Vietcombank: Tỷ trọng vốn tổ chức giảm do “lộn xộn”
Một nội dung được đưa ra chất vấn lãnh đạo Vietcombank nhưng cũng mang tính điển hình cho hoạt động huy động vốn nói chung của hệ thống.
* VCB thông qua việc phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế
Ngày 2/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012. Qua 5 lần tổ chức kể từ khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần, có thể nói đây là kỳ đại hội êm ả nhất của ngân hàng này.
Nguyên do, trong năm 2011, dù kết quả kinh doanh nhìn chung không tạo những mức tăng trưởng thực sự mạnh mẽ, song Vietcombank đã giải quyết được các vấn đề nóng của mình - những mối quan tâm chính của cổ đông kéo dài vài năm gần đây.
Sau khi gỡ vướng mắc từ “vòng thí điểm” cổ phần hóa, Vietcombank cũng đã thực hiện được các đợt tăng vốn, phát hành thêm để giải quyết khó khăn về yêu cầu đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, đặc biệt là về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) và giới hạn tỷ trọng vốn đầu tư… Thêm nữa, cuối cùng thì họ cũng đã xong bước tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
Và lúc này, cổ đông quan tâm hơn đến những điểm cụ thể trong kết quả hoạt động, những vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của họ.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, năm 2011 huy động vốn từ nền kinh tế của Vietcombank đạt hơn 241 nghìn tỷ đồng, tăng 16% - cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn hệ thống (ước khoảng 11%). Song, con số đó mới chỉ đạt được 96,7% kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý là trong kết quả đó, huy động vốn từ dân cư có tốc độ tăng trưởng mạnh với 23%, chiếm tỷ trọng tới 50,4%; trong khi huy động vốn từ các tổ chức kinh tế lại chỉ tăng 9,7% và chỉ đạt 90,3% kế hoạch. Điểm này được cổ đông đưa ra chất vấn.
Ở kết quả chung, lãnh đạo Vietcombank cho rằng mức tăng trưởng huy động 16% là kết quả khả quan, đặt trong bối cảnh huy động vốn của các ngân hàng nói chung gặp nhiều khó khăn trong năm 2011, mà trần lãi suất là một trở ngại chính. Và lượng vốn huy động từ dân cư tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu là kết quả đáng mừng.
Tổng giám đốc Nguyễn Phước Thanh giải thích rằng: trước đây vốn huy động từ các tổ chức kinh tế thường chiếm tỷ trọng từ 70% - 80%, nay từ dân cư đã chi phối cho thấy niềm tin của người dân vào ngân hàng tốt hơn. Mặt khác, cơ cấu như vậy được đánh giá là ổn định và ít rủi ro, bởi nếu vốn từ các tổ chức kinh tế chi phối dễ dẫn tới sự thiếu bền vững do có tính linh hoạt cao hơn.
“Tiền gửi của dân cư là tiền của họ, nó có tính ổn định cao hơn cần cho ngân hàng, bên cạnh việc thể hiện niềm tin đối với ngân hàng được nâng cao trong dân cư”, ông Thanh nói.
Ngược lại, tăng trưởng huy động từ các tổ chức kinh tế thấp, không đạt kế hoạch được Tổng giám đốc Vietcombank lý giải ở các nguyên nhân: Thứ nhất, năm 2011 chính sách tiền tệ thắt chặt, các tổ chức tận dụng tối đa nguồn vốn của mình cho sản xuất kinh doanh, nguồn vốn nhàn rỗi hạn chế. Thứ hai, thị trường huy động vốn lộn xộn.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cũng giải thích thêm ở điểm này rằng: “Vì sao huy động vốn từ các tổ chức kinh tế không tăng nhiều? Vì thị trường lộn xộn, mà Vietcombank thì không huy động bằng mọi giá. Có những nơi họ “đòi” quá cao (lãi suất - PV), trong khi chi phí huy động vốn phải cân nhắc”.
Liên quan đến kế hoạch huy động vốn thời gian tới, tại đại hội, Vietcombank đã trình kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Kế hoạch này cũng khiến một số cổ đông quan ngại về những rủi ro liên quan đến tỷ giá, lãi suất khó thuận lợi do độ tín nhiệm của Việt Nam yếu đi trong thời gian qua…
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh là phương án phát hành sẽ được cân nhắc thận trọng, cả ở yêu cầu quản lý rủi ro đến chi phí huy động với lãi suất chấp nhận được. 1 tỷ USD này sẽ không huy động bằng mọi giá, nhưng cần thiết.
Ông Thanh cho biết Vietcombank có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, có đủ lực để quản trị các rủi ro. Nhu cầu vay ngoại tệ thời gian qua và hiện nay là rất lớn, không sụt giảm dù Ngân hàng Nhà nước đã có những hạn chế về đối tượng. Trong khi đó, cơ chế trần lãi suất áp rất thấp hiện nay khiến huy động ngoại tệ khó khăn và họ phải đặt ra phương án “ra khơi” tìm vốn.
Ở nội dung khác, một số cổ đông băn khoăn về tỷ lệ chi trả cổ tức của Vietcombank những năm qua chỉ ở mức 12%. Đây là tỷ lệ khá thấp so với một số ngân hàng khác và có ý kiến mong muốn được nâng lên 15% ngay trong kết quả của năm 2011 và tiếp tục đặt ra cho năm 2012.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết, Vietcombank hoàn toàn có điều kiện để chi trả cổ tức 15% cho năm 2011 như yêu cầu đó của cổ đông. Tuy nhiên, trong điều khoản hợp đồng với đối tác chiến lược nước ngoài Mizuho đã ấn định tỷ lệ đó, nếu tăng lên đồng nghĩa với Vietcombank vi phạm cam kết (tỷ lệ 12% cho năm 2011 cũng không tính cổ tức của đối tác chiến lược theo nội dung quy định tại hợp đồng mua cổ phần ngày 30/9/2011).
Tại đại hội, dù cổ đông không đặt vấn đề trực tiếp, song lãnh đạo ngân hàng này cũng nêu định hướng rằng, trong thời gian tới Vietcombank sẽ tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống, hỗ trợ quá trình này theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Song, quan điểm đưa ra là phải rõ ràng và sòng phẳng: việc tham gia không để ảnh hưởng đến lợi ích ngân hàng và cổ đông, mà chỉ thực hiện khi có lợi và tăng thêm uy tín cho mình.
Minh Đức
TBKTVN
|