Cựu Chủ tịch Vinalines bị truy nã, CK Thủ Đô có ảnh hưởng?
Cựu Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Thủ Đô vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra phát lệnh truy nã đặc biệt trên toàn quốc. Vụ việc này ảnh hưởng như thế nào đến Công ty?
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Trường Giang, đại diện Công ty Chứng khoán Thủ Đô (CSC) cho biết, việc ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines, đồng thời là cựu Chủ tịch HĐQT của CSC bị truy nã không ảnh hưởng gì đến hoạt động của CSC.
Vinalines là một cổ đông lớn, hiện chiếm 22,18% vốn tại CSC, nhưng vai trò của Vinalines tại CSC là công ty liên kết theo mô hình công ty liên kết quy định tại Luật Doanh nghiệp, nên không chi phối trực tiếp tới các hoạt động của CSC.
Được biết, ông Dương Chí Dũng từng làm Chủ tịch Chứng khoán Thủ Đô nhiệm kỳ 5 năm, 2007 - 2011. Trong nhiệm kỳ 5 năm này, cá nhân ông Dương Chí Dũng không sở hữu cổ phiếu nào tại CSC, mà chỉ là người đại diện phần vốn góp của Vinalines tham gia điều hành CSC. Tính đến cuối năm 2011, Công ty ghi nhận mức tổn thất đến 55% giá trị tài sản.
Đại hội đồng cổ đông thường niên CSC tháng 3/2012 đã bầu vị Chủ tịch mới cho Công ty: ông Nguyễn Tiến Dũng, là người không thuộc Vinalines. Đại diện duy nhất của Vinalines tham gia HĐQT của CSC nhiệm kỳ 2012 -2017 là ông Phạm Phi Long.
Theo Báo cáo thường niên 2011 của CSC, CSC được thành lập tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu 60 tỷ đồng. Tháng 11/2008, Công ty tăng vốn lên 75,73 tỷ đồng và giữ nguyên mức vốn này cho đến hiện nay. Vào tháng 3/2009, Công ty thông báo rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành và tự doanh chứng khoán, do không đủ vốn pháp định theo quy định tại Luật Chứng khoán. Như vậy, mảng hoạt động chính của CSC hiện thời là môi giới, tư vấn đầu tư và lưu ký chứng khoán.
Ngoài cổ đông sáng lập Vinalines, CSC có một cổ đông lớn hơn là Tập đoàn Gami Group, hiện nắm khoảng 32% vốn của CSC thông qua các công ty thành viên và một số cá nhân (CTCP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp nắm 19,03%; CTCP Thương mại An Dân nắm 7,53%...). CSC có mục tiêu hoạt động là “Kết nối sự thịnh vượng” giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng thực tế là hoạt động kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn từ môi trường kinh doanh nói chung và sự bó buộc về nghiệp vụ được phép thực hiện nói riêng, nên tính đến cuối năm 2011, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn chưa đầy 34 tỷ đồng.
Năm 2011, Công ty chỉ đạt 6,8 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế âm 14,5 tỷ đồng. Với hiện trạng tài chính này, vào thời điểm cuối năm 2011, Công ty có giá trị sổ sách là 4.467 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Khả năng khắc phục thua lỗ và vươn lên của CSC vẫn là câu hỏi ngỏ, khi Đại hội đồng cổ đông vừa qua chưa thống nhất phương án kinh doanh mà chỉ giao cho HĐQT mới xây dựng kế hoạch kinh doanh cho CSC năm 2012 và hướng đi cho các năm tới. Cũng liên quan đến cổ đông lớn Vinalines, CSC có 1 hợp đồng thuê Văn phòng tại Tòa nhà Ocean Park Hà Nội từ ngày 3/4/2010 đến 21/2/2015, với giá thuê 162,8 triệu đồng/tháng.
Diễn biến mới nhất liên quan đến bê bối tại Vinalines là ngày 22/5, Bộ Công an đã tổ chức buổi họp báo công bố về vụ việc này. Trước đó, ngày 17/5, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, tống đạt bị can đối với ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Chủ tịch CTCK Thủ Đô với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng bị khởi tố với tội danh này còn có ông Mai Văn Phúc, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; ông Trần Hữu Triều, Phó tổng giám đốc Vinalines. Tuy nhiên, ngày 19/5, ông Dương Chí Dũng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam.
Bộ Công an cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp với Interpol để phát lệnh truy nã quốc tế với bị can Dương Chí Dũng.
Thiên Phúc
đầu tư chứng khoán
|