Thứ Hai, 02/04/2012 16:35

Vietstock Weekly 03 - 06/04: Cơ hội của bên cầm tiền?

Trong khi chúng tôi vẫn khá lạc quan với triển vọng của TTCK Việt Nam, rất có thể giao dịch sẽ chịu một ít xáo trộn nhất định, trước khi ổn định và tăng trưởng trở lại. Và đây rõ ràng là cơ hội của bên cầm tiền.

* Chứng khoán Tuần 26 - 30/03: Áp lực chốt lời tăng mạnh!

* Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào?

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 03 –  06/04/2012

Các chỉ số chính VN-Index và HNX-Index đều phải đối diện với những ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng và mong muốn chốt lời tăng cao đã khiến thị trường trượt dốc trong tuần giao dịch qua.

Các nhóm ngành chủ chốt cùng với nhóm mang tính đầu cơ cao như Khai khoáng, Chứng khoán, Bất động sản… bị xả hàng mạnh mẽ.

Bên mua đang có dấu hiệu thận trọng trở lại thể hiện qua đà suy giảm của thanh khoản. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên tiếp thất bại khi bắt đáy trong phiên giao dịch. Thay đổi cách tính giá tham chiếu dựa vào giao dịch 15 phút cuối trên HNX diễn ra trong lúc thị trường bị bán mạnh khiến sự mất mát càng lớn. Có thể nhiều người sẽ thích cách tính này khi thị trường giao dịch tích cực hơn.

Khác với tuần qua, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin quan trọng trong tuần giao dịch tới. Giao dịch, vì vậy, được kỳ vọng sẽ diễn ra tích cực hơn.

Kết quả kinh doanh quý 1/2012: Không nghi ngờ gì nữa, với những gì đang diễn ra, Bất động sản sẽ là nhóm có KQKD quý 1 tệ nhất; trong khi Chứng khoán sẽ có quý 1  tích cực hơn nhờ thị trường khởi sắc từ đầu năm. Đây cũng là ví dụ cho thấy nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp. Dòng tiền tích cực và mức sử dụng vốn vay vừa phải sẽ là những tiêu chí ưu tiên để lựa chọn cổ phiếu vào lúc này. Ngược lại, khi lãi suất hạ xuống một cách thực chất và kinh tế phục hồi thì các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao lại có cơ hội khuếch đại lợi nhuận hơn các doanh nghiệp khác.

Thông tư 226 có hiệu lực toàn diện kể từ ngày 01/04/2012 và sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường. Nhiều khả năng các công ty trong nhóm 2 và 3 (kiểm soát và kiểm soát đặc biệt) sẽ đối mặt với việc cơ cấu lại hoạt động như cắt giảm chi phí, cơ cấu lại các tài sản có mức độ rủi ro cao (điển hình là các chứng khoán rủi ro cao), thu hồi nợ hay M&A …

Đặc biệt, dòng tiền vào thị trường sẽ giảm sút đáng kể khi các CTCK trong nhóm 2 và 3 bị hạn chế hoạt động cung cấp margin và một số hoạt động khác. Xem thêm nhận định của chúng tôi tại đây.

Kịch bản lạc quan là các CTCK đã dần thực hiện hoạt động cơ cấu lại tài sản có mức độ rủi ro cao và ảnh hưởng từ sau ngày 01/04 là không quá lớn. Có thảo luận cho thấy hoạt động bán mạnh khi thị trường khởi sắc trong tuần qua cũng xuất phát từ yếu tố này. Khác với ngân hàng, việc tái cấu trúc CTCK sẽ ảnh hưởng lên TTCK trực diện hơn.

Điều đáng e ngại là các quyết định đưa CTCK vào diện kiểm soát/kiểm soát đặc biệt có thể không được công bố và sẽ gây nên đồn đại trên thị trường. Rất có thể TTCK sẽ phải trải qua một giai đoạn ngắn có xáo trộn trước khi ổn định trở lại.

Nếu việc M&A diễn ra đối với các CTCK thì không thể không tính tới hoạt động đầu cơ được kích hoạt mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu này, như đã từng diễn ra đối với các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây. Tuy vậy, mức độ hấp dẫn có thể thấp hơn, vì lợi thế của các CTCK là không quá lớn, và thời gian qua, nhiều CTCK trên thực tế cũng đã cố gắng tìm kiếm đối tác chiến lược.

Lạm phát và giá điện: Về nguyên tắc, EVN lúc này đã có thể tiếp tục tăng giá điện do lần tăng giá gần nhất cách nay đã hơn 3 tháng. Việc tăng giá điện gần như chắc chắn sẽ diễn ra và điều còn lại chỉ là chọn thời điểm hợp lý. Tin tích cực là giá gas sẽ giảm mạnh 72,000 đồng/bình 12 kg do giá nhập khẩu giảm mạnh so với tháng trước. Trong khi đó, mặc dù Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt mới với xuất khẩu dầu của Iran; nhưng có khả năng kết hợp cùng với Anh và Pháp mở kho dự trữ dầu chiến lược để hạ giá dầu.

Chúng tôi nhận thấy thông điệp quyết liệt kiềm chế lạm phát dưới một con số trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa rồi. Vì vậy, hy vọng việc tăng giá điện có thể sẽ được thực hiện kết hợp với các chính sách khác để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.

Trong khi chúng tôi vẫn khá lạc quan với triển vọng của TTCK Việt Nam, rất có thể giao dịch sẽ chịu một ít xáo trộn nhất định, trước khi ổn định và tăng trưởng trở lại. Và đây rõ ràng là cơ hội của bên cầm tiền.

Cần để ý rằng, khối ngoại vẫn đang bền bĩ mua vào (thậm chí đã trở nên mạnh hơn trong tuần giao dịch qua). Như thường lệ, lực cầu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu tập trung vào cổ phiếu Large Cap và giúp chỉ số thị trường khó giảm sâu.

Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Cơ hội hay rủi ro? Trong tuần vừa qua, thị trường đã có một giai đoạn khá bất ổn với những phiên tăng giảm mạnh đan xen nhau liên tục, cho thấy tâm lý nhà đầu tư diễn biến khá phức tạp. Đây là điều thường xảy ra khi VN-Index đồng thời nằm giữa các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mạnh.

Vùng 470 – 480 điểm đã nhiều lần báo hiệu thành công các đợt đảo chiều của giá và có thời gian tồn tại lâu nên theo đánh giá của giới chuyên môn, độ vững chắc của nó là rất cao và giá cũng sẽ cần nhiều thời gian để phá vỡ.

Nhưng giới phân tích kỹ thuật cũng đang kỳ vọng rất lớn vào vùng hội tụ 420 – 435 điểm. Các ngưỡng chống đỡ mạnh như SMA 300, internal trendline (neckline của mẫu hình Head & Shoulder) ... trong vùng này nhiều khả năng sẽ hỗ trợ tích cực cho giá trong ngắn hạn vì chúng đều có nhiều lần test thành công trong quá khứ.

Sự hội tụ của các yếu tố kháng cự và hỗ trợ mạnh được dự kiến sẽ làm cho VN-Index tiếp tục giằng co trong tuần tới. Vì vậy, việc mua mạnh hay bán mạnh đều có thể là một quyết định sai lầm vì cơ hội và rủi ro có vẻ như đang ngang bằng nhau. Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nên chờ đợi xuất hiện điểm phá vỡ (breakpoint) thì mới hành động.

HNX-Index – Double Top đã thành hiện thực? Trong tuần trước, hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng vùng đỉnh cũ 77 – 80 điểm là rất khó phá vỡ vì đây vốn là vùng từng báo hiệu thành công sự đảo chiều mạnh của HNX-Index trong giai đoạn tháng 06/2011, tháng 09/2011 và gần đây nhất là đầu tháng 03/2012. Diễn biến của HNX-Index trong tuần vừa qua đã chứng minh cho nhận định này.

Khối lượng trong tuần qua nhìn chung duy trì khá ổn. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn hiện diện rất mạnh trong thị trường chứ không hề tháo chạy hay hoảng loạn khi có điều chỉnh và khả năng xảy ra sụt giảm mạnh bất ngờ (thrust down) không quá lớn.

Các chỉ báo quan trọng như MACD, Stochastic Oscillator, Ultimate Osc... đều cho tín hiệu bán trở lại. Cần lưu ý là các tín hiệu này xuất hiện ở vùng khá cao nên khả năng thành công cũng như độ tin cậy là rất lớn.

Giới phân tích kỹ thuật đang đặt niềm tin vào đường middle của Bollinger Bands vì trong hai giai đoạn trung tuần tháng 02/2012 và tháng 03/2012 đường này đã hết sức thành công trong vai trò là những ngưỡng chống đỡ cho HNX-Index. Tuy nhiên, nếu như ngưỡng này bị phá vỡ hoàn toàn thì có thể kéo theo một đợt sụt giảm mạnh. Trong trường hợp đó, nguy cơ hình thành Double Top như lo ngại của một số nhà đầu tư là rất lớn. Vì vậy, cần thận trọng và hạn chế bắt đáy nếu điều này xảy ra.

VIETSTOCK INDEX

VS 100: Giảm nhẹ (-0.38%) trong phiên giao dịch ngày 30/03/2012, VS 100 có dấu hiệu chậm lại đà bứt phá khi đến gần vùng đỉnh cũ trung hạn.

Khối lượng giao dịch cũng có dấu hiệu giảm dần chứng tỏ nhà đầu tư đang dần thận trọng. Nếu tình trạng này vẫn duy trì trong những phiên tới thì khả năng đảo chiều giảm điểm sẽ khá cao.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 30/03/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.23, tức số mã tăng giá bằng 0.23 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.19, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.19 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.24 lần và VS-U/D HNX bằng 0.02 lần.

SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 1.05, đây là mức cao của chỉ số này nên báo hiệu khả năng tăng trưởng trong thời gian tới không quá cao.

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật