Chứng khoán Tuần 21 - 25/05: Mấy ai bắt đúng đáy thị trường!
Khối lượng trong các phiên giảm điểm đều thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả tuần. Điều này cho thấy lượng bắt đáy thành công trong tuần qua là khá thấp.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 21 – 25/05/2012
Giao dịch: Nhờ phiên cuối tuần bứt phá mạnh mẽ, VN-Index đã có tuần tăng nhẹ 0.56% và đang ở mức 437.38 điểm, HNX-Index tăng mạnh hơn ở mức 3.05% lên 76.06 điểm. VS 100 tăng 0.39% đang ở 71.89 điểm và VN 30 tăng 1.91% đứng tại 514.27 điểm.
VS-Mid Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 3.51%, tiếp theo là VS-Large Cap tăng 2.97%, VS-Small Cap tăng 1.52%, duy chỉ có VS-Micro Cap ngược chiều khi giảm nhẹ 0.04%.
Thanh khoản thị trường sụt tiếp tục đà giảm mạnh trong tuần qua, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE giảm 29.1% so với tuần trước đó; khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng giảm mạnh 31.2%.
Cảm xúc của giới đầu tư đã có tuần thay đổi chóng mặt khi hưng phấn và hy vọng trong phiên đầu tuần, sau đó rơi vào tâm lý lo lắng, e sợ vào các phiên giữa tuần, và cuối cùng bùng nổ trở lại ở phiên giao dịch cuối tuần.
Đà giảm điển các phiên giữa tuần đã khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên, khi bên mua quá e dè và hoàn toàn ”co cụm”, khác hẳn với các phiên giảm điểm trước đó.
Sự sụt giảm của thị trường xuất phát từ: (1) Sự thận trọng của giới đầu tư tăng cao sau phiên tăng nóng một cách đột ngột trong phiên giao dịch đầu tuần vào ngày GAS chào sàn. (2) Tác động giảm điểm ngay từ đầu phiên thứ Ba của nhóm cổ phiếu lớn, tiêu biểu là VCB, GAS, BVH và VIC khiến giao dịch dễ dàng rơi vào trạng thái bi quan. (3) Thông tin giảm giá xăng không như đồn đại cũng khiến thị trường phản ứng tiêu cực.
Tuy vậy, nhận định chung của giới đầu tư là đợt suy giảm này tỏ ra khá phi lý và trên thực tế không có nguyên nhân nào đủ mạnh để lý giải. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ vẫn là tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư, thể hiện mức rủi ro cao (tăng giảm đều mạnh và bất ngờ) như thường thấy trên TTCK Việt Nam.
Sự hưng phấn trở lại của thị trường vào cuối tuần chủ yếu nhờ:
(1) Đà giảm điểm liên tục vừa qua khiến hoạt động bắt đáy mạnh dạn trở lại khi các chỉ số tiếp cận vùng kháng cự mạnh – vốn đã được thể hiện rõ trong phiên giao dịch đầu tuần.
(2) CPI tháng 5/2012 được công bố chỉ tăng nhẹ 0.18% so với tháng 4 và tăng 8.34% so với cùng kỳ năm trước, trở lại mức một con số sau 18 tháng. Mặc dù thông tin này không còn mới nhưng đây là điều kiện quan trọng để NHNN tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng tín dụng trong thời gian tới để hỗ trợ tăng trưởng.
(3) Khối ngoại mua mạnh liên tục trên HNX khiến giới đầu tư chú ý. Trong đó, VND được đỡ giá là một yếu tố quan trọng giúp thị trường lấy lại được sự hưng phấn.
Một điểm rất đáng chú ý khác là khối lượng giao dịch trung bình trong tuần qua tiếp tục giảm mạnh, trung bình đạt gần 73 triệu đơn vị trên HOSE và 53 triệu đơn vị trên HNX. Khối lượng trong các phiên giảm điểm đều thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình. Điều này cho thấy lượng bắt đáy thành công trong tuần qua là khá thấp.
Nhà đầu tư nước ngoài: Giao dịch của khối ngoại khá cân bằng trong tuần qua khi họ bán ròng trên HOSE trong khi vẫn tiếp tục mua ròng trên HNX. Đáng chú ý hơn là mục tiêu của họ vẫn là VND - điều này đã góp phần giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần.
Tính tổng cộng, giá trị bán ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt gần 72.6 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất HAG với gần 2.8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 77.2 tỷ đồng; tiếp theo là BVH với 66.7 tỷ đồng và VIC với 27.4 tỷ đồng. Trong khi đó, họ mua ròng mạnh nhất cổ phiếu mới niêm yết GAS với 155 tỷ đồng và DPM với gần 19 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX tăng mạnh 62.3 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất DBC với 28.2 tỷ đồng và VND với 28.1 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VNR với 4.7 tỷ đồng và PVS với 3.5 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Chỉ còn 2/24 ngành giảm điểm trong tuần giao dịch qua gồm SX Cơ khí giảm 0.61% và Chứng chỉ quỹ giảm nhẹ 0.02%.
Nông- Lâm- Ngư bất ngờ tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 8.77%, tiếp theo là Chứng khoán tăng 6.19%. Các ngành nóng khác đều có tuần tăng điểm như Xây dựng tăng 4.47%, Khai khoáng tăng 3.87%, Bất động sản tăng 3.70% và Ngân hàng tăng 2.47%.
Các cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: TAC tăng 24.75% SJS tăng 18.71%, HBC tăng 15.99%; trên HNX: SCR tăng 20.16%, SHS tăng 15.07%, CTA tăng 17.24%.
TAC tăng mạnh 24.75%, dù không có thông tin mới về KQKD của TAC trong thời gian gần đây. Nhiều khả năng việc tăng giá mạnh có thể xuất phát từ những thảo luận thâu tóm ở công ty này.
SJS tăng mạnh 18.71% trong tuần qua. KQKD quý 1 của SJS tỏ ra tích cực hơn khi có lợi nhuận 5.2 tỷ đồng gấp 5.6 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này chủ yếu do được hoàn nhập dự phòng 23 tỷ đồng.
HBC tăng mạnh 15.66%. Việc HBC tăng mạnh nhiếu khả năng xuất phát từ việc cổ phiếu này sắp đến ngày chốt quyền nhận cổ tức 30% và thưởng 1:1.
SCR tăng mạnh 20.16% có thể xuất phát từ thông tin SCR đã hoàn tất việc bán 17.3 triệu cổ phiếu STB, do đó sẽ mang lại khoản lợi nhuận khá lớn trong các quý tiếp theo.
Bên cạnh đó, hoạt động quý 1/2012 cũng có nhiều khả quan khi lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ đạt 91.38 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Lãi lớn của SCR chủ yếu đến từ mảng hoạt động liên doanh, liên kết. Chỉ riêng mảng hoạt động này mang lại cho SCR 87.71 tỷ đồng.
SHS tăng mạnh 15.07% nhưng không có thông tin mới trong tuần qua. Nhiều khả năng SHS tăng mạnh là do hoạt động bắt đáy diễn ra khi cổ phiếu này bì xả hàng khá mạnh trong tuần giao dịch trước. Ngoài ra, cổ phiếu Chứng khoán thường tăng mạnh khi thị trườn hồi phục.
CTA tăng mạnh có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh khả quan. Mặc dù doanh thu đạt 5.1 tỷ đồng giảm 42% nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 273 triệu đồng tăng mạnh gần 3 lần.
Ở phía giảm điểm, đáng chú ý có THV giảm mạnh 20.83% trên HNX và KMR giảm 11.86% trên HOSE.
Xu hướng giảm điểm của THV có thể bắt nguồn từ lợi nhuận hợp nhất quý 1 lỗ gần 88.7 tỷ đồng. Hoạt động của THV trong quý 1 kém hiệu quả khi lợi nhuận gộp âm 12.27 tỷ đồng, hoạt động tài chính lỗ gần 43 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng mạnh lên 38.56 tỷ đồng.
KMR không có thông tin mới trong tuần qua. Do đó, việc giảm điểm của KMR có thể xuất phát từ hoạt động chốt lời khi cổ phiếu này đã tăng khá mạnh trong tuần trước đó.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|