Chứng khoán Việt Nam có thể tăng tiếp 65% đến cuối 2013
Theo EPFR, các quỹ tương hỗ Việt Nam đã thu hút được dòng vốn ròng 20 tuần liên tiếp
Theo Samsung Asset Management, chỉ số VN-Index có thể tăng tiếp 65% cho đến hết năm 2013 sau khi bứt phá 24% trong năm nay. Còn theo Eastspring Investments, các công ty tài chính và bất động sản có thể dẫn đầu đà tăng tại thị trường chứng khoán lớn thứ 13 của châu Á. Trong khi đó, Dragon Capital ưa thích các cổ phiếu tiêu dùng và nông nghiệp như CTCP Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) và TCT Cổ phần Phân bón & Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM).
Sau khi trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất tại châu Á trong 5 năm qua, chứng khoán Việt Nam hiện đang tăng mạnh nhất khu vực trong năm 2012 khi các công ty quản lý quỹ lớn nhất nước cho rằng lãi suất giảm sẽ giúp lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện. Được biết, VN-Index đã giảm 60% trong vòng 5 năm qua, mức giảm mạnh nhất trong số 17 quốc gia châu Á do Bloomberg theo dõi. Và trong năm ngoái, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm.
Việt Nam đã cắt giảm lãi suất từ mức cao 3 năm sau khi lạm phát giảm từ 23% trong tháng 8/2011 xuống còn 8.3% trong tháng 5, nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009 và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE giảm 12% trong quý 1. Động thái hạ lãi suất đã thôi thúc Samsung Asset Management lần đầu tiên đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện có quy mô 40 tỷ USD của Việt Nam.
Theo số liệu của EPFR Global, các quỹ tương hỗ của Việt Nam thu hút dòng vốn ròng 20 tuần liên tiếp, đợt thu hút vốn dài nhất đối với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư Việt Nam do EPFR Global theo dõi đã thu hút được tổng cộng 122 triệu USD, tương đương 13% tổng tài sản của các quỹ này.
Ông Alan Richardson, người quản lý khoảng 87 tỷ USD của Samsung Asset tại Singapore cho rằng: “Thị trường chứng khoán đang chiết khấu các yếu tố cơ bản ngày càng cải thiện của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Dù đã rút lui 11% so với mức đỉnh của năm 2012 xác lập ngày 08/05 nhưng hiện VN-Index vẫn là chỉ số tăng mạnh thứ 3 trong số 73 chỉ số được Bloomberg theo dõi sau EGX30 Index của Ai Cập và IBC Index của Venezuela.
Theo phân loại của MSCI Inc., Việt Nam là thị trường sơ khai với giá trị thị trường bình quân là 29 tỷ USD, thấp hơn 94% so với các quốc gia mới nổi thuộc chỉ số của MSCI.
“Thanh khoản là một trong những vấn đề lớn”, nhận định của ông Andrew Beal, Giám đốc quản lý quỹ của Henderson Global Investors tại London, người đang quản lý khoảng 104 tỷ USD và đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đóng niêm yết trên thị trường nước ngoài.
Ông Dominic Scriven, người đồng sáng lập của Dragon Capital cho rằng dù đà giảm tốc là khá mạnh nhưng nền kinh tế sẽ dần cải thiện vào cuối năm nay khi Chính phủ thay đổi mục tiêu từ ngăn chặn lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Scriven, các nhà làm chính sách có thể tiếp tục hạ thấp chi phí vay mượn trong năm nay khi lạm phát lùi về mức 7%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Ngoài ra, ông cũng dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi khoảng 14% trong năm 2012. Ông Scriven cho rằng nhà đầu tư dài hạn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu dùng tăng vọt của Việt Nam và sự hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu do chi phí thấp hơn so với Trung Quốc.
Theo Bloomberg, đà phục hồi đã giúp hệ số P/E forward tăng từ 7.2 vào đầu năm nay lên 9.8 nhưng vẫn còn rẻ hơn 34% so với mức trung bình 5 năm. “Mức định giá vẫn còn khá thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế”, nhận xét của ông Ngô Thế Triều, trưởng bộ phận đầu tư của Eastspring Investments Fund Management Co, đơn vị quản lý tài sản của Prudential Plc tại Việt Nam.
Tương tự, bà Trần Thị Kim Cương - người đứng đầu bộ phận cổ phiếu của Manulife Asset Management (Vietnam) Co. - cho rằng: “Trong dài hạn chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lạc quan vào thị trường Việt Nam và chúng tôi đang mua vào cổ phiếu”.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu Việt Nam cũng cho thấy niềm tin ngày càng cao rằng các nhà làm chính sách đã hạ thấp được tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Á. Giá trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng vọt trong năm nay, khiến lợi suất giảm 2.87% xuống còn 9.68%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong số 43 quốc gia được Bloomberg theo dõi. VND cũng ít thay đổi trong vòng 15 tháng qua sau khi giảm khoảng 18% trong 3 năm trước đó.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|