Thứ Sáu, 04/05/2012 10:38

Chủ tịch SHB: Sáp nhập HBB là cơ hội kinh doanh tốt

Ông Đỗ Quang Hiển

Đó là khẳng định của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB khi đề cập đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng sau sáp nhập.

Theo Đề án sáp nhập HBB trình ĐHCĐ ngân hàng này vừa qua, do đánh giá lại tài sản theo kết quả kiểm toán đặc biệt thì HBB bị lỗ tạm thời hơn 4.000 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về khoản lỗ tạm thời này?

Theo Báo cáo đánh giá lại tài sản và các khoản dự phòng liên quan của HBB do Công ty Kiểm toán Ernst & Young thực hiện thì HBB chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng, số lỗ này trên cơ sở trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản cho vay và đầu tư ở mức độ xảy ra rủi ro cao nhất. Nguyên nhân chính là do trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu của Vinashin ngay trong năm đầu lên tới 2.236,36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau ĐHCĐ của HBB, HĐQT HBB và SHB đã tiếp tục xem xét và dự tính các giải pháp thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo lợi ích các cổ đông và tạo thuận lợi cho sự phát triển của Ngân hàng SHB sau sáp nhập. Chúng tôi sẽ xây dựng phương án trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu Vinashin trong vòng 5 năm, mỗi năm là 447,2 tỷ đồng. Như vậy, số lỗ lũy kế của HBB tại thời điểm 29/2/2012 là 1.829 tỷ đồng chuyển sang SHB sau sáp nhập.

Vậy theo ông, làm thế nào để cổ đông của SHB sau sáp nhập tin tưởng rằng khoản lỗ này sẽ được bù đắp đủ trong năm 2012 và kể từ năm 2013 sẽ có lãi?

Trước khi có phương án sáp nhập HBB, kết quả kinh doanh của SHB năm 2011 có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng và kế hoạch kinh doanh năm 2012 dự kiến đạt lợi nhuận hơn 1.250 tỷ đồng.

Đồng thời, căn cứ vào kết quả kinh doanh bình thường của HBB trong các năm trước (trước khi xảy ra khó khăn về tài chính) thì lợi nhuận của HBB cũng đạt gần 600 tỷ đồng/năm. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh 2012 của Ngân hàng SHB sau sáp nhập với lợi nhuận dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi và đủ bù đắp khoản lỗ lũy kế 1.829 tỷ đồng (nêu trên). Kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận năm 2012 đạt 1.850 tỷ đồng có đầy đủ cơ sở khoa học và các giải pháp hợp lý  như sau:

Một là, thu hồi các khoản nợ quá hạn từ tiền gửi thị trường liên ngân hàng của HBB trước khi sáp nhập. Khoản tiền gửi quá hạn này cũng đã được trích lập dự phòng là 263 tỷ đồng theo yêu cầu  của công ty kiểm toán. Khả năng thu hồi khoản nợ này là 100%.

Hai là, dự kiến thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu của HBB đã được trích lập dự phòng đầy đủ là 560 tỷ đồng trước khi sáp nhập. Thực tế, có rất nhiều khoản mục lỗ lũy kế của HBB trước khi sáp nhập đều có tài sản đảm bảo đầy đủ và có thể thu hồi được.

Với thời gian hoạt động trên 20 năm, HBB có lợi thế lớn về thị trường, thị phần.

Ba là, đối với khoản nợ vay và trái phiếu của Vinashin, dự kiến 30% sẽ được chuyển đổi thành trái phiếu Vinashin phát hành có bảo lãnh thanh toán của Chính phủ. Vì vậy, nợ Vinashin sau sáp nhập vào SHB chỉ còn lại 70%, dư nợ xấu và trái phiếu Vinashin sẽ được trích lập dự phòng phân bổ đều trong 5 năm. Trái phiếu này SHB sẽ sử dụng để vay trên OMO với lãi suất tương đối thấp so với lãi suất huy động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh doanh của SHB.

Bốn là, NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn 25% trên tổng dư nợ và trái phiếu  Vinashin với lãi suất 10%/năm trong thời hạn 5 năm và được tăng, giảm tùy từng thời điểm. Đây là nguồn vốn lãi suất thấp, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của SHB sau sáp nhập.

Năm là, thu hồi các khoản ủy thác đầu tư mà theo yêu cầu của kiểm toán trích lập dự phòng rủi ro có tài sản đảm bảo. Chúng tôi đánh giá sẽ thu hồi được các khoản ủy thác này trong năm 2012 là 50%.

Sáu là, sau sáp nhập, SHB đã có kế hoạch cấp vốn đảm bảo thanh khoản cho HBB, đồng thời, giảm lãi suất huy động bình quân đầu vào của HBB vì lãi suất huy động bình quân của SHB thấp hơn rất nhiều so với HBB và SHB đang thừa vốn khả dụng. Đồng thời, chúng tôi có kế hoạch cơ cấu lại các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng của HBB trước sáp nhập nhằm giảm lãi suất huy động bình quân đầu vào, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh đáng kể trong năm 2012.

Bảy là, sau sáp nhập, SHB sẽ đẩy mạnh phát triển tín dụng khu vực sản xuất nông nghiệp - nông thôn, nhằm đảm bảo cơ cấu tín dụng cho vay phục vụ khu vực này chiếm 40% tổng dư nợ toàn hệ thống. Như vậy, theo chính sách của NHNN hiện nay thì SHB sẽ được giảm 40% tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường theo quy định của NHNN. Điều này giảm đáng kể chi phí đầu vào của SHB trong năm 2012.

Tám là, tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh sau sáp nhập.

HBB hoạt động không hiệu quả và đang bị lỗ rất nặng. Vậy, tại sao SHB lại nhận sáp nhập HBB, thưa ông? Dưới con mắt của một nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về thương vụ này?

Là một ngân hàng TMCP, chúng tôi luôn đặt lợi ích các cổ đông lên trước tiên. Do đó, khi thực hiện một thương vụ kinh doanh mới, SHB phải tính toán thận trọng và kỹ lưỡng. Chúng tôi đánh giá đây là một cơ hội kinh doanh tốt, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của SHB và kỳ vọng của các cổ đông, nhà đầu tư.

Thương vụ HBB sáp nhập vào SHB thành công sẽ hình thành một định chế tài chính có vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng (tính đến 29/2/2012), có hệ thống mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước với 242 chi nhánh, phòng giao dịch, gần 4.600 CBNV đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, với thời gian hoạt động hơn 20 năm qua, HBB đã có những lợi thế lớn về thị trường, thị phần, khách hàng thân thiết truyền thống và đa dạng sản phẩm, dịch vụ tiện ích… Đó là những thế mạnh của SHB sau sáp nhập.

Sau sáp nhập, SHB trở thành 1 trong 10 NHTM lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và thị phần. Nếu không có thương vụ sáp nhập HBB, để đạt được quy mô lớn và các lợi thế trên, SHB cần ít nhất thời gian 5 năm nữa với các chi phí rất lớn.

Đối với lợi ích cổ đông của SHB thì sau khi nhận sáp nhập HBB, trong năm 2012, cổ đông SHB cũ (theo danh sách chốt trước ngày sáp nhập) sẽ được chia thêm 0,21% cổ phiếu/1 cổ phiếu đang sở hữu. Đây được xem như là cổ tức mà SHB được chia trong năm 2012. Đến năm 2013, kế hoạch kinh doanh của SHB sẽ có lãi và đảm bảo chi trả cổ tức cho các cổ đông sau sáp nhập tối thiểu bằng lãi suất huy động tại thời điểm đó. Chúng tôi tin tưởng, với những lợi ích và các giải pháp đồng bộ, cụ thể nêu trên, Ngân hàng SHB sau sáp nhập sẽ hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, minh bạch, đảm bảo tối đa lợi ích, quyền lợi của các cổ đông và nhà đầu tư.

Như ông vừa nói, cổ đông SHB sẽ được chia cổ phiếu tỷ lệ 0,21% vốn điều lệ ngay trước khi sáp nhập và theo Đề án sáp nhập thì tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1 cổ phiếu HBB được 0,75 cổ phiếu SHB. Cách thức và tỷ lệ chuyển đổi trên liệu có được NHNN và UBCK chấp thuận?

Những nội dung này được thể hiện trong Đề án sáp nhập của hai ngân hàng và dự thảo hợp đồng sáp nhập đã được trình lên NHNN, UBCK. Về cơ bản, các cơ quan này đã đồng ý về mặt nguyên tắc.

Hiền Linh thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   VNR từ chối quyền mua cổ phần TienPhongBank (04/05/2012)

>   SCIC chưa tiếp cận đề nghị hoán đổi cổ phiếu FPT Telecom (04/05/2012)

>   HUT: Dự kiến phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (04/05/2012)

>   SHB - HBB và câu chuyện minh bạch với cổ đông (04/05/2012)

>   HDC phát hành 3.5 triệu cổ phiếu trả cổ tức (03/05/2012)

>   Trường Hải mua Soo Sung, bước đi ngắn trong chiến lược dài (03/05/2012)

>   Tình tiết mới trong sự kiện HBB sáp nhập vào SHB (03/05/2012)

>   SDI nộp hồ sơ chào bán 70 triệu cổ phiếu, giá 10,000 đồng/cp (02/05/2012)

>   Cảng Cái Lân nộp hồ sơ chào bán 10.5 triệu cổ phiếu (02/05/2012)

>   SCG tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp trong nước (02/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật