ĐHĐCĐ thường niên 2012
VSP: Thông qua kế hoạch hủy niêm yết, chuyển sang UPCoM
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 họp sáng 25/04 của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (HNX: VSP) đã thông qua kế hoạch huỷ niêm yết tại HNX, chuyển sang sàn UPCoM. Trong năm nay, VSP sẽ thực hiện bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới thay thế ông Nguyễn Văn Bình.
Tính đến thời điểm 8h55, có tổng cộng 52 người đại diện hơn 21 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, vừa đủ 65% như quy định.
Đại hội bắt đầu lúc 9h00.
Với kết quả kinh doanh lỗ 3 năm liên tiếp với mức lỗ lũy kế 820.59 tỷ đồng, đặc biệt năm 2011, VSP lỗ đến 534.5 tỷ đồng, tại Đại hội lần này, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) và chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM.
Bất chấp kết quả kinh doanh lỗ và nguy cơ hủy niêm yết, cổ phiếu VSP vẫn tăng trần trong những phiên gần đây.
Tính đến 9h30 sáng nay, cổ phiếu này vẫn tăng kịch trần, và không có người bán ra. |
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc công ty cho biết, kết quả kinh doanh lỗ của VSP trong năm vừa qua chủ yếu do sự khó khăn của thị trường vẫn tải biến khi giá cước xuống thấp, trong khi chi phí lại tăng cao.
Ở các mảng kinh doanh và đầu tư bất động sản cùng các mảng khác, VSP đã triển khai nhiều dự án trong năm 2011 nhưng chưa thu được lợi nhuận.
Mảng kinh doanh gas của công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã cho kết quả khả quan.
Mặc dù hoạt động kinh doanh lỗ trong nhiều năm liên tục, nhưng ông Nguyễn Văn Bình va Ban kiểm soát công ty vẫn đánh giá cao vai trò quản trị của HĐQT khi đưa ra những quyết định kịp thời giúp công ty vượt qua khó khăn.
Thu hẹp vận tải biển, chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản
Ông Bình nhận định thị trường vận tải biển vẫn còn khó khăn trong năm 2012 và các năm khác, do vậy công ty sẽ thu hẹp mảng kinh doanh này để chuyển sang phát triển mảng hoạt động bất động sản dự báo sẽ có chuyển biến tích cực do lãi suất đang có xu hướng giảm cùng những chính sách hỗ trợ của Chính Phủ.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2012, HĐQT VSP dự kiến đạt doanh thu 2,456.54 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 132.5 tỷ đồng. |
Công ty sẽ tập trung bán, thanh lý tàu để thu hồi vốn, cắt lỗ trong sản xuất kinh doanh, đối với các con tàu sắp đến kỳ lên đà, hoạt động kém hiệu quả, các dự án đóng mới đang thực hiện dang dở để từng bước cơ cấu các khoản nợ tránh thiệt hại và giảm chi phí phát sinh.
VSP cũng từng bước triển khai và mở rộng mảng dịch vụ như đại lý môi giới, dịch vụ kỹ thuật nhất là với Công ty Trust Martime ở Singapore.
Ở mảng đầu tư bất động sản, công ty tiếp tục triển khai và tiếp đối tác hợp tác cùng thực hiện các dự án như Khu đô thị Mê Linh – Hà Nội, Cụm công nghiệp dịch vụ cảng biển tại Long An, khu giải trí dịch vụ tổng hợp tại Hà Khẩu - Quảng Ninh và dự án Điện gió tại Ninh Thuận.
Ngoài ra, công ty còn xin ý kiến để nghiên cứu, triển khai các lĩnh vực kinh doanh khác như mua bán tàu cũ để bán cho nước ngoài phá dỡ, xuất nhập khẩu hàng hóa, xăng dầu…
Phần báo cáo của HĐQT và Ban điều hành diễn ra ngắn gọn và nhanh chóng.
Đến 9h35, Đại hội chuyển sang phần thảo luận với các cổ đông.
Một cổ đông cho rằng, VSP quản lý một nguồn tài sản rất lớn gồm tàu biển và bất động sản, nhưng thời gian qua, công ty đã phạm phải sai lầm rất lớn là đã đầu tư quá giàn trải vào nhiều mảng hoạt động kinh doanh khác nhau. Cổ đông không đồng tình với kế hoạch triển khai dự án điện gió ở Ninh Thuận do “ngốn” nhiều vốn trong khi công ty đang ngập trong nợ nần.
Ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, thời gian đầu lựa chọn kinh doanh vận tải biển đã đạt nhiều hiểu quả cao, nhưng những năm gần đây thị trường khó khăn nên công ty mới bị ảnh hưởng. Do đó, thời gian qua công ty đã chủ động thu hẹp hoạt động này và tiết giảm tối đa các chi phí để bù đắp những thiệt hại trên.
Về dự án điện gió, ông Hùng cũng thừa nhận là công ty không có tiền để đầu tư dự án, nhưng công ty đã đạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí của Trung Quốc để VSP “mua chịu” các máy móc triển khai dự án này. Trong thời gian đầu, công ty chủ yếu gia công.
Đại diện cổ đông lớn Vinashin cũng cho biết đã có văn bản với HĐQT về việc chưa đồng tình với việc triển khai dự án điện gió mà phải xin ý kiến cổ đông sau đó mới tiến hành xây dựng phương án đầu tư.
Cổ đông Chu Xuân Lượng bức xúc rằng HĐQT và Ban điều hành VSP đã sai lầm hoàn toàn khi triển khai quá nhiều dự án “cỡ bự” như điện gió, cảng biển, khu công nghiệp… ngốn rất nhiều vốn, trong khi công ty không còn đồng vốn nào mà lại ngập trong nợ nần. Cổ đông này đề nghị vì sao VSP không tập trung vào các mảng kinh doanh dịch vụ để “kiếm tiền trả nợ” thì hợp lý hơn.
Ông Hùng đồng tình với quan điểm của cổ đông này. Ông cho biết, các dự án bất động sản mà VSP đang thực hiện là thừa hưởng từ thời Vinashin còn chi phối. Hiện nay, công ty không đủ vốn triển khai nên đã chủ động tìm kiếm đối tác để cùng thực hiện.
Đại diện một cổ đông tổ chức Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) thắc mắc cơ sở nào để HĐQT đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 132.5 tỷ đồng.
Ông Hùng cho biết, trong năm 2012, công ty đã tìm được đối tác để triển khai dự án Khu đô thị Mê Linh nên doanh thu, lợi nhuận năm nay sẽ chủ yếu đến từ dự án này. Theo ông Hùng, dự án này sẽ giúp công ty có tiền trả nợ duy trì hoạt động, trong khi các dự án khác vẫn chưa phát sinh doanh thu do chưa tìm được đối tác cùng thực hiện.
Đại hội diễn ra nhanh chóng và kết thúc sớm hơn dự kiến.
Các vấn đề nêu ra tại Đại hội đều được thông qua mà không vấp phải sự phản đối nào của cổ đông.
Theo đó, Đại hội thông qua kết quả kinh doanh lỗ 534 tỷ đồng năm 2011. Với kết quả này, công ty không thực hiện trích lập các quỹ và chia cổ tức cho cổ đông.
Kế hoạch kinh doanh năm 2012 cũng được thông qua với chỉ tiêu tổng 2,456.54 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 132.5 tỷ đồng. Riêng tỷ lệ cổ tức không được đề cập.
Vấn đề khá quan trọng là cổ đông đã nhất trí với kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu VSP và chuyển sang giao dịch ở sàn UPCoM.
Trong năm nay, VSP sẽ thực hiện bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới thay thế ông Nguyễn Văn Bình.
Viết Vinh (Vietstock)
Finfonet
|