Thứ Tư, 16/05/2012 15:51

Cấp lại chứng nhận ĐKKD cho HapulicoRes: Khuất tất và bất thường

Có nhiều dấu hiệu bất thường và khuất tất trong việc cơ quan chức năng cấp lại chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hapulico khi đang có tranh chấp tại doanh nghiệp này.

Có hay không những lý do “tế nhị”?

Báo Đầu tư trong số 47 (ra ngày 18/4/2012) và 52+53 (ra ngày 30/4) đã đăng các bài phân tích về những bất thường xung quanh bản án “ma” của Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội trong vụ tranh chấp 2,64 triệu cổ phần giữa Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hapulico (gọi tắt là HapulicoRes) và cổ đông sáng lập là Công ty cổ phần Tư vấn – Đầu tư xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình).

Sau khi các bài báo trên được đăng tải, Công ty Ba Đình đã gửi tới Báo Đầu tư thêm một số tài liệu mới, với các tình tiết cho thấy, vụ việc không chỉ có những dấu hiệu bất thường từ việc xét xử tại TAND TP.Hà Nội, mà ngay cả việc cấp lại đăng ký kinh doanh cho HapulicoRes của Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) nhằm loại bỏ Công ty Ba Đình khỏi danh sách cổ đông sáng lập, cũng có những dấu hiệu bất thường tới mức khó tin. Trước tiên, xin tóm tắt lại nội dung vụ việc để độc giả tiện theo dõi.

Khi HapulicoRes được thành lập năm 2008, Công ty Ba Đình đã được công nhận là cổ đông sáng lập khi đóng góp 41 tỷ đồng vào vốn điều lệ (chiếm 24%) của HapulicoRes và được sở hữu 2,64 triệu cổ phần. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi đóng góp cổ phần, phía Công ty Ba Đình đã vay lại của chính HapulicoRes số tiền 45 tỷ đồng, với đầy đủ hợp đồng tín dụng đi kèm một cách công khai. Tuy nhiên, việc này là nguyên nhân gây ra tranh chấp khi các cổ đông khác của HapulicoRes cho rằng, đây thực chất là việc rút vốn, và Công ty Ba Đình đã mất tư cách cổ đông sáng lập, đồng thời không còn quyền sở hữu 2,64 triệu cổ phần.

Xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp này, ngày 3/1/2012, tại bản án số 01/2012/KDTM-ST, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án, Công ty Ba Đình không còn là cổ đông sáng lập và mất quyền sở hữu 2,64 triệu cổ phần nói trên, đồng thời phải trả cho HapulicoRes số tiền hơn 4,302 tỷ đồng và lãi suất chậm thi hành án, do thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Bốn ký.

Không đồng tình với phán quyết của tòa, ngay sau phiên xét xử, ngày 5/1/2012, Công ty Ba Đình đã có đơn kháng cáo gửi TAND TP Hà Nội. Sau đó, TAND Hà Nội ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm gửi Công ty Ba Đình. Trong thông báo này, TAND Hà Nội xác định “đơn kháng cáo hợp lệ” và yêu cầu Công ty Ba Đình liên hệ với cơ quan thi hành án nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Ngày 13/1/2012, đại diện Công ty Ba Đình đã đến Cục Thi hành án dân sự Hà Nội nộp tiền tạm ứng án phí và đem biên lai thu tiền của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội nộp cho thẩm phán Nguyễn Văn Bốn của TAND Hà Nội, đồng thời nhận lại bản án số 01/2012/KDTM-ST có đóng dấu “Án chưa có hiệu lực pháp luật”.

Nhưng ngay sau đó, dù đã đóng dấu “Án chưa cho hiệu lực pháp luật” cho Công ty Ba Đình, thẩm phán Nguyễn Văn Bốn lại tiếp tục xác nhận cho văn thư đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” cho bản án sơ thẩm này, dẫn tới việc ngày 13/3/2012 Cục Thi hành án dân sự Hà Nội ban hành quyết định số 186/QĐ-CTHA với nội dung: “thi hành bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST ngày 3/1/2012 theo đơn yêu cầu của HapulicoRes”.

Với bản án “có hiệu lực pháp luật” (thực chất hoàn toàn không có hiệu lực pháp luật), ngày 20/3/2012, HapulicoRes nộp hồ sơ xin thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 TP. Hà Nội. Căn cứ vào hồ sơ của HapulicoRes, ngày 30/3/2012, Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 đã cấp cho HapulicoRes bản Đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 7, trong đó loại Công ty Ba Đình ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập.

Tuy nhiên, với những tài liệu, chứng cứ do Công ty Ba Đình cung cấp, việc cấp lại đăng ký kinh doanh cho HapulicoRes cũng có dấu hiệu bất thường.

Cụ thể, theo tài liệu mà Công ty Ba Đình cung cấp, ngày 20/3/2012, HapulicoRes đã nộp hồ sơ xin cấp lại đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh số 2, có kèm theo bản sao bản án số 01/2012/KDTM-ST được đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” của TAND TP. Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện sự việc, ngày 21/3/2012, Công ty Ba Đình đã làm đơn tố cáo gửi Phòng Đăng ký kinh doanh số 2, kèm theo bản sao bản án số 01/2012/KDTM-ST có đóng dấu “Án chưa có hiệu lực pháp luật” của TAND TP.Hà Nội và đề nghị không cấp lại đăng ký kinh doanh cho HapulicoRes. Thế nhưng, ngày 30/3/2012, Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 7 cho HapulicoRes, do Phó trưởng phòng Trần Hà Thanh ký.

Đây là việc hoàn toàn khó hiểu, bởi theo nguyên tắc, khi nhận được đơn tố cáo kèm theo một bản án với hai quyết định trái ngược nhau TAND TP.Hà Nội, nếu không bị cản trở bởi lý do “tế nhị” nào đó, các cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 nhất định pahri kiểm lại lại tính xác thực của hồ sơ. Hơn thế, có lẽ, việc cấp lại đăng ký kinh doanh không thể vội vã tới mức, không thể mời được các bên liên quan đến làm việc trực tiếp trước khi quyết định cấp lại cho HapulicoRes.

Cũng không thể nói việc cấp lại giấy phép cho HapulicoRes của Phòng Đăng ký kinh doanh số 2, khi Công ty Ba Đình đã có đơn tố cáo chỉ một ngày sau khi HapulicoRes nộp hồ sơ là “sơ suất”. Bởi, ngay trước khi cấp lại giấy phép cho HapulicoRes một ngày, tức là ngày 29/3/2012, Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 đã có Công văn số 42/CV-ĐKKD2 trả lời đơn tố cáo của Công ty Ba Đình, trong đó khẳng định hồ sơ xin cấp phép của HapulicoRes kèm theo bản sao bản án “có hiệu lực pháp luật” số 01/2012/KDTM-ST là hoàn toàn hợp lệ. Nếu “sơ suất” dẫn tới bỏ sót đơn tố cáo của Công ty Ba Đình, tại sao ngày 29/3/2012 lại có công văn trả lời đơn tố cáo của Công ty Ba Đình?!

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện phía Công ty Ba Đình cho biết, ngày 12/5/2012, Công ty đã nhận được văn bản số 171/TB-ĐKKD ký ngày 25/4 của Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 với nội dung như sau: “căn cứ vào khoản 6, điều 32 Luật Khiếu nại tố cáo 2005 có quy định: khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết: việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toán án”. Điều này có nghĩa là, phía Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 vẫn cho rằng, việc cấp giấy thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 7 cho  HapulicoRes là hoàn toàn hợp pháp.

Trong một diễn biến khác, phía đại diện của Công ty Ba Đình cho biết, đến ngày 14/5/2012, tức là đã gần 2 tháng tính từ ngày việc khiếu nại hợp pháp của họ được tiến hành, họ vẫn chưa biết được quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ như thế nào.

Theo Luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K & Cộng sự, việc cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh cho HapulicoRes, trong đó loại bỏ Công ty Ba Đình ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập khi Công ty đã có đơn tố cáo là hoàn toàn sai quy định. Việc này sẽ dẫn tới những hệ lụy pháp lý rất phức tạp cho các bên liên quan, mà người chịu thiệt hại nhiều nhất là Công ty Ba Đình.

Với những biểu hiện có chiều hướng thiên lệch như đã phân tích ở trên, thiết nghĩ, cần phải đặt ra câu hỏi về nguyên nhân của sự “sốt sắng quá mức cần thiết khi thi hành công vụ”. Nếu thực sự muốn tìm ra lý do, nhất định phải tiến hành truy tìm nguồn cơn của những điều được gọi là “lý do tế nhị”.

Hệ lụy pháp lý

Trở lại bản án số 01/2012/KDTM-ST, trước phản ứng của Công ty Ba Đình và công luận về những khuất tất khi cùng một bản án lại cùng lúc đưa ra hai quyết định trái chiều, ngày 20/4, thẩm phán Nguyễn Văn Bốn đã ban hành thông báo số 303/TA-KT, quyết định thu hồi bản án có hiệu lực pháp luật số 01/2012/KDTM-ST ngày 3/1/2012 tới các đương sự. Điều đó đồng nghĩa với việc loại bỏ về mặt pháp lý đối với Giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 7 mà Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 đã cấp cho HapulicoRes. Nhưng điều đó không có nghĩa sẽ không còn những rắc rối pháp lý, mà ngược lại sẽ phát sinh thêm nhiều rắc rối cho các đương sự liên quan.

Về 2,64 triệu cổ phần tranh chấp, theo luật sư Khoát, trong trường hợp phiên xét xử phúc thẩm, tòa phúc thẩm ra phán quyết trái ngược với bản án sơ thẩm, tức là phần sở hữu 2,64 triệu cổ phần thuộc về Công ty Ba Đình, thì việc đòi lại tài sản đối với Công ty Ba Đình sẽ khó có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Đó là hệ lụy lớn nhất của việc cấp phép đăng ký kinh doanh sai quy định. Câu hỏi đặt ra là, khi thiệt hai, ai sẽ người phải chịu trách nhiệm với những rủi ro doanh nghiệp phải chịu?

Thanh Hải

đầu tư

Các tin tức khác

>   SAM lãi hợp nhất 38 tỷ trong quý 1/2012 nhờ hoàn nhập (16/05/2012)

>   LDP: Trả cổ tức 30% cho năm 2011 bằng tiền mặt (16/05/2012)

>   DAG: Quý 1 lãi ròng hợp nhất 3.6 tỷ đồng (16/05/2012)

>   DAC: Quý 1 lãi trước thuế 38 triệu đồng, bằng 1% kế hoạch (16/05/2012)

>   PNJ: Quý 1, doanh số vàng miếng giảm đến 68% (16/05/2012)

>   PET: Mất thu nhập bất thường, lãi hợp nhất quý 1 giảm mạnh (16/05/2012)

>   KDC: Quý 1 lãi ròng hợp nhất vỏn vẹn 360 triệu đồng (16/05/2012)

>   EBS: Lãi ròng hợp nhất quý 1 tăng 20 lần nhờ lợi nhuận khác (16/05/2012)

>   SDY: Đặt kế hoạch lãi sau thuế 4.7 tỷ đồng trong năm 2012 (16/05/2012)

>   Công ty ô tô Trường Hải thua kiện (16/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật