Chủ Nhật, 13/05/2012 08:32

Cà phê: Giá tăng nhưng chưa hết lo

Giá robusta trên thị trường nội địa sáng nay thứ Bảy, 12-5 cán qua mức 41.000 đồng, nhờ giá kỳ hạn liên tục tăng lên từng ngày trong tuần. Càng tăng, hàng càng có cơ hội bán ra không như các năm trước giá càng tăng hàng càng hiếm càng căng. Giá kỳ hạn robusta tiếp tục “vắt” nhẹ, nên xuất khẩu tháng 5-2012 có thể sẽ không giảm như nhiều người ước đoán.

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta NYSE Liffe trong tuần (tác giả tổng hợp)

Giá tăng nhưng thị trường không căng

Từ quanh mức 40.000 đồng/kg dịp đầu tuần, giá cà phê nhân xô trên thị trường nội địa liên tục tăng. Đến sáng hôm nay 12-5, giá đã cán qua mức 41.000 đồng.

Theo nhận định của một số đại lý cung ứng, tuy giá tăng, lượng hàng ra thị trường vẫn khá đều. Một đại lý tại Di Linh, Lâm Đồng nói: “Các năm trước, giá càng tăng, thị trường càng căng vì lượng hàng càng lúc càng bó lại. Riêng năm nay, giá lên bao nhiêu, hàng vẫn có đủ để mua vào. Chỉ còn vấn đề là liệu có tiền đủ để mua không”.

Đó âu cũng là đặc điểm mua bán cà phê trên thị trường nội địa năm nay. Thực vậy, người bán chỉ chọn người uy tín, có tiền mặt trả ngay khi giao hàng. Do lượng tiền mặt ít, người thu gom cũng hết sức dè dặt và ít người “vung tay quá trán”.

Chính vì thế, ngay cả các nhà xuất khẩu lớn phải dùng phương thức “mua đi bán lại” nhanh chóng, không đầu cơ tích trữ như các năm trước. Trong khi đó, người còn hàng trên thị trường bán ra khá đều đặn, có tổ chức, nhờ vậy mà giá nội địa luôn giữ được giá cao.

Tính từ vài tháng nay, rất ít khi giá xuống mức 38.000 đồng/kg mà chỉ quanh quẩn mức 39.000-40.000 đồng để rồi lựa cơ hội giá tăng bán tiếp với mức cao hơn như sáng hôm nay.

Do lượng tiền mặt vừa phải, hàng ra trên thị trường không ồ ạt và không tạo “thành sức ép bán ra”, tạo giá giảm như các vụ cũ.

Sau một tuần, giá robusta trên sàn giao dịch hàng hóa NYSE Liffe London tăng thêm 108 đô la Mỹ/tấn cơ sở giao dịch tháng 7-2012, để đóng cửa chốt mức 2.127 đô la/tấn, là mức cao nhất tính từ tám tháng rưỡi nay (xin xem biểu đồ phía trên).

Giá nội địa vững, hạn chế hoạt động của đầu cơ

Cũng chính nhờ giá nội địa luôn luôn được giữ vững, đầu cơ tài chính trên thị trường không còn cơ hội gom hàng giá ẻ để khống chế và làm chao đảo thị trường về sau.

TỒN KHO GCA (Mỹ) ĐẾN HẾT 31-3-2012

Biểu đồ 2: Tồn kho GCA (Mỹ) tiếp tục giảm (tác giả tổng hợp)

Chính nhờ giá nội địa vừa vững vừa bền, giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa cảng đi (ports of departure) và cảng đến (ports of destination) của cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ chủ yếu được giữa quanh mức trừ 20-40 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn robusta NYSE Liffe.

Ở mức này, những rắp tâm của đầu cơ mua hàng để bán lên sàn với số lượng lớn đều khó được thực hiện vì giá loại 2 theo tiêu chuẩn của sàn được qui định ở mức trừ 30 đô la/tấn dưới giá niêm yết Liffe NYSE.

Những ngày qua, giá kỳ hạn tăng mạnh, nhưng vẫn khó “đạp” giá xuất khẩu xuống sâu hơn như trừ 50-70 đô la/tấn dưới giá London chẳng hạn.

Chính vì thế, cà phê tồn kho đang neo tại các kho ở các nước tiêu thụ đang bị “gặm nhấm” dần. Trong tuần qua, báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê nhân (Green Coffee Association – GCA) của Mỹ cho rằng tính đến hết cuối tháng 3-2012, tồn kho toàn Mỹ giảm 127.930 bao (bao 60 kg), chỉ còn 4.372.087 bao (xin xem biểu đồ 2 phía trên) tiếp theo các thông tin tồn kho châu Âu giảm đã đưa trong các bản tin trước đây.

Chưa hết chuyện phải lo

Biểu đồ 3: Giá cách biệt giữa arabica và robusta trên 2 sàn Ice và Liffe NYSE (tác giả tổng hợp)

Trong khi giá robusta trên sàn kỳ hạn London tăng mạnh, giá arabica Ice vẫn “lẽo đẽo” một cách khó chịu vì nhiều người tin rằng sản lượng cà phê niên vụ này của Brazil sẽ lớn hơn. Mặt khác, đồng nội tệ Real của Brazil (BRL) đang mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu Brazil bán ra mạnh.

Trong tuần, tin từ CONAB, một cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ Brazil cho rằng sản lượng niên vụ này, Brazil ước sẽ đạt 50,45 triệu bao cà phê, trong đó có 38,1 triệu bao arabica và 12,4 triệu bao robusta.

Đồng BRL xuống còn 1 đô la Mỹ ăn 1,9531 BRL so với cách đây không bao lâu chỉ 1,70 BRL. Giá arabica Ice khuya hôm qua giảm 1,50 cts/lb chỉ còn 177,15 cts/lb cơ sở tháng 7-2012.

Trong tuần, Reuters cũng đưa ra ước đoán rằng trong tháng 5-2012, xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể chỉ còn chừng 110.000-130.000 tấn. Song, với giá nội địa tăng đang quanh mức 41.000 đồng/kg, với cấu trúc giá kỳ hạn tháng 7 và 9 tiếp tục “vắt” cao hơn giá tháng 11-2012 (nay đang ở mức 2.024 đô la/tấn), lượng hàng đi trong tháng 5-2012 vẫn khó suy giảm, thậm chí còn có cơ hội bằng hoặc lớn hơn lượng xuất khẩu tháng 4-2012 (ước trên 150.000 tấn).

Giá “vắt”, tức giá tháng giao hàng gần cao hơn tháng xa, do cầu thị trường đang thiếu hàng giao cục bộ. Với hiện tượng này, thị trường khuyến khích người đang có hàng tại các cảng đi đưa hàng nhanh đến các cảng đến để tranh thủ bán giá cao hơn so với các tháng về sau.

Tuần này, giá arabica trên sàn kỳ hạn cà phê arabica Ice (New York) tiếp tục yếu hơn robusta Liffe NYSE (London). Nên, giá cách biệt (arbitrage) giữa hai thị trường này co lại dưới mức 1.800 đô la/tấn. Với giá cách biệt càng lúc càng co lại, giai đoạn khó khăn về thị trường của robusta so với arabica cũng đang được kéo về gần hơn.

Phải chăng, là nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới, Việt Nam nên lo về thị trường ngay từ bây giờ chứ kẻo muộn?

Nguyễn Quang Bình

tbktsg

Các tin tức khác

>   Sản lượng đường 2011-12 dự kiến đạt 1,3 triệu tấn (13/05/2012)

>   Lo thiếu nguồn cung, giá cà phê tăng (11/05/2012)

>   Tín hiệu cà phê robusta châu Á hấp dẫn khách hàng (11/05/2012)

>   Dự báo giá đậu tương sẽ tăng cao (10/05/2012)

>   Đường, cà phê tăng từ mức thấp nhất nhiều tháng (10/05/2012)

>   Giá cao su giảm do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu (09/05/2012)

>   Giá cá tra tiếp tục giảm mạnh (09/05/2012)

>   Đường, cà phê, cacao đều tăng (09/05/2012)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lãi lớn (07/05/2012)

>   Xuất khẩu gạo: Lại lo doanh nghiệp “xé rào” (07/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật