Báo cáo của EVN về thủy điện sông Tranh 2 chưa nghiêm túc
Các chuyên gia đầu ngành về thủy điện đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội ngày 18-5 ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Nước vẫn chảy ở nhiều nơi vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ |
Sau khi đi thị sát, nhiều đại biểu và các chuyên gia phản ứng gay gắt về cách khắc phục và phương pháp khắc phục chắp vá hiện nay của công trình này.
Chưa ai thấy nhật ký thi công!
Sau gần một giờ khảo sát ba đường hầm chính trong thân đập thủy điện, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Nam và đại diện chủ đầu tư dự án. Theo ông Trần Văn Được - phó chủ tịch Tập đoàn Điện lực VN (EVN): 10 khe nhiệt lớn nhất ở thân đập Sông Tranh 2 đang được Viện Khảo sát thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc) tổ chức khảo sát. Dự kiến từ ngày 15-6 đến 15-8 sẽ tổ chức xử lý. Riêng 20 khe nhiệt còn lại, EVN đang ký hợp đồng với Viện Khoa học và công nghệ (Bộ Xây dựng) xử lý. Ông Được cho rằng việc thấm nước thời gian đầu không ảnh hưởng đến an toàn, nhưng về lâu dài ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Sau khi nghe báo cáo của Ban quản lý thủy điện 3 và EVN, phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: sau khi tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong hầm, rõ ràng công tác quan trắc còn rất sơ sài và các đại biểu tỏ ra hoài nghi về cách ứng phó hiện nay của chủ công trình này. “Một người ốm phải tìm hiểu nguyên nhân và khám kỹ, chữa cho đúng bệnh. Sông Tranh 2 bây giờ chỉ cho uống thuốc hạ nhiệt nhưng chưa biết bệnh có đúng hay chưa? Các phương pháp khoa học áp dụng ở đây chưa thuyết phục được tôi. Hồ sơ và nhật ký thi công ở đâu chưa ai thấy” - ông Nhân nhấn mạnh. Ông Trần Việt Hùng, phó chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật VN, thắc mắc: “Thủy điện Sơn La có vài chục kịch bản, mô hình xử lý cho việc chống lũ hạ du, trong khi đó thủy điện Sông Tranh 2 gần dân hơn, nguy hiểm hơn sao không có kịch bản?”.
Báo cáo chưa nghiêm túc
Lần đầu tiên sau sự cố rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2, hai nhà khoa học hàng đầu về thủy điện và thủy lợi là GS.TS Vũ Trọng Hồng và GS Nguyễn Thế Hùng được mời khảo sát độc lập công trình này. Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, ông Hồng cho rằng việc báo cáo hôm nay của Ban quản lý dự án thủy điện 3 và EVN với đoàn công tác là: “Đây là đập lớn sau Sơn La, thuộc cấp 1, nhưng nếu vùng hạ du có TP Tam Kỳ và TP Hội An thì đập này phải nâng lên cấp đặc biệt”. Theo GS Hồng, cuộc họp hôm nay chỉ có giá trị tham khảo chứ không thể là chính thức để nói trước Quốc hội. “Rõ ràng đây là sự cố bất thường. Tôi bảo đảm mời các chuyên gia nước ngoài vào thì họ lắc đầu và không ai dám chữa” - GS Hồng nhấn mạnh.
Từ việc quan sát lượng nước chảy khi mực nước đang ở cao trình 156m, ông Hồng cho rằng nếu mực nước ở cao trình 175m cộng với lực gia cường thì lực nước sẽ rất mạnh. “Tôi đề nghị khoan vào thân đập để lấy mẫu xem. Nước chảy như vậy mà bảo đập vẫn an toàn là sao? Nếu có báo cáo với Quốc hội thì hãy để các chuyên gia độc lập, kể cả chuyên gia nước ngoài, đánh giá lại toàn bộ con đập này. Báo cáo của chủ dự án tôi cho rằng chưa nghiêm túc” - GS Hồng bức xúc.
Theo ông Phan Xuân Dũng - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội: “Các phương án khắc phục nếu chưa đảm bảo cần có các phương án bổ sung. Nước chảy qua khe nhiệt gần 80 lít/giây là điều không ai mong muốn, tuy nhiên cần rút kinh nghiệm để khỏi xảy ra trường hợp tương tự”.
Tấn Vũ
Tuổi trẻ
|