4 thách thức đối với thị trường chứng khoán Campuchia
Dù đã áp dụng một số biện pháp ưu đãi nhưng thị trường chứng khoán Campuchia vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Là một thị trường sơ khai (frontier market), Campuchia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chính phủ nước này đang mở cửa và tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Hiện vẫn chưa có quy định nào về kiểm soát vốn cũng như các yêu cầu đối với việc thành lập công ty liên doanh. Theo đó, các công ty nước ngoài có thể sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp trong nước.
Giới hạn duy nhất là về quyền sở hữu đất đai của doanh nghiệp nước ngoài. Với lực lượng lao động trẻ và chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc, Campuchia đã và đang thu hút các công ty nước ngoài. Dù có những ưu đãi như vậy nhưng theo phóng viên Pauline Chiou của CNN thì thị trường chứng khoán Campuchia vẫn còn đối mặt với 4 thách thức sau đây:
Thứ nhất, nhà đầu tư ngắn hạn chiếm đa số
Dù chỉ với một doanh nghiệp niêm yết nhưng Sở GDCK Campuchia (CSX) đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong 3 ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPWSA) tăng 60% so giá chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng trong tuần sau đó, các nhà đầu tư ngắn hạn bắt đầu xả hàng để chốt lời. Do vậy, giá cổ phiếu PPWSA sụt giảm đáng kể và lùi về sát giá IPO.
Ông Han Kyung-tae, Giám đốc điều hành Tong Yang Securities, đơn vị bảo lãnh duy nhất của PPWSA, cho biết: “Đây là một hiện tượng bình thường đối với một sàn chứng khoán mới. Tình trạng tương tự từng xảy ra đối với thị trường chứng khoán Lào và Việt Nam. Tôi không bất ngờ về điều này”.
Ông nói thêm: “Chỉ trong vài ngày, một số nhà đầu tư đạt được mức lợi nhuận tới 50%. Đây thường là những nhà đầu tư ngắn hạn và phải mất một thời gian mới có thể hiểu hết về thị trường và tiến hành các khoản đầu tư dài hạn”.
Thứ hai, cần thêm nhiều công ty niêm yết
Để phát triển mạnh, thị trường cần thêm nhiều công ty niêm yết. Mở cửa từ tháng 1/2011 nhưng hiện thị trường chứng khoán Lào cũng chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết và khối lượng giao dịch tương đối èo uột. Đây là điều mà nhà đầu tư không muốn lặp lại tại CSX. Được biết, một doanh nghiệp quốc doanh khác là Công ty Viễn thông Campuchia (TC) đang chuẩn bị IPO vào cuối năm nay.
Ông Scott Lewis - Giám đốc đầu tư của công ty chuyên đầu tư vào các thị trường sơ khai Leopard Capital cho biết: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không thể có hàng chục doanh nghiệp giao dịch trên sàn. Rất nhiều ngân hàng lớn đủ điều kiện niêm yết. Theo tôi được biết thì một số công ty môi giới đang chuẩn bị cho một số công ty sản xuất hàng may mặc lên sàn theo yêu cầu từ các công ty này”.
Ông cũng tin tưởng rằng thành công của CSX có thể tạo ra hiệu ứng domino. Theo đó, nếu giao dịch trên CSX bắt đầu sôi động, các công ty chứng khoán có thể ra báo cáo nghiên cứu về các doanh nghiệp niêm yết của Lào và Campuchia, qua đó thu hút sự quan tâm của giới đầu tư khu vực. Vấn đề quan trọng là phải có thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn và tạo ra khối lượng giao dịch lớn.
Thứ ba, thiếu báo cáo tài chính đã được kiểm toán
Để niêm yết trên CSX, một doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính được kiểm toán ít nhất 3 năm bởi công ty kiểm toán quốc tế do Chính phủ Campuchia cấp phép. Đây là một khó khăn lớn đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Tính đến tháng 9/2011, một nhà phân tích cho biết ông không thể tìm ra được một doanh nghiệp lớn nào của Campuchia với báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Vì thế, cần nhiều thời gian để một số doanh nghiệp trong nước đáp ứng được yêu cầu này.
Thứ tư, sự biến động mạnh của một thị trường sơ khai
Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hết sức mình để quảng bá cho thị trường chứng khoán. Một màn hình lớn thể hiện diễn biến thị trường được lắp đặt tại một trong những giao lộ đông đúc nhất thủ đô Phnom Penh. Điều này góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân trong lúc đang đi đường.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tham gia vào đợt IPO vừa qua nhưng liệu họ có duy trì được mối quan tâm này hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Chứng khoán còn là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Campuchia trong khi rủi ro và biến động lại là bản chất cố hữu của một thị trường sơ khai. Bên cạnh đó còn tồn tại mối lo ngại về vấn nạn tham nhũng dù Chính phủ nước này đã thông qua luật chống tham nhũng vào năm 2010.
Giám đốc điều hành Tong Yang Securities, Han Kyung-tae, khá thẳng thắn khi nhận xét về rủi ro tại thị trường Campuchia. Ông nói: “Nhìn chung, thiếu cơ sở hạ tầng thị trường vốn có thể là một thách thức đối với nhà đầu tư. Chi phí xây dựng năng lực có thể là thách thức đối với nhà đầu tư chưa quen với một thị trường như Campuchia. Về mặt quản trị doanh nghiệp (chẳng hạn như kế toán, nguyên tắc kinh doanh), phải mất một thời gian dài để các công ty gia đình nước này làm quen. Tuy nhiên, một khi nắm bắt rõ về thị trường Campuchia, có thể có nhiều cơ hội hơn là rủi ro”.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|