Vietstock Weekly 16 – 20/04: Giảm là cơ hội để tích lũy cổ phiếu?
Cầu yếu khiến cho việc tăng giá nguyên liệu cơ bản tác động lên lạm phát không đáng kể, nếu so với các năm trước đây.
*Chứng khoán Tuần 09 - 13/04: Xúc tác chính sách vĩ mô, thị trường bứt phá
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 16 – 20/04/2012
Hoạt động chốt lời diễn ra khá mạnh trong hai phiên cuối tuần, nhưng nhìn chung sự hưng phấn của giới đầu tư đã khiến thị trường có tuần tăng điểm mạnh mẽ. Chất xúc tác chính cho sự tăng tốc là những chính sách vĩ mô mới sẽ thúc đẩy nhanh hơn tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Bất động sản đã chính thức được giải cứu và không quá bất ngờ khi cổ phiếu ngành này thu hút được dòng tiền đổ vào trong tuần qua. Kỳ vọng hồi phục của ngành Bất động sản đã kéo theo sự tăng trưởng mạnh của các ngành “họ hàng” như Xây dựng và SX Tôn thép. Bên cạnh đó, Ngân hàng và Chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng.
Đà hưng phấn đã nhanh chóng đưa các chỉ số tiến về đỉnh cũ và không quá bất ngờ khi thị trường bắt đầu rung lắc mạnh ở vùng giao dịch nhạy cảm.
Bất chấp thị trường rung lắc, chúng tôi vẫn thấy sự tự tin của bên mua, thể hiện qua: (1) Sự tăng trưởng của khối lượng giao dịch trên toàn thị trường trong những phiên giảm điểm, cho thấy động thái gom hàng khá bình thản. (2) Các ngành nóng như Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán thay phiên nhau tăng điểm giúp thị trường “giữ lữa” bất chấp áp lực bán mạnh tập trung vào các nhóm cổ phiếu này. Và (3) khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh giúp duy trì hưng phấn của giới đầu tư trong nước.
Tuần giao dịch tới, bức tranh kết quả kinh doanh quý 1/2012 sẽ rõ nét. Chúng tôi muốn lưu ý đến ba nhóm ngành quan trọng là Bất động sản, Chứng khoán và Ngân hàng.
Bất động sản: Như chúng tôi đề cập trong tuần, Bất động sản là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong đợt nới lỏng tín dụng lần này, bao gồm cả những “cởi trói” trong dự thảo sửa đổi Thông tư 13.
Rõ ràng là hoàn toàn có thể cân nhắc mua cổ phiếu Bất động sản tốt, vì giá cổ phiếu thường phát tín hiệu sớm hơn so với KQKD thực sự. Dự án phù hợp với nhu cầu, vị trí tốt, uy tín thương hiệu của nhà phát triển nay trở nên thậm chí quan trọng hơn dù công ty có thể có cơ cấu vốn nhiều rủi ro.
Chứng khoán: Nhóm CTCK cũng sẽ có quý 1 thuận lợi nhờ sự khởi sắc của thị trường. Thông tin cần quan tâm là tuần tới, UBCKNN sẽ công bố các công ty thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo Thông tư 226 và Đề án tái cấu trúc CTCK. Sẽ không có gì bất ngờ nếu đây là các công ty nhỏ, có nhiều vụ việc lùm xùm trong thời gian qua; và sẽ lại xuất hiện việc chuyển giao khách hàng cho các CTCK lớn.
Nhóm CTCK lớn sẽ được hưởng lợi từ xu hướng consolidation của ngành; một phần đến từ tiếp nhận khách hàng chuyển sang, một phần nhóm này sẽ trở nên có thế mạnh cạnh tranh hơn trong mắt nhà đầu tư mới (vì đã “ngán” CTCK nhỏ).
Cổ phiếu của nhóm CTCK top 5-10 (thị phần thực chất) sẽ hấp dẫn với giới đầu tư cổ phiếu.
Ngân hàng: Chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra tiếp tục cao trong thời gian tới, cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nợ xấu trở nên “đẹp” hơn… là các yếu tố khiến cổ phiếu Ngân hàng sẽ tạo sức hút.
Như nhận định trong Báo cáo kinh tế vĩ mô, sự ổn định trên thị trường tiền tệ đã trở lại và nền kinh tế sẽ bước vào một giai đoạn nới rộng tín dụng. Vì vậy, ngân hàng sẽ là một nhóm “ăn nên làm ra”. Cũng cần để ý thêm, sau mùa đại hội cổ đông năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều vụ mua bán – sáp nhập giữa các ngân hàng.
Những thảo luận về lạm phát tháng 4 sẽ là một tâm điểm của tuần tới. Đang có những ý kiến xung quanh việc tăng giá điện và xăng dầu. Trong một nhận định trước đây, chúng tôi có nói đến việc lạm phát năm 2012 chủ yếu chịu áp lực của yếu tố chi phí đẩy, trong khi yếu tố cầu kéo và tiền tệ gần như đã bị triệt tiêu. Cầu yếu cũng khiến cho việc tăng giá nguyên liệu cơ bản tác động lên lạm phát không đáng kể, nếu so với các năm trước đây.
Với thực tế xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế, thị trường giằng co sẽ là cơ hội để giới đầu tư ngắn hạn cũng như dài hạn gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vùng 470 – 480 điểm đang được test lại. Thị trường đã có một tuần lễ tăng trưởng khá ấn tượng với các phiên tăng điểm mạnh liên tiếp.
Như vậy, sau giai đoạn phân vân (Trader's Remorse) và test lại những ngưỡng kỹ thuật quan trọng, VN-Index lại tiếp tục quá trình phục hồi dài hạn của mình.
Trong tuần tới, vùng 470 – 480 điểm dự kiến sẽ là rào cản khó vượt qua xét về cả ngắn hạn lẫn dài hạn của VN-Index, do khối lượng mắc kẹt ở đây rất lớn sau rất nhiều lần báo hiệu thành công các đợt đảo chiều của giá.
Việc xuất hiện những phiên giằng co mạnh tại vùng này là khó tránh khỏi, nhưng khả năng giảm sâu theo đánh giá của giới phân tích kỹ thuật là khó diễn ra vì vùng 425 – 440 điểm với sự hiện diện của các ngưỡng chống đỡ mạnh như SMA 300, internal trendline (neckline của mẫu hình Head & Shoulder) ... đang hỗ trợ rất tốt cho giá.
Khối lượng tăng trưởng tốt trong cả tuần cho thấy dòng tiền đang hoạt động rất mạnh. Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nên quay trở lại chiến thuật chờ đợi xuất hiện điểm phá vỡ (breakpoint) thì mới hành động. Điều này sẽ an toàn hơn là mua mạnh hay bán mạnh khi chưa có dấu hiệu rõ ràng.
HNX-Index – Phân kỳ giá xuống của MACD có đáng ngại? Trong tuần vừa qua, một trong những tín hiệu khiến cho giới phân tích kỹ thuật lo ngại là phân kỳ giá xuống của MACD đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này cho thấy động lực tăng trưởng của HNX-Index đang yếu dần và có thể đảo chiều giảm điểm bất ngờ trong tuần sau nếu thanh khoản không tiếp tục duy trì mức cao.
Nếu kịch bản bi quan diễn ra, middle của Bollinger Bands (tương đương vùng 74 – 75 điểm) sẽ tiếp tục đóng vai trò chống đỡ chính trong ngắn hạn. Nếu phá vỡ ngưỡng này, vùng chống đỡ tiếp theo là 65 – 67 điểm.
Giới phân tích kỹ thuật đánh giá khá cao việc thanh khoản liên tục được duy trì mức cao (trên 80 triệu đơn vị/phiên). Nó giúp cho khả năng duy trì đà phục hồi ngắn hạn được tốt hơn.
Các chỉ báo dao động quan trọng như Stochastic Oscillator, Ultimate Osc... đang duy trì ở mức khá cao nên việc mua mạnh tại thời điểm này lại trở nên khá mạo hiểm. Vì vậy, cần giữ thái độ thận trọng và hạn chế đua lệnh giá cao trong thời gian tới.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm nhẹ (-0.75%) trong phiên giao dịch ngày 13/04/2012, VS 100 có dấu hiệu đi ngang trong các phiên giao dịch gần đây khi đến gần vùng đỉnh cũ trung hạn.
Khối lượng giao dịch cũng có dấu hiệu chững lại chứng tỏ nhà đầu tư đang dần thận trọng. Nếu tình trạng này vẫn duy trì trong những phiên tới thì khả năng đảo chiều giảm điểm sẽ khá cao.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 13/04/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.56, tức số mã tăng giá bằng 0.56 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 1.22, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 1.22 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.41 lần và VS-U/D HNX bằng 1.13 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 0.4, đây là mức thấp của chỉ số này nên báo hiệu khả năng tăng trưởng trong thời gian tới vẫn còn.
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
Finfonet
|