thay vì Tổng giám đốc như tại các doanh nghiệp khác, cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng "ông chẳng, bà chuộc" tại Sabeco trong thời gian qua.
Có hết bùng nhùng?
Vào ngày 22/12/2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C48) đã khởi tố vụ án, điều tra hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng tại Sabeco. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã làm việc tại Sabeco và xác định có sai phạm tại tổng công ty này. Trong những năm 2008 - 2009, Bộ Công Thương cũng đã hai lần ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra xung quanh các vấn đề như: thay đổi nhãn bia; mua, bán nguyên vật liệu đầu vào (malt, houblon và vỏ lon bia 333 từ năm 2008 đến thời điểm thanh tra); xác minh thông tin tổng giám đốc Sabeco có tài khoản ngoại tệ ở Vietcombank do người nhà đứng tên; tính suất đầu tư xây dựng các nhà máy bia. Song, những lần thanh tra này đều cho những kết luận trái chiều, khiến những nghi vấn trong nội bộ lẫn dư luận ngày càng gia tăng.
Sau đó, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, đã giao Thanh tra Chính phủ (Thông báo số 19/TB-VPBCĐ ngày 7/11/2010) thực hiện thanh tra Sabeco. Cơ quan này đã tiến hành thanh tra việc mua lon bia 333 rỗng và thanh tra việc mua cổ phần Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội của Sabeco. Ngoài ra, 5 nội dung khác trong vụ việc của Sabeco được giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an.
Giữa năm 2011, Thanh tra Chính phủ cũng đã xác định được hàng loạt sai phạm của các lãnh đạo Sabeco và yêu cầu các cá nhân liên quan như ông Nguyễn Bá Thi - Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc, phải kiểm điểm trách nhiệm và có biện pháp chấn chỉnh bởi đã để xảy ra những sai phạm tại đơn vị này. Còn với vụ việc do C48 tiến hành, hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu ông Phan Đăng Tuất, tại thời điểm đó là Ủy viên HĐQT của Sabeco, kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Sabeco Hà Nội (đồng thời đang nắm chức Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương), phải kiểm điểm trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Sabeco Hà Nội, bởi thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong khi những việc cần phải thực hiện liên quan đến việc kiểm điểm các nhân sự liên quan đến việc mua vỏ lon bia 333 và hoạt động của Công ty cổ phần Sabeco Hà Nội chưa được xử lý triệt để theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ định ông Phan Đăng Tuất làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Điều này khiến nhiều người lo rằng, câu chuyện "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" trong nội bộ Sabeco vẫn chưa thể chấm dứt...
Năm 2011, sản lượng tiêu thụ của Sabeco là 1,2 tỷ lít,
chiếm khoảng 50% tổng lượng bia tiêu thụ của cả nước. Điều này đã mang lại doanh thu hơn 22.130 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010.
Trong khi chưa chọn được đối tác chiến lược,
hơn 43% cổ phần của nhà nước tại Sabeco đã "biến mất" trong Giấy phép kinh doanh cấp lại cho Sabeco hồi đầu tháng 3/2012. Theo đó, số cổ phần của cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương chỉ còn hơn 327,053 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ. |
Yên Hưng
diễn đàn doanh nghiệp
|